Thực trạng và giải pháp quản lý đất đai ở vùng dân tộc và miền núi. Kỳ cuối: Một số giải pháp giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
10:45 02/07/2013 Lượt xem: 1969 In bài viếtQuá trình quản lý nhà nước của Uỷ ban Dân tộc về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã chỉ ra rằng việc thiếu đất ở, đất sản xuất là nguyên nhân chính hạn chế khả năng giảm nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hơn nữa, đất đai là tài sản gắn liền với sản xuất, đời sống của nhân dân, là điều kiện tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước. Vì vậy, khi những bất cập trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đang trở nên rất "nóng" và được chỉ ra cụ thể thì cũng là lúc cần bàn đến các giải pháp khắc phục.
Ở tầm vĩ mô, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã ra Nghị quyết số 19-NQ/TW về đất đai, trong đó xác định: "Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất sản xuất".
Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến toàn dân. Những quy định mang tính nguyên tắc về đất đai trong Hiến pháp sửa đổi - đạo luật gốc của các luật và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong thời gian qua, để luật sớm đi vào thực tế cuộc sống và đạt hiệu quả tốt nhất. Muốn vậy, pháp luật, chính sách đất đai cần tuân thủ các quan điểm: Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Tôn trọng các giá trị truyền thống và đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số; Tạo cơ hội cho các nhóm dân tộc thiểu số thích nghi và hưởng lợi từ cơ chế thị trường, giảm bất ổn xã hội.
Ở đây, có một lưu ý chính sách pháp luật đất đai hiện hành được nhiều chuyên gia cho rằng chưa xem xét đầy đủ trình độ phát triển, đặc điểm sinh kế, cư trú, quản lý và lịch sử các loại đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ: hai nhóm dân tộc Khmer-Chăm và Tày-Thái-Mường-Nùng là những nhóm có trình độ phát triển và mức sống cao hơn các nhóm dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và các nhóm dân tộc thiểu số nhỏ dưới 500.000 người sống rải rác khắp cả nước. Mặt khác, mỗi nhóm dân tộc thiểu số có một địa bàn cư trú và sinh sống nhất định nên cũng gặp phải những khó khăn khác nhau trong sinh kế cũng như trong quản lý, sử dụng đất, các rủi ro phải đối mặt… Như vậy, rõ ràng không thể xếp tất cả các nhóm dân tộc thiểu số trong một tổng thể đồng nhất. Song thực tế hiện nay, các chính sách được thiết kế đều xếp các dân tộc thiểu số vào cùng một nhóm chủ thể trong hầu hết các văn bản pháp quy. Do đó, khi tiếng nói của người dân tộc thiểu số đến với các nhà hoạch định chính sách thông qua góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần giải quyết những bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển kinh tế-xã hội vì mục tiêu quốc gia là cần thiết nhưng không thể vì thế mà quên quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng miền núi, dân tộc là địa bàn chiến lược, là căn cứ địa của cách mạng trong những năm tháng chiến đấu đánh đổ chế độ cũ. Đồng bào các dân tộc đã một lòng một dạ đi theo lý tưởng của Đảng đấu tranh để dân cày có ruộng. Nay không thể để đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế, đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Niềm vui được mùa
Bởi vậy, khi xem xét, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai năm 2003, Quốc hội cần quan tâm sửa đổi, bổ sung những nội dung mang tính nguyên tắc về đất đai. Cụ thể, với Điều 58, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần được bổ sung thêm một khoản vào sau khoản 2 của Điều này quy định "Nhà nước ưu tiên đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật". Quy định như vậy nhằm đảm bảo cho các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn-những địa bàn khó khăn về đất ở, đất sản xuất có chỗ ở ổn định, có đất sản xuất, tránh việc di cư tự do, du canh, du cư, đồng thời tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên. Cụ thể hoá nguyên tắc này trong Hiến pháp (nếu được thông qua), Điều 10 Luật Đất đai sửa đổi nên bổ sung quy định "Nhà nước có chính sách đảm bảo đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có hoặc thiếu đất sản xuất" nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số trong lĩnh vực đất đai.
Một điều kiện đảm bảo để chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt mục tiêu đề ra là cần phải có quỹ đất. Do đó, yêu cầu bắt buộc trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành là phải tính tới quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm nghèo để đồng bào ổn định đời sống và sản xuất. Giải pháp căn cơ và lâu dài nhất là Chính phủ và các Bộ, ngành sớm thực hiện rà soát quy hoạch, quy hoạch lại đất đai cho vùng dân tộc trên cơ sở tôn trọng cách thức sử dụng đất của các thôn, bản, phum, sóc truyền thống ở các vùng miền khác nhau nhằm đảm bảo người dân có đủ đất sản xuất, đất ở. Vai trò của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ ban Dân tộc cần được tăng cường trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm khắc phục tình trạng mua bán trái phép đất ở, đất sản xuất, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới”. Các diện tích đất được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của Nhà nước không được mua, bán, chuyển đổi mục đích sử dụng, tặng, cho trong thời hạn 10 năm. Đối với Điều 60 Luật Đất đai năm 2003 quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cần thiết phải bổ sung thêm các nội dung: Nhà nước có chính sách thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Bổ sung thêm quy định cụ thể các điều kiện thu hồi đất, các chính sách ưu tiên khi thu hồi, đền bù, tái định cư về đất ở, đất sản xuất, đất cộng đồng với đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, xây dựng các công trình. Áp dụng thuế suất cao với hoạt động thuỷ điện và khai khoáng tại vùng dân tộc thiểu số và sử dụng nguồn thuế này để tăng đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề nhằm tạo thêm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ thực trạng sử dụng đất và những đặc điểm về cư trú, bản sắc văn hoá, không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ cần khuyến khích giao đất nông, lâm nghiệp, đất sinh hoạt chung của cộng đồng, đất tôn giáo, văn hoá cho cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý và sử dụng.
Đi liền với sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, cần sửa đổi một số luật như: Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật cư trú. Theo đó, đối với Luật khuyến khích đầu tư trong nước, cần bổ sung thêm các quy định ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc đền bù tài sản, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, bảo đảm thu nhập cho đồng bào, có cơ chế cho đồng bào được góp cổ phần trong các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Mở đường về bản(Ảnh Trí Dũng)
Tự do cư trú là quyền của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Mong muốn được sống và canh tác trên những vùng đất tốt cũng là nguyện vọng rất chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Song không thể vì thế mà người dân được quyền du canh, du cư, di cư tự do. Để khắc phục tình trạng này, Luật cư trú cần bổ sung những điều kiện khi cho đăng ký thường trú, tạm trú ở vùng dân tộc thiểu số.
Đối với các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và các Bộ, ngành, cần xác định rõ các tiêu chuẩn hộ được nhận hỗ trợ, cách thức xác định đối tượng được nhận hỗ trợ và các tổ chức có trách nhiệm xác định đối tượng được nhận hỗ trợ. Việc ban hành chính sách cần tạo động lực cho người được hỗ trợ giữ đất, phát triển sản xuất và ổn định đời sống. Trong điều kiện đất đai có hạn, các chính sách phải có sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Mùa nho ở Ninh Thuận(Ảnh Thuận Ninh)
Trong ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa bàn còn quỹ đất từ hai nguồn chính là đất nông lâm trường quốc doanh và đất rừng chưa giao. Các nông lâm trường quốc doanh hiện quản lý nhiều đất và chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến cuối tháng 12/2011, các nông lâm trường nắm giữ tới trên 3,8 triệu ha đất và rừng, trị giá hàng chục tỷ đô la. Tuy nhiên tổng doanh thu của các lâm trường quốc doanh vào thời điểm cuối năm 2010 chỉ đạt 2,3 tỷ đô la. Trung bình 1ha đất rừng của các nông lâm trường quốc doanh chỉ đem lại 11 triệu đồng nhưng cũng trên diện tích đó, người dân đã đạt thu nhập 30 triệu đồng. Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, có giải pháp khả thi để thực hiện thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích để giao cho các hộ dân tộc thiểu số đang thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Định mức hỗ trợ cũng cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
Đối với những vùng không còn quỹ đất như ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Trong dài hạn, Chính phủ nên chuyển sang chính sách hỗ trợ sinh kế không phụ thuộc vào đất đai thông qua đào tạo nghề, phát triển những nghề phi nông nghiệp.
Với các địa phương, cần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Luật Đất đai và các chính sách pháp luật liên quan; chủ động nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn phù hợp với đặc thù địa bàn; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai; có biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng cầm cố, mua bán, sang nhượng đất đai trong vùng dân tộc thiểu số; xử lý kịp thời các trường hợp du canh du cư trái phép.
ThS. Nguyễn Quang Hải
Hoàng Phương Liên
[TT: PLN]