Xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống Chính trị cơ sở ở vùng Dân tộc thiểu số
02:50 21/06/2013 Lượt xem: 3604 In bài viếtXây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đối với vùng dân tộc thiểu số, thực hiện nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chính sách, chương trình, dự án, sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc đã tạo ra động lực và những chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc ở các vùng, miền. Cơ cấu kinh tế miền núi đã có chuyển biến tích cực, tạo đà phát triển mới theo hướng sản xuất hàng hóa và từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Song hiện nay, vùng dân tộc miền núi, đang có những khó khăn, thách thức lớn, đó là: kinh tế chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc; phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng; các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng khó khăn về đời sống, tín ngưỡng của đồng bào phục vụ cho âm mưu tuyên truyền, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định trong vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những thiết chế xã hội truyền thống tốt đẹp vùng dân tộc thiểu số, như: truyền thống đoàn kết cộng đồng tinh thần, tự quản và tính chất dân chủ thuần phác; vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, được phát huy, thì còn một số hạn chế trong thiết chế xã hội như: tàn dư của tâm lý, phong tục, tập quán, luật tục lạc hậu, tính trì trệ, bảo thủ... đang là những lực cản với quá trình đổi mới, xây dựng cơ chế mới trong đời sống, sinh hoạt của các dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, điển hình như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập và thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số lại càng thiếu và yếu. Cán bộ tại các thôn, bản phần đông lớn tuổi, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhưng trình độ năng lực yếu, tâm lý ỷ lại còn nặng nên công tác lãnh đạo, điều hành còn nhiều bất cập. Hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi, vùng dân tộc chậm được củng cố, hiệu quả hoạt động còn nhiều yếu kém, nhất là năng lực triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều lúng túng, nhất là trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng. Ở nhiều vùng dân tộc, vai trò của hệ thống chính trị có lúc không rõ ràng, chưa quy tụ được đồng bào... tình trạng hoạt động hình thức, thụ động của các đoàn thể đã làm giảm đáng kể vai trò, vị trí của hệ thống chính trị trong các phong trào ở địa phương. Đó là những khó khăn, thách thức lớn, là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước cùng đồng bào các dân tộc phải tập trung giải quyết.
Những yếu kém trên do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, do điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử ở các vùng dân tộc; đời sống nhân dân còn thấp kém, trình độ dân trí, văn hóa hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp; sự tác động và ảnh hưởng của những phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong đồng bào. Về chủ quan, là sự thiếu đồng bộ, nhất quán và thiếu thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu song trong những năm qua chưa có sự đầu tư đúng mức cho việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở; chưa tập trung chỉ đạo, đúc kết kinh nghiệm về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.
Để phát triển ổn định, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, một mặt cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, nhất quán và sát thực tiễn của Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách đầu tư nguồn lực, vật lực; mặt khác quan tâm đúng mức việc xây dựng và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở, phát huy vai trò tích cực của hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số.
Củng cố, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vùng dân tộc thiểu số phải thống nhất với thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Gắn chặt nhiệm vụ xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở với thực hiện tốt các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Kết hợp các nguồn lực, chú ý khai thác, phát huy kinh nghiệm, bài học từ địa phương, cơ sở; sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và chính quyền các cấp theo phương châm: thận trọng, vững chắc, hiệu quả. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, tiến hành rà soát, điều tra cơ bản về thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số, từ đó xây dựng quy chế, chương trình hành động, hoạt động phù hợp với từng vùng, đặc điểm từng dân tộc. Chú ý sơ kết, tổng kết, đổi học tập kinh nghiệm, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng.
Hai là, trong công tác cán bộ, nhất là trong việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các nguồn cán bộ phải gắn với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Đảng và Nhà nước cần có chiến lược về đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên phát triển nguồn cán bộ là người dân tộc. Có chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số và vùng dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trongđào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Động viên và phát huy vai trò của người có uy tín, các già làng, trưởng bản ở địa phương.
Ba là, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, chính quyền có năng lực quản lý tốt, đội ngũ đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện các phong trào, hoạt động tại địa phương.
Bốn là, nâng cao dân trí, làm tốt công tác và đào tạo nguồn nhân lực cán bộ là người dân tộc tại chỗ; củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng. Cụ thể hóa các chính sách phát triển kinh tế - xã hội thành các chương trình, dự án phù hợp với từng vùng dân tộc. Củng cố và phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú để đào tạo cán bộ dân tộc.
Trần Đức Quang
[TT: PLN]