Một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên
10:41 02/07/2013 Lượt xem: 558 In bài viếtNhững năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số và xem đây là lực lượng chủ yếu tại địa phương để thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số không chỉ là người tham gia hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là người trực tiếp tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện và có nhiều thuận lợi hơn đối với cán bộ miền xuôi được cử lên công tác.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở vùng dân tộc, miền núi.
Để thực hiện mục tiêu phát triển chung cũng như thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Trên nguyên tắc "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển", tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng bộ tỉnh đã đề ra chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số thể hiện ở những nội dung:Coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ cơ sở; Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch đi đôi với đánh giá hiệu quả công tác luân chuyển. Linh hoạt, sáng tạo trong công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng... để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Từ thực tiễn công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, kết quả đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cao hay thấp gắn liền với nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Đó chính là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có phương pháp luận khoa học trong xem xét, nhận xét, đánh giá chính xác, khách quan về thực trạng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, thống nhất trong xác định nội dung, biện pháp cụ thể để đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.
Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với đặc điểm, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mục đích của công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số là xây dựng lực lượng cán bộ tại chỗ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhưng nếu đào tạo ra mà chỉ nhằm chuẩn hoá bằng cấp, thậm chí không sử dụng thì coi như chưa đạt được mục đích, chưa kể đó là sự lãng phí lớn tiền của, nhân lực của địa phương.
Do đó phải tăng cường chỉ đạo, quản lý và xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cán bộ nói chung, cán bộ dân tộc thiểu ở vùng đặc biệt khó khăn nói riêng; đồng thời quan tâm xây dựng quy hoạch cụ thể cho từng dân tộc, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và hướng tới bình đẳng giữa các dân tộc.
Xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể trong cử tuyển đảm bảo các dân tộc đều có trí thức, cán bộ của dân tộc mình; có kế hoạch chủ động tiếp nhận và sử dụng sau khi họ tốt nghiệp ra trường hợp lý.
Có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu cử tuyển và cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời tạo cơ hội để con em các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục tham gia học tập tại các cấp học, ngành học.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.
Ngoài các trường đào tạo ở Trung ương, hàng năm tỷ lệ đào tạo cán bộ dân thiểu số tại tỉnh có số lượng tương đối lớn. Để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ dân thiểu số đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương thức phù hợp và thiết thực với đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, đổi mới nội dung sao cho đảm bảo một tỷ lệ thích hợp giữa tri thức nền tảng lý luận với tri thức chuyên môn và thực hành. Thực tế cho thấy cán bộ địa phương hàng ngày, hàng giờ luôn phải đối mặt với thực tiễn vừa sinh động, vừa phức tạp nên ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản chung, cần trang bị và tăng cường luyện tập thực hành kỹ năng tác nghiệp để có thể chủ động, tự tin giải quyết tốt các vấn đề do thực tiễn đặt ra như: Biết tiếp dân và thuyết phục được dân; biết xử lý các tình huống tranh chấp dân sự; hiểu biết các phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc anh em trên địa bàn mình phụ trách; đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa cần tăng cường bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ công tác cho các đại biểu Hội đồng nhân dân; giúp cho cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những tồn đọng khiếu kiện của dân; giúp đồng bào các dân tộc sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đó là những nội dung thiết thực mà cán bộ dân thiểu số rất cần được trang bị.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn phụ thuộc không nhỏ vào ý thức, trách nhiệm của người học. Học viên người dân tộc thiểu số cần khắc phục tâm lý học chạy đua theo bằng cấp, học để "giữ ghế" để đảm bảo tiêu chuẩn được cơ cấu, đề bạt chứ không phải học để cống hiến. Khắc phục tư tưởng bảo thủ, trọng kinh nghiệm thực tiễn, coi nhẹ lý luận, coi nhẹ đào tạo trường lớp.
Bốn là, xây dựng và ban hành chính sách, chế độ thoả đáng để khuyến khích cán bộ dân tộc thiểu số học tập.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số cần xây dựng và ban hành chính sách, chế độ mang tính đặc thù như: chính sách trợ cấp riêng đối với cán bộ dân tộc thiểu số trong quá trình đào tạo, chính sách ưu tiên đặc biệt về tuyển dụng với những dân tộc có ít cán bộ hoặc chưa có cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Xây dựng và ban hành chính sách chế độ đối với nữ cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian đào tạo có con nhỏ, ngoài hưởng sinh hoạt phí, phải được bố trí nơi ở thuận lợi và hỗ trợ tiền gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo công lập. Xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ cho cán bộ dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác như: khen thưởng, tăng lương, bổ nhiệm... Những cán bộ dân tộc thiểu số nòng cốt, có uy tín cao, có trình độ học vấn cao, có cống hiến lớn cần được ghi nhận bằng các hình thức phù hợp.
Chính sách, chế độ đúng, hợp lý vừa thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng, vừa khích lệ cán bộ công chức người dân tộc toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp chung.
ThS. Đoàn Thanh Thủy- Học viện Chính trị- Bộ quốc phòng
[TT: PLN]