Chính sách hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam
04:34 01/07/2013 Lượt xem: 737 In bài viếtTrong sự phát triển của xã hội hiện đại, mỗi quốc gia nói riêng cũng như toàn cầu nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cần giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị; ngoại giao; kinh tế với xã hội; kinh tế với môi trường... “Phát triển bền vững” ra đời đem đến cách tiếp cận đa chiều trong nội hàm phát triển và được xem như một “trường phái” mới. Nó đã tạo ra những thay đổi trong quan niệm về giá trị và định ra thước đo giá trị mới, đánh dấu sự tiến bộ trong nhận thức của nhân loại. Trên thực tế, lý thuyết về phát triển bền vững đã giúp cho việc định hướng chính sách trong những nỗ lực chung của toàn cầu cũng như chính sách riêng của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hay từng lĩnh vực trong vấn đề phát triển. Có thể nói “Phát triển bền vững” phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được gìn giữ, bảo vệ.
Miền núi phía Bắc bao gồm 15 tỉnh, có diện tích 100.964km2, chiếm 30% diện tích tự nhiên cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng của quốc gia với 1.400 km đường biên giới với Trung Quốc ở phía Bắc và gần 700km đường biên giới với nước bạn Lào ở phía Tây.
Khu vực này là cái nôi lớn của các dân tộc thiểu số với 30 nhóm dân tộc khác nhau thuộc 6 nhóm ngữ hệ. Số lượng dân tộc thiểu số chiếm 60% dân số toàn vùng (trong số 11,5 triệu người) và chiếm 65% số dân tộc thiểu số trên cả nước. Nhiều tỉnh, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 80 % dân số như: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn. Có những dân tộc có số dân trên 1 triệu người như: Tày, Thái, Mường; bên cạnh đó có những dân tộc rất ít người như Si La, La Hủ, Mảng, Lự (cư trú ở tỉnh Lai Châu) và Pu Péo (ở tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, đây cũng là vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất do điều kiên tự nhiên không thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, trình độ học vấn của người dân thấp, tỷ lệ nghèo đói cao nhất cả nước, môi trường sinh thái đang bị tác động mạnh mẽ. Đó là những trở ngại trên bước đường hoà nhập phát triển đi lên của khu vực.
Những thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội và môi trường
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc cả nước nói chung, miền núi phía Bắc nói riêng. Nhờ đó, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của người dân. Cụ thể:
Về kinh tế: Cơ sở hạ tầng trong vùng đã được cải thiện với nhiều công trình thiết yếu được xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống cho đồng bào và thúc đẩy giao lưu hàng hoá, phát triển dịch vụ. Đến nay đã có 96% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, hơn 90% số xã có điện lưới quốc gia, 80% xã có công trình thuỷ lợi nhỏ, 65% xã có công trình cấp nước sinh hoạt.
Nông, lâm nghiệp có bước phát triển đáng kể. Sản xuất lương thực đã từng bước khắc phục nạn đốt nương làm rẫy, chuyển dần sang thâm canh, nâng cao năng suất và sản lượng. Từ chỗ nhiều nơi phải cứu trợ lương thực hàng năm, đến nay nhiều vùng đã cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực.
Chăn nuôi đã có bước phát triển khá, nhất là chăn nuôi đại gia súc vốn phù hợp với tập quán và điều kiện sản xuất của đồng bào dân tộc. Số lượng đàn trâu bò tăng và trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của đồng bào.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả nhất định. Diện tích khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng đều tăng hàng năm đã nâng độ che phủ của rừng lên 43% (năm 2011). Công tác khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật được chú trọng nhằm hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới thúc đẩy phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai, dịch bệnh bảo đảm cho sản xuất của đồng bào dân tộc. Công tác định canh định cư, ổn định sắp xếp dân cư, giải quyết vấn đề di dịch cư đã đạt được những kết quả nhất định. Từng bước giải quyết tốt hơn việc đền bù, di dân, tái định cư ở các công trình thuỷ điện như Sơn La, Tuyên Quang với hàng trăm ngàn khẩu.
Về văn hoá - xã hội: Sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc có bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao trình độ dân trí. Nhiều chính sách giáo dục được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là việc tăng cường cơ sở vật chất trường học thực hiện qua Chương trình 135, Quyết định 159/2002/QĐ-TTg về kiên cố hoá trường lớp, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã ưu tiên đầu tư trước hết đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được bảo đảm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học, thu hút con em đồng bào các dân tộc đến trường.
Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ngày được nâng lên, nhất là việc tiếp cận thông tin. Lĩnh vực văn hoá ở vùng dân tộc phía Bắc đã được quan tâm và đầu tư đáng kể.
Trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng trong vùng được bảo đảm, không nảy sinh diễn biến phức tạp; quan hệ giữa các dân tộc được củng cố, an ninh quốc phòng biên giới được duy trì. Những hoạt động âm mưu chống phá, kích động, lôi kéo chống phá chính quyền của các thế lực thù địch đã được ngăn chặn kịp thời.
Trường học được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư cho cơ sở(Ảnh Hải Minh)
Những khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, với những đặc điểm vốn có về điều kiện tự nhiên, môi trường và xã hội, nơi đây vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại thách thức trong phát triển. Những biến đổi kinh tế, xã hội, môi trường sống ở khu vực cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số phía Bắc đang diễn ra mạnh mẽ.
Về kinh tế: Sản xuất nông - lâm nghiệp là ngành quan trọng, giữ vai trò chủ yếu, song ở vùng các dân tộc thiểu số rất ít người phương thức sản xuất còn lạc hậu, mang tính tự cấp tự túc, sản xuất hàng hoá chưa phát triển. Nhiều hộ thiếu đất sản xuất và ngày càng có xu hướng tăng lên do sức ép về gia tăng dân số cùng sự biến động dân cư.
Nghèo đói vẫn là vấn đề nan giải đối với khu vực này. Số huyện, xã trong diện đặc biệt khó khăn có tỷ lệ nghèo cao trên 50% còn lớn. Cá biệt có những xã, bản, nhóm dân tộc rất ít người tỷ lệ đói nghèo lên tới 90-95%.
Là vùng sản xuất điện năng chính cho cả nước, nhất là về thủy điện nhưng miền núi phía Bắc còn tới 5 tỉnh có tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng điện lưới quốc gia chỉ trên dưới 70%, điển hình như Lai Châu chỉ có 49,12%.
Sự phát triển không đồng đều làm cho đời sống kinh tế-xã hội giữa các dân tộc chênh lệch nhau cũng gây nên sự mặc cảm, tự ti, làm giảm động lực phát triển ở các cộng đồng dân tộc. Trong số 86 bản người dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang thì 72% thôn, bản chưa có công trình thủy lợi, 68% chưa có công trình nước tập trung, 93 % chưa có điện lưới; 45% nhà tạm bợ, 88% hộ thiếu nước sinh hoạt hoặc dùng nước khe suối, 90% số hộ chưa có điện, 45% số hộ thiếu đất sản xuất .
Về môi trường: Những tác động của cộng đồng
cư dân tại chỗ lên môi trường dưới sức ép về mưu sinh đều xuất phát từ nghèo đói.
Tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý vẫn tiếp diễn ở nhiều
nơi, kể cả các khu vực rừng phòng hộ, vườn quốc gia, các khu bảo tồn, khu dự trữ
sinh quyển. Do khai thác quá mức nên gây ra cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên,
nhất là rừng và tài nguyên rừng.
Về văn hóa - xã hội: Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc
còn bất cập, tỷ lệ mù chữ cao, tỷ lệ trẻ em đến lớp mới đạt 95%, nhiều trẻ em bỏ
học, lưu ban. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao.
Nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết tốt và nảy sinh những yếu tố mới. Một số phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nghiện hút, tình trạng phạm tội vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi. Tình hình tôn giáo diễn biến phức tạp.
Về chính sách quản lý sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường: Hiện chưa có phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống để giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội. Chính sách của một số địa phương hiện nay trên thực tế mới chỉ chú ý đến việc phát triển kinh tế, chưa chú trọng đến yếu tố môi trường và những giá trị cũng như tác động, ảnh hưởng của môi trường đem lại. Vai trò của các bên tham gia quá trình quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa rõ ràng và thiếu sự phối hợp trong điều hành, quản lý, chỉ đạo. Sự tham gia của các cấp cơ sở và người dân trong việc lập kế hoạch, thực thi và quản lý các chương trình kinh tế-xã hội, các hoạt động môi trường tại địa phương còn rất hạn chế.
Yêu cầu và giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện chính sách, tổ chức thực hiện chính sách theo hướng phát triển bền vững.
Nội dung phát triển bền vững đối với sự phát triển và đời sống vùng miền núi và dân tộc thiểu số phía Bắc nói riêng và vùng dân tộc nói chung cần được nhìn nhận, xem xét đầy đủ ở tất cả các khía cạnh và giải quyết thỏa đáng, hướng tới mục tiêu chung. Đó là: Sự bền vững về môi trường sống, môi trường sinh thái thông qua các biện pháp khai thác, bảo vệ, duy trì tài nguyên rừng, nước, đất, đa dạng sinh học...; Sự bền vững về phát triển kinh tế, trong đó giải quyết được cơ bản tình trạng lạc hậu, chậm phát triển của khu vực. Bảo đảm những điều kiện sống cơ bản về lương thực, nhà ở, nước sinh hoạt, học hành và chăm sóc sức khỏe; ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Hạn chế phân tầng xã hội, bất bình đẳng trong phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển với khu vực đồng bằng và đô thị; Sự bền vững về phát triển xã hội và văn hóa, tập trung vào mục tiêu phát triển con người, trau dồi những kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập tục và thói quen cá nhân, nâng cao khả năng thích ứng của người dân trước những tác động mới xuất phát từ yêu cầu của phát triển. Xây dựng xã hội cộng đồng ổn định, thống nhất, dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài, văn hóa hiện đại, phổ biến, ngăn chặn được các tư tưởng ngoại lai, phản động. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển bền vững phải được gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đoàn kết các dân tộc và thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách vùng dân tộc theo quan điểm và mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó cần nghiên cứu nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn lực đất đai, quản lý tài nguyên cho đồng bào vùng dân tộc thông qua sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý đất đai.
Sửa đổi các định mức chính sách hỗ trợ người dân và cộng đồng trong bảo vệ rừng, phân bổ các lợi ích môi trường từ rừng, nguồn nước. Điều chỉnh lại qui hoạch các công trình thủy điện ở miền núi trên quan điểm đánh giá tác động môi trường quốc gia, các qui hoạch kế hoạch di dân tái định cư, bố trí lại dân cư không làm ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế hoặc tác động tiêu cực đến các cộng đồng dân tộc.
Tăng ngân sách đầu tư cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất ở vùng dân tộc đảm bảo hiệu quả.
Vùng dân tộc và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia. Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay đặt ra những vấn đề mới và cần phải có những nhận thức mới phù hợp để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn cách mạng.
Giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng dân tộc, nhất là giảm nghèo đói, nâng cao dân trí và bảo tồn các giá trị văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở khu vực này cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả quốc gia, dân tộc. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp, mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thống nhất tư tưởng và hành động để phấn đấu cho sự nghiệp lâu dài và cao cả, không chỉ cho mai sau mà cho cả hiện tại với mục tiêu “Phát triển bền vững miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
ThS. Nguyễn Lâm Thành
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
[TT: PLN]