Cần có định hướng và phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng chính sách cho vùng dân tộc, miền núi

04:37 01/07/2013 Lượt xem: 422 In bài viết

Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư được thực hiện thông qua các chính sách, chương trình, dự án đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản được nâng lên; năng lực sản xuất của đồng bào có chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số nhiều chính sách đang cùng lúc triển khai thực hiện đã làm cho nguồn lực đầu tư của Nhà nước bị dàn trải. Việc có nhiều cơ quan quản lý chính sách và mỗi chính sách lại có nguồn vốn, cơ chế vận hành khác nhau đã tạo nên sự chồng chéo trong quản lý, điều hành, hiệu quả đầu tư chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một số chính sách hiện nay đã bất cập, không phù hợp gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện.

Có một thực tế là tại không ít địa phương đang cùng một lúc nhận được nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, song phần lớn lãnh đạo không thừa nhận có sự chồng chéo trong chính sách (do e ngại bị cắt chính sách). Mặt khác, năng lực, trình độ của phần lớn đội ngũ cán bộ xã, thôn bản chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành các chương trình, dự án. Vì thế, thời gian tới, cần rà soát các chính sách đưa về một đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư các chính sách, chương trình, dự án.

Đồng chí Trương Văn Lịch - Phó Bí thư Huyện ủy Bá Thước (Thanh Hóa) kiến nghị: Khi xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn nên quy định định mức theo thôn bản để đảm bảo công bằng. Thực tế là hiện nay, Nhà nước đang phân bổ vốn theo xã. Xã có nhiều hay ít thôn cũng chỉ bố trí 1 tỉ đồng/năm sẽ dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương.

Chính sách của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã tạo tiền đề cho sự phát triển của vùng dân tộc, miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nên có ý kiến từng đặt vấn đề: “Hỗ trợ cho người dân phát triển hay hỗ trợ để họ phụ thuộc vào Nhà nước”. Thực tế không thiếu chuyện người dân trước đây hoàn toàn chủ động được giống lúa, nhưng khi được hỗ trợ các giống lúa lai thì không tự chuẩn bị giống nữa. Ngoài ra, còn có hiện tượng “muốn được vào diện hộ nghèo” để được hưởng trợ cấp từ Nhà nước. Ở Lai Châu, có hiện tượng người dân tự mua được ti vi, điện thoại phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, nhưng khi bình xét thì họ đem giấu đi để được đưa vào danh sách hộ nghèo hưởng quyền lợi từ chính sách, gây ảnh hưởng đến các hộ nghèo thực sự…

Nhà nước khi ban hành chính sách luôn mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc thiểu số có thể phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước, song chính đội ngũ cán bộ mới là nhân tố quyết định đến hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách. Vì vậy cần xây dựng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số từ cấp xã để tăng cường khả năng giám sát và phản hồi chính sách. Mặt khác chính đội ngũ này mới có điều kiện tiếp cận và gần gũi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, thấy được những khó khăn, tìm ra phương hướng để chính sách đạt hiệu quả cao trong thực tiễn và cuộc sống.

Chị Phạm Thị Lâm dân tộc Mã Liềng ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho rằng: Nhà nước muốn đưa chính sách đến được với người dân hiệu quả thì phải gần dân, hiểu dân. Trước đây người dân bản Cáo chúng tôi sống chủ yếu bằng “tự cung, tự cấp”. Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng chính sách dành cho dân tộc rất ít người, chúng tôi được làm nhà, cấp đất vườn, chuyển ra ở gần trung tâm xã. Tuy nhiên thiên tai thường xuyên xảy ra đã làm xói mòn dẫn đến thiếu đất canh tác. Khắc phục tình trạng này, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, người dân trong bản đã được cấp đất rừng. Lãnh đạo xã đã họp bàn hướng dẫn để bà con thấy được lợi ích từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bà con ở bản Cáo mong muốn Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương vì đây là lực lượng nòng cốt, hiểu ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán, những khó khăn vất vả người của dân tộc thiểu số sở tại, từ đó tổ chức thực hiện chính sách sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.


Đưa điện về bản(Ảnh Kim Nhung)

Cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng chính sách phải luôn gần dân, hiểu dân, tìm cách tiếp cận theo nhiều chiều để tìm ra phương pháp thực hiện chính sách hiệu quả. Vừa qua ở Cao Bằng, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện, Uỷ ban nhân dân các xã đã tham vấn ý kiến một số người dân cho thấy: Khi Nhà nước hỗ trợ tiền thì hầu như nam giới đi lĩnh; lĩnh xong, họ ra trung tâm huyện, xã tiêu xài hết tiền. Họ coi đó là nguồn kinh phí Nhà nước cho mà không biết rằng mục đích Nhà nước cấp tiền là để mua phân bón phục vụ cho phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy cần phải thay đổi phương pháp hỗ trợ.

Ông Cầm Văn Thanh Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc) cho biết: Những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo cách tiếp cận mở trong quá trình xây dựng, đối thoại, tham vấn chính sách nhằm xây dựng chính sách có mục tiêu, cơ chế đầu tư toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và các vùng miền, địa phương, đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, lồng ghép các chính sách trên một địa bàn để đạt hiệu quả cao hơn.

Đinh Nhung

[TT: PLN]