Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay
10:45 02/07/2013 Lượt xem: 740 In bài viếtLực lượng nòng cốt (LLNC) làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là những người gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, có uy tín và khả năng vận động, tập hợp, dẫn dắt quần chúng, được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ và chấp hành sự phân công của tổ chức. Thông qua những người nòng cốt mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có thể tập hợp, lôi cuốn, định hướng cho quần chúng tham gia thực hiện các phong trào, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới nội dung hoạt động của lực lượng nòng cốt
Lực lượng nòng cốt (LLNC) làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là những người gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, có uy tín và khả năng vận động, tập hợp, dẫn dắt quần chúng, được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ và chấp hành sự phân công của tổ chức. Thông qua những người nòng cốt mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có thể tập hợp, lôi cuốn, định hướng cho quần chúng tham gia thực hiện các phong trào, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, việc đổi mới nội dung hoạt động của LLNC có ý nghĩa rất quan trọng trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay, bởi qua sự biến chính trị tháng 2/2001 và tháng 4/2004 trên địa bàn đã cho thấy tính chất phức tạp về an ninh chính trị, âm mưu thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch phản động đối với địa bàn Tây Nguyên. Sự đa dạng hóa về nội dung một mặt giúp cho các nòng cốt cập nhật được tri thức, thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; mặt khác giúp LLNC tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ ta, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để hoạt động của LLNC làm tốt công tác vận động quần chúng, các cấp ủy, chính quyền. Mặt trận, đoàn thể cần đổi mới, nắm vững các nội dung sau đây:
- Tổ chức cho LLNC học tập về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo, tái định cư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; an sinh xã hội; chính sách dân tộc, tôn giáo… Khi LLNC nắm vững chủ trương, chính sách là cơ sở để tuyên truyền, vận động giúp đồng bào hiểu và làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu công tác vận động của LLNC là làm rõ và chứng minh cho đồng bào thấy rõ các chủ trương, chính sách của Đảng đã mang lại sự khởi sắc về đời sống vật chất và tinh thần cho các cộng đồng dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên qua 25 năm đổi mới. LLNC cần giải thích cho đồng bào hiểu rõ Đảng, Nhà nước ta đã và đang chăm lo những vấn đề lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ cho miền núi, vùng sâu vùng xa và không ai khác chính đồng bào đã được thụ hưởng những thành quả đó. Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát tiển kinh tế trang trại; thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu… nhằm giúp đồng bào từng bước thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi tuyên truyền, vận động cộng đồng các dân tộc thiểu số hiện nay là phải cụ thể, thiết thực, hiểu phong tục tập quán, bám sát thực tiễn để vận động. Làm sao “Nội dung ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cần truyền đạt, người truyền đạt cần chuẩn bị chu đáo trước khi truyền đạt” .
Ngoài ra LLNC còn được cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, địa phương, quốc tế. Cấp trên tạo điều kiện để LLNC theo dõi đài, báo chí, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận thông tin đại chúng. Đồng thời tổ chức để LLNC tham gia góp ý xây dựng các chương trình, quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào khác ở địa phương, cơ sở.
- Trang bị phương pháp, kỹ năng để LLNC nắm tình hình, cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền.
LLNC ở cơ sở, thôn buôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số là những người gần gũi, hiểu đồng bào nhất. Sống trong cộng đồng nên lực lượng này hiểu hơn ai hết tâm tư, tình cảm, tư tưởng của đồng bào. Do vậy, LLNC thường xuyên trao đổi thông tin cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là cần thiết, nhất là những diễn biến phức tạp về chính trị, những mâu thuẫn trên địa bàn dân cư; kịp thời giải quyết những vướng mắc xảy ra trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Bằng các hình thức, cách làm, kỹ năng phân tích tình hình thực tiễn, các chủ thể cần trang bị kinh nghiệm, kỹ năng cách nhận biết, tính quy luật để LLNC nắm được, thực hành tốt hơn trong việc thu nhận thông tin, nhất là những thông tin có nội dung xấu liên quan đến ổn định chính trị, những phần tử xấu móc nối để tuyên truyền kích động cho hoạt động chống phá của chúng. Có như vậy mới tăng thêm sự hấp dẫn, khích lệ sự nhiệt tình để giúp các nòng cốt bám sát thực tiễn nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đồng bào báo cáo cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.
- Tổ chức cho LLNC hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Cần khẳng định các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá đối với Tây Nguyên, vì đây là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế và an ninh quốc phòng của nước ta. Bởi vậy, việc cung cấp nội dung này giúp LLNC nắm và hiểu sâu sắc hơn âm mưu thủ đoạn của các lực lượng thù địch là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để LLNC tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không bị lừa phỉnh, lôi kéo kích động của các phần tử xấu. Thông qua nội dung và cách làm này đã giúp cho LLNC nắm được diễn biến tình hình chính trị, xã hội, an ninh trật tự mỗi thôn buôn, làng. Qua đó giúp cấp ủy đảng, chính quyền phân loại, xác định đúng những địa bàn mất ổn định chính trị, trật tự xã hội để tìm cách giải quyết. Thực tiễn cho thấy, nhờ một số LLNC giúp các lực lượng chức năng khoanh vùng, tìm đúng đối tượng cầm đầu móc nối với kẻ địch gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa phương ở Tây Nguyên. Có thể thấy, chỉ khi nào trong buôn, làng xa xôi hẻo lánh thường xuyên có LLNC trong cộng đồng dân tộc thiểu số mới nắm được những diễn biến cuộc sống, tư tưởng của đồng bào báo cho Đảng, chính quyền kịp thời để giải quyết. LLNC làm tốt công tác nắm tình hình, biết kết hợp phân tích, dự báo đúng tình hình từ xa, sát cơ sở để chủ động đấu tranh, phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Kết hợp tốt các biện pháp giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng với huy động lực lượng đấu tranh trấn áp khi điểm nóng chính trị bùng phát có bàn tay chỉ đạo của các phần tử xấu, lực lượng thù địch; xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp tại chỗ ngay tại cơ sở, không để lan rộng, kéo dài, trở thành điểm nóng chính trị.
Tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào(Ảnh Thu Trang)
Đa dạng hóa phương thức, phương pháp hoạt động của lực lượng nòng cốt
Trên cơ sở những kinh nghiệm, hình thức, phương pháp lâu nay của LLNC là các tổ chức đoàn thể phối hợp, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số đến địa điểm sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến mỗi khi có chủ trương, chính sách mới của Đảng, chính quyền địa phương. Những ngày tết, ngày kỷ niệm, lễ hội các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo phong trào thi đua trong các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nên hình thức, phương pháp vận động cộng đồng dân tộc thiểu số có mặt không còn phù hợp. Do đó, cần phải kế thừa những kinh nghiệm tốt trong hoạt động của LLNC thời gian qua để đổi mới phương pháp hoạt động sát hợp với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Làm sao phương pháp giáo dục, hình thức vận động phải đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng nòng cốt; tranh thủ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, kết hợp nhiều lực lượng tham gia như đảng viên, cán bộ chính quyền cơ sở; đoàn viên, hội viên các đoàn thể, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang…
Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng LLNC để nắm rõ đặc điểm kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tiếp cận giao lưu thuận lợi. Thời gian, thời điểm LLNC nắm bắt thông tin không thể như trước mà phải thay đổi cách làm có thể thông qua sinh hoạt cộng đồng, lễ hội hoặc thông qua già làng, trưởng thôn buôn, dòng tộc, người có uy tín để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào nhằm giải thích, tuyên truyền cho họ tin theo Đảng, Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động. Thông qua sinh hoạt cộng đồng những ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số như cúng mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu…để LLNC nắm tình hình, hiểu sâu hơn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, lưu giữ bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Đây cũng là điều kiện tốt để LLNC làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn buôn ngày một yên bình, phát triển.
Kỹ năng, tác nghiệp vận động quần chúng là một yêu cầu, biện pháp quyết định đến hiệu quả của công tác dân vận. Có nhiều biện pháp tác nghiệp để làm chuyển biến nhận thức ở đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tác nghiệp “tỉ tê”. Tỉ tê là hình thức tuyên truyền miệng mà nòng cốt sử dụng để trao đổi tâm tư, thuyết phục một số hộ gia đình liên quan đến sản xuất, tổ chức cuộc sống, giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân. Cách làm này xuất phát từ đặc điểm điều kiện tự nhiên đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi vùng đồng bào dân tộc. Mỗi chiều, khi đồng bào đi làm rẫy về tối đến, cái giá lạnh vùng núi kéo họ ngồi bên nhau dưới bếp lửa bập bùng để mọi người chia sẻ “tỉ tê” với nhau về tâm tư nguyện vọng, cách thức làm ăn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa... Người biết, nói giải thích cho người chưa biết hiểu trong cả gia đình các thế hệ, kể cả những người trong làng đến uống nước, uống rượu. Họ “tỉ tê”, nói thủ thỉ, tâm sự rất nhẹ nhàng, chứa đựng trong đó những lời khuyên nhủ con cái, cách làm kinh tế, tổ chức cuộc sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tuân thủ pháp luật, luật tục,…Để “tỉ tê” với đồng bào có hiệu quả phải là già làng, trưởng buôn, người cùng dân tộc, người có uy tín được họ thật sự tin cậy suy tôn.
Cần kết hợp biện pháp tổ chức với vận động cá biệt từng người đã có thời gian lầm lỡ, nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động chống phá cách mạng nay cải tạo tốt hoàn lương trở về buôn làng làm ăn. Vận động cá biệt là phương pháp khó làm vì đối tượng lầm lỗi thường rất mặc cảm với việc làm xấu của mình. Do đó phương pháp của nòng cốt phải kiên trì, cảm thông chia sẻ với người lầm lỗi, tạo điều kiện giúp đỡ họ về kinh tế, động viên tinh thần để ổn định tâm lý. Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức trong HTCT để giáo dục, cảm hóa; kết hợp giữa pháp luật với luật tục để tác động, cảm hóa đối tượng. Sự phức tạp, nhạy cảm của công việc này nên cần phân công nòng cốt là những người có năng lực, uy tín như già làng, người có uy tín thường xuyên theo dõi, động viên giúp đỡ kịp thời thì mới giúp họ nhận ra sai phạm và quyết tâm sửa chữa để tiến bộ. Khi đối tượng này xem LLNC như anh em ruột thịt trong nhà, người của buôn, làng thì vận động mới hiệu quả.
Bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng mà trực tiếp là Ban dân vận, Mặt trận hướng dẫn để LLNC các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia các câu lạc bộ, tổ hội sản xuất, chăm lo giáo dục con cái, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống các mặt cho đồng bào. Trong qúa trình vận động đồng bào, LLNC cần gắn kết với các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả của Nhà nước, các tổ chức xã hội... nhân rộng các mô hình trình diễn về phát triển kinh tế làm ăn có hiệu quả, mô hình dân vận khéo để giúp đồng bào mở rộng tầm nhìn, có thêm kinh nghiệm kỹ năng trong sản xuất, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác giáo dục ngoài việc vận động con em trong độ tuổi đến trường học văn hóa, các cấp, các ngành, LLNC cần chú trọng đến việc tuyên truyền vận động đồng bào giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc làm động lực để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên phát huy truyền thống tốt đẹp mà ông cha họ để lại. Chú trọng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng nông thôn mới hiện nay.
TS. Nguyễn Thế Tư- Học viện CT-HC Khu vực III Đà Nẵng
ThS. Vũ Xuân Thủy- Học viện CT-HC Khu vực III Đà Nẵng
[TT: PLN]