Tính đặc thù của công tác dân tộc và một số vấn đề đặt ra

02:53 21/06/2013 Lượt xem: 3249 In bài viết

Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định của pháp luật. Ở địa phương Ban Dân tộc (các tỉnh đủ tiêu chí theo quy định) có chức năng tham mưu, theo dõi, quản lý công tác dân tộc tại địa phương.

Công tác dân tộc là hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc trên phạm vi cả nước nhằm tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương, công tác dân tộc có tính đặc thù ngành sau:

Đặc thù về lĩnh vực công tác: Công tác dân tộc là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực và cần có sự tham gia của nhiều ngành trong hệ thống chính trị. Với tính chất và đặc điểm đó, công tác dân tộc đòi hỏi cán bộ phải hiểu biết chuyên môn đa ngành, có tâm huyết đối với sự nghiệp, có phẩm chất chính trị vững vàng, có kiến thức quản lý nhà nước và năng lực chuyên môn tốt, hiểu rõ đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào, phải gần dân, hiểu dân và trọng dân và có kỹ năng vận động quần chúng. Cán bộ phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức “nói đi đôi với làm” để làm gương vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên đòi hỏi người cán bộ phải trong sạch “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Có như vậy, mới tham mưu cho Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

Đặc thù về địa bàn công tác: Công tác dân tộc, còn phải thực hiện trên địa bàn rộng, chiếm ¾ diên tích cả nước và là vùng phên giậu của Tổ quốc. Địa hình chia cắt phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỉ lệ đói nghèo cao nhất cả nước. Đây cũng là địa bàn xung yếu, nhạy cảm về an ninh, chính trị.

Tần suất công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đến địa bàn vùng dân tộc nhiều hơn các ngành khác. Cơ quan làm công tác dân tộc phải thường xuyên xuống cơ sở, nắm bắt tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào để đề xuất xây dựng chủ trương, chính sách, đồng thời phải tổ chức triển khai thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án và chính sách đó. Mặt khác, còn có nhiệm vụ thăm hỏi, động viên, vận động đồng bào, giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

Đặc thù về đối tượng công tác: Đối tượng công tác dân tộc là các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với khoảng hơn 13 triệu người, chiếm tỷ lệ 13,8% dân số cả nước, sống rải rác ở 52 tỉnh, thành và tập trung chủ yếu ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Mỗi dân tộc có nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo truyền thống riêng và phát triển không đều nhau; cá biệt, có những dân tộc rất ít người, không thể tự phát triển, đòi hỏi phải có chính sách đặc thù để bảo tồn và phát triển.

Vấn đề dân và tôn giáo luôn song hành và nhạy cảm trong khi trình độ dân trí, văn hóa của đồng bào còn thấp, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng làm ảnh hưởng đến sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc thù về hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ: Đội ngũ cán bộ và hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và thiếu tính ổn định. Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa đáp ứng theo quy chuẩn nghề nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, và cán bộ là người dân tộc thiểu số với một tỷ lệ thích hợp từ Trung ương đến địa phương, đòi hỏi phải xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc chiếm tỷ lệ cao nhất so với các Bộ, ngành khác. Đó là đối tượng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên khuyến khích. Cán bộ trong ngành công tác dân tộc thường gặp nhiều khó khăn khi phải đi công tác dài ngày, ngoài tiền lương và phụ cấp công tác phí được hưởng theo quy định chung, thì đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc không được hưởng thêm bất cứ một khoản phụ cấp nào khác. Trong khi đó cán bộ, công chức, viên chức các ngành giáo dục, y tế, kiểm lâm... công tác trên cùng địa bàn với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách phụ cấp ưu đãi ngành từ 50% đến 70% lương cơ bản.

Mặt khác, do biên chế của hệ thống cơ quan công tác dân tộc còn hạn chế, nên kinh phí được giao cũng rất hạn hẹp theo cơ chế khoán chi hiện nay. Vì thế việc thực hiện tiết kiệm chi để cải thiện đời sống hầu như không thực hiện được nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, nhất là những cán bộ có năng lực, trình độ không an tâm công tác, thậm chí có một số đã xin chuyển khỏi ngành đến những cơ quan có thu nhập cao hơn.

Đặc thù về chuẩn hóa tiểu chuẩn chức danh: Ngành công tác dân tộc chưa xây dựng được tiêu chuẩn chức danh theo nghề đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc như một số ngành, nghề khác để được hưởng chế độ phụ cấp nghề theo quy định hiện hành. Nguyên nhân là do cơ quan công tác dân tộc có nhiều biến động, thiếu ổn định; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được quy chuẩn nghề nghiệp chung. Mặt khác, công tác dân tộc có tính tổng hợp, mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực nên rất khó trong việc chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh. Do vậy, hiện nay, chưa thể xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề như các Bộ, ngành khác, nên việc xây dựng chính sách phụ cấp ưu đãi đặc thù ngành là một yêu cầu tất yếu khách quan.

Để bảo đảm tương quan về chế độ, chính sách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, ổn định, thu hút và động viên, khuyến khích, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương, việc xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về Chính sách phụ cấp ưu đãi đặc thù đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc là yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Từ những đặc thù của cơ quan làm công tác dân tộc và hệ thống tổ chức bộ máy của ngành, các Vụ chức năng của Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân tộc, để củng cố bộ máy cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc góp phần, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới; giữ ổn định và thu hút được đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức tốt làm công tác dân tộc; tạo điều kiện để nâng cao trình độ, từng bước cải thiện đời sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.

ThS. Nông Hồng Thái

[TT: PLN]