Trăn trở bảo tồn văn hóa Tây Nguyên

04:11 26/06/2013 Lượt xem: 423 In bài viết

Ðường từ thành phố Plây Cu đi huyện Chư Păh lên dốc xuống đồi uốn lượn. Nhờ có thủy điện Ya-ly, đường xuống huyện có đoạn dài hơn 20 km phẳng mềm như lụa, hai bên là những vườn cà-phê, hồ tiêu xanh rượi. Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Ksor Phúc dẫn chúng tôi ghé thăm làng Kép, xã Iaka. Giữa vườn tược xanh tốt, thấp thoáng những ngôi nhà sàn mới, cũ. Bên cạnh số ít còn sót lại đã được sửa chữa, lợp mái tôn là khá nhiều nhà mới tuy vẫn theo kiểu nhà sàn nhưng hoàn toàn bằng chất liệu gạch, xi-măng, mái lợp tôn xanh, đỏ. Ði vào giữa làng, nơi khu đất rộng là một ngôi nhà Rông "hiện đại", bề thế do UBND huyện xây dựng sắp hoàn thành với chất liệu tường, cột, cầu thang bằng xi-măng giả gỗ, mái tôn chắc chắn. Ðây sẽ là nơi diễn ra những lễ hội, sinh hoạt cộng đồng cho dân làng. Chẳng biết khi đó nó có sức hấp dẫn, hội tụ được đám đông không, còn lúc này chỉ thấy sự thô cứng, góc cạnh, lạ lẫm khác xa với cảm nhận, hình dung về một mái nhà rông đậm chất Tây Nguyên nghìn đời. Cách đó không xa, ngôi nhà rông mái tranh hiếm hoi của xã Ya Mơ-nông còn sót lại nằm đơn độc, chông chênh giữa bãi đất trống trong làng Phung, đã xuống cấp nặng nề. Mái tranh, tường phên tre, nứa rách thủng tả tơi, bên trong trống hoác. Trong ánh chiều đang ngả dần mầu tối, ngôi nhà rông cũ nát trông đơn độc, buồn bã như đang lặng lẽ lùi dần vào quá khứ xa xăm...

Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện, toàn tỉnh Gia Lai có tất cả 576 ngôi nhà rông các loại, chất liệu xây dựng chủ yếu là mái tôn, thậm chí vách, sàn, cầu thang cũng bằng tôn, xi-măng. Nguyên nhân chính là do cỏ tranh, gỗ ngày càng khan hiếm. Hiện, chỉ còn một số vùng sâu, vùng xa của đồng bào Ba Na như huyện Kbang hay xã Hà Tây, huyện Chư Păh còn cỏ tranh, cho nên mới còn nhà sàn bằng tranh, gỗ truyền thống. Một thực tế nữa là sự sẵn có, tiện lợi, bền vững của các chất liệu công nghiệp trong khi tranh, tre, nứa, gỗ dễ cháy, mối mọt. Mấy năm trước, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh có chương trình xây tặng làng Stơr, quê hương Anh hùng Núp một nhà rông, địa phương cũng đã yêu cầu làm mái tôn cho khỏi cháy. Nhà rông vốn là biểu tượng tinh hoa văn hóa, sáng tạo của người Tây Nguyên, là linh hồn của buôn làng, nơi diễn ra những cuộc hội họp, hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống. Những năm qua, trước thực trạng dần khan hiếm, có nguy cơ "biến mất" vì nhiều lý do, chủ trương bảo tồn, xây dựng lại nhà rông văn hóa ở các làng Tây Nguyên của ngành văn hóa và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi cả về chất liệu và kiến trúc của các nhà rông “hiện đại” đã làm sai lệch bản sắc truyền thống khiến đồng bào không thích đến sinh hoạt, nhiều nơi bị bỏ hoang, xuống cấp như nhà rông văn hóa các xã Glar, huyện Ðác Ðoa, Ayun huyện Chư Sê, làng Stơr, huyện Kbang, xã Gào thành phố Plây Cu...

Không chỉ đầu tư ít, việc xây dựng những cụm nhà hoặc cả một làng với kiến trúc còn nhiều bất cập dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Huyện Chư Sê có hàng loạt nhà xây nhưng dân không ở vì diện tích nhỏ, chật chội nóng bức, kết cấu không tiện dụng. Trong thực tế, người dân có nhu cầu tự sửa chữa nhà sàn hoặc xây dựng nhà mới cho phù hợp mục đích và tính năng sử dụng. Do đó, với những chương trình hỗ trợ này cũng như việc bảo tồn, xây dựng lại nhà rông văn hóa rất cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, giữa Nhà nước và nhân dân để đạt hiệu quả tích cực.

Ksor Krô là nghệ nhân tạc tượng tài hoa làng Mrong Ngo, xã Iaka, huyện Chư Păh. Khi chúng tôi đến, ông đang cùng mấy nghệ nhân trang trí, tô vẽ hoa văn, sắc mầu cho những tấm phên nhà mồ do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội đặt hàng. “Không có tượng tạc thì phải làm thêm đủ mọi việc để kiếm sống thôi’’. Ksor Krô cười mộc mạc chia sẻ. Sinh năm 1954, ông đã có 20 năm trong nghề tạc tượng, khởi đầu bằng việc theo chân cha anh đi làm tượng nhà mồ, lễ bỏ mả, trang trí nhà rông... Ksor Krô từng tham gia biểu diễn tạc tượng tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2009; Khu Du lịch Ðồng Xanh, Gia Lai; Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hà Nội; tạc tượng nhà mồ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Ông cho biết, hiện nay, tượng đặt hàng ít, gỗ rừng lại khan hiếm, cho nên không mấy người theo học nghề này. Cùng chung nỗi niềm với ông có nghệ nhân Ksor Hnao ở làng Kép, phường Ðống Ða, thành phố Plây Cu. Hiện nay, ông là nghệ nhân tạc tượng gỗ giỏi và có khả năng truyền nghề hiếm hoi chỉ đếm trên đầu ngón tay của tỉnh, cùng với Ksor Krô tham gia lớp dạy tạc tượng hàng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức. Ngoài ra, ông còn là một nghệ nhân, nghệ sĩ đa tài khi có khả năng hát dân ca Jrai, chế tác và chơi thành thạo một số nhạc cụ truyền thống, từng được Viện Âm nhạc Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ sĩ dân gian. Ksor Hnao bày tỏ nỗi buồn vì nghề tạc tượng bây giờ đang gặp nhiều khó khăn, lớp trẻ không say mê học, làm nghề. Bản thân ông cũng phải kiếm sống bằng những công việc khác như sử dụng, chế tác nhạc cụ, tham gia hợp tác xã sản xuất nghề truyền thống của địa phương... “Có lẽ cần phải đưa bộ môn điêu khắc vào nhà trường, nếu không muốn nó mất dần, mai một”. Ông trăn trở.

Nói đến văn hóa Tây Nguyên, không thể không nhắc đến Không gian văn hóa cồng chiêng từng được UNESCO công nhận di sản thế giới. Song thực tế, lâu nay văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Ðó là sự mất mát, “chảy máu” cồng chiêng do bà con bán, đổi, vứt bỏ không bảo quản gìn giữ; là sự lãng quên nhiều bản nhạc chiêng; thưa vắng dần những nghệ nhân có tài thẩm âm, chỉnh chiêng trong cộng đồng. Ngay trong cách nhìn nhận của những người làm công tác bảo tồn cũng còn nhiều sai lệch. Thực tế, không có cái gọi là “lễ hội cồng chiêng”. Không gian văn hóa cồng chiêng là không gian của lễ hội, trong đó chiêng là một thành tố. Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng gia đình, không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ mà còn là một linh khí, phương tiện để con người giao tiếp với thần linh...Vì vậy, không thể lúc nào và ở đâu cũng mang chiêng ra chơi được. Cồng chiêng nói riêng và các loại hình nghệ thuật âm nhạc Tây Nguyên nói chung đều gắn với môi trường diễn tấu của nó ở buôn làng. Do đó, nếu không giữ được không gian văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong sự phát triển hiện đại thì cũng có nghĩa là cồng chiêng sẽ mất vì không còn môi trường sống thích hợp. Theo số liệu của ngành Văn hóa, trong năm năm qua, số cồng chiêng ở tỉnh Kon Tum đã giảm hơn 30%; ở Gia Lai trước năm 1980, cả tỉnh có hàng chục nghìn bộ, nay chỉ còn 5.600 bộ; ở Ðắk Lắk còn khoảng hơn 3.000 bộ. Việc bổ sung, cấp mới chiêng cho các nhà văn hóa cộng đồng vùng sâu, vùng xa của các tỉnh cũng chỉ là để sử dụng khi có lễ hội cần thiết chứ không được “sống” thật sự với đời sống bản địa hàng ngày. Là người gắn bó và có bề dày nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhà nghiên cứu Linh Nga Nie Kdăm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Ðắk Lắk nêu ra một thực tế đáng buồn: “Thời gian qua, ngành Văn hóa và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng có nhiều cố gắng để khôi phục lại một số lễ hội truyền thống quan trọng tại cộng đồng. Song đa phần các lễ hội đều không xuất phát từ nhu cầu của chính cộng đồng mà là những cuộc “trình diễn lễ hội” để quay phim hay diễn ra một cách gượng ép, sai lệch, thậm chí "giả vờ cúng" theo hình thức “sân khấu hóa” trong mọi cuộc liên hoan được gọi là “văn hóa”, đang diễn ra từ Trung ương, vùng miền đến địa phương. Thậm chí có những lễ hội được đạo diễn dàn dựng, hướng dẫn nghệ nhân thực hiện theo kịch bản rồi khoác cho cái tên và tấm áo “lễ hội dân gian” để phục vụ du lịch. Tôi nghĩ, cách tốt nhất để bảo tồn là trả lại đời sống cho văn hóa lễ hội truyền thống, để “nó” hiện diện thật sự theo nhu cầu của cộng đồng các buôn, bon, kon, plei”.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Quang Tuệ là người say mê nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt với sử thi. Ông cho biết, cách đây hơn 10 năm, cả tỉnh Gia Lai có 116 nghệ nhân hát sử thi, hầu hết ở độ tuổi hơn 70. Song, đến nay chỉ còn lại 10 người, trong đó chỉ ba, bốn người làm việc được. Sử thi, còn gọi là trường ca, anh hùng ca là di sản độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Kể từ khi người Pháp công bố những tác phẩm đầu tiên từ trước thập kỷ 50, đến giai đoạn 2001-2007 mới có một dự án với quy mô lớn do Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện mang tên Ðiều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên. Dự án đã nghiên cứu, sưu tầm được hàng trăm tác phẩm và xuất bản được 75 tác phẩm. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đã có hoạt động tìm kiếm và công nhận nghệ nhân cho nhiều người, với tặng thưởng kèm theo là 500.000 đồng, một việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa động viên rất lớn đối với các nghệ nhân; ngoài ra, không có bất cứ một chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thường xuyên nào với họ. Ông Tuệ ngậm ngùi nhớ về một kỷ niệm, năm 2012, ông có điều kiện vào tận làng Kgiang, xã Kol Lơng Khơng nghe cụ Rứt, 87 tuổi nằm hát ba giờ đồng hồ liền sử thi Dông, sử thi anh hùng của dân tộc Ba Na. Vậy mà tháng sau quay trở lại, cụ đã mất. Theo ông, sự thay đổi của môi trường sinh hoạt dẫn đến những thay đổi trong nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đặc biệt ở lớp trẻ, khi họ không còn thích nghe hát kể sử thi; thêm vào đó, vấn đề ngôn ngữ sáng tác cũng chính là lý do để sử thi ngày càng mai một. Ngôn ngữ sử thi vốn là ngôn ngữ cổ, không phải ngôn ngữ giao tiếp thông thường cho nên không phải ai cũng hiểu, cũng thích nghe hát kể, cũng hát được sử thi, ngoài một số nghệ nhân cao tuổi. Hiện nay, cả tỉnh Gia Lai chỉ còn một vài người có khả năng dịch được ngôn ngữ Ba Na cổ. Nghệ nhân hàng đầu là cụ Ðiểu Kâu, người đã có công dịch nhiều tác phẩm trong bộ sử thi thuộc Dự án điều tra, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên nay đã mất. Cụ Ðiểu Mai dịch được một ít. Còn sử thi của dân tộc Gia Rai thì chỉ có đúng... ba tác phẩm vì không có người dịch. “Sử thi rồi... sẽ chết”. Ông Tuệ ngậm ngùi. “Sử thi sẽ dần đi vào quá khứ, thành niềm tiếc nuối trong tâm khảm của những thế hệ hôm nay và mai sau.


Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk Trương Bi cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nghệ nhân hát kể sử thi giỏi người Ê Ðê và M’Nông còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuổi lại đã cao, từ 70 đến 90. Theo ông, không gian nghe kể sử thi là ngôi nhà dài truyền thống với kiến trúc độc đáo đang dần mai một, ở nhiều buôn, làng còn bị thay đổi, biến dạng, thậm chí "xóa sổ". "Vì thế, bây giờ muốn hiểu sâu về nhà dài không có sự lựa chọn nào khác là đi vào bảo tàng tìm hiểu. Và khoảng năm năm nữa thôi nếu không có kế hoạch bảo tồn cụ thể, khẩn cấp thì sử thi Tây Nguyên sẽ mất đi. Khi đó muốn tìm hiểu sử thi cũng chỉ có cách duy nhất là vào bảo tàng để nghe lại những băng cát-xét, xem lại những hình ảnh các cố nhân đang hát kể khi xưa". Ông Trương Bi tiên lượng về "số phận" bi đát của sử thi trong tương lai với một niềm nuối tiếc.

Nói về nguyên nhân của thực trạng các sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống chưa thật sự được sống trong đời sống cộng đồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Phan Xuân Vũ cho rằng, còn nhiều khó khăn như: Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn mỏng, yếu, trong khi khối lượng công việc lại nhiều; nguồn vốn đầu tư cho văn hóa thấp; các cơ chế, chính sách hoạt động văn hóa chưa đồng bộ... “Thực tế là lâu nay chúng ta vẫn làm thay. Cần phải để đồng bào nhận thức được, cần trả lại văn hóa truyền thống về cho chính cộng đồng. Nhà nước chỉ nên giúp đỡ bằng cách định hướng, tạo điều kiện, cơ chế, chính sách... để góp phần phát huy những mặt tích cực, hạn chế tiêu cực. Phải từng bước, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống các cấp, ngành, chính quyền để hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống đạt hiệu quả tích cực”. Ông Vũ khẳng định.

Có thể thấy, bảo tồn văn hóa gắn với không gian sống và sinh kế của người dân là công việc không dễ dàng, nhanh chóng mà đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm huyết của những người làm công tác văn hóa. Cần phải có cái nhìn đúng đắn, phương pháp phù hợp, hiệu quả phát huy được tiềm năng, ý thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng để chung tay góp phần gìn giữ và thắp sáng lửa hồng cho Tây Nguyên cháy mãi nghìn đời.

Nguyễn Phương Liên

[TT: PLN]