Vai trò các thiết chế tự quản trong việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống các dân tộc thiểu số địa bàn tỉnh Đắk Nông

02:57 02/08/2013 Lượt xem: 934 In bài viết

Trước hết là sự gia tăng dân số cơ học, sự xen ghép, pha trộn về văn hóa, lối sống giữa các dân tộc khác nhau từ các tỉnh, các vùng của cả nước đã gây nên những khó khăn, thách thức đối với lối sống và văn hóa bản địa M’Nông, Ê Đê, Mạ vốn tự do, tự tại gắn bó với núi rừng bao la. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã thu hẹp địa bàn cư trú của người dân bản địa, đồng nghĩa với không gian sinh tồn, không gian văn hóa truyền thống ngàn đời bị thu hẹp. Sản phẩm văn hóa hiện đại len lỏi vào từng nhà, từng bon, buôn.. ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa tộc người nói chung, sinh hoạt văn hóa thường nhật của người M’Nông, Ê Đê, Mạ nói riêng đang có nguy cơ biến dạng do tác động của văn hóa bên ngoài. Một số sinh hoạt VHTT của đồng bào có nguy cơ bị mai một, lai căng và mất dần trong cuộc sống hiện đại.

Việc trao truyền giá trị VHTT thường tách rời khỏi cộng đồng và xa cách với văn hóa bản địa, dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ ngày càng xa rời với truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Việc lưu giữ, trao quyền và thực hành văn hóa dân tộc M’Nông, Ê Đê, Mạ chưa trở thành nhu cầu nội tại, tự thân của người dân, mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính phong trào trong các lễ hội và lệ thuộc vào nguồn ngân sách. Các hoạt động bảo tồn, phát huy VHTT còn hình thức, chưa thực sự khơi dậy niềm tự hào của lớp trẻ, kế thừa truyền thống của dân tộc mình. Sự phát triển của các tôn giáo, chủ yếu là đạo Tin Lành và Thiên Chúa giáo đã tác động lớn đến đời sống và VHTT của người M’ Nông, Ê Đê, Mạ, dẫn đến sự thay đổi tín ngưỡng của một bộ phận đồng bào dân tộc. Sự hội nhập, thay đổi hệ tín ngưỡng ấy là khó tránh khỏi, nhưng có thể, lại là nguyên nhân dẫn tới sự mất dần những giá trị của VHTT.

Chính vì vậy, việc phát huy vai trò tự quản, đặc biệt là những nghệ nhân, già làng, đồng bào DTTS bản địa cần tập trung vào những nội dung sau:

Phát huy vai trò của các thiết chế tự quản sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư nhằm bảo tồn, giữ gìn, tôn vinh GTTT của các DTTS bản địa.

Tiếp tục thực hiện các dự án, đề án về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc bản địa, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình văn hóa M’Nông, “Bon văn hóa”. Giữ gìn và bảo tồn di sản phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: cái gì cũ mà xấu thì phải xóa, cái gì cũ tuy không xấu nhưng phiền phức phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái cũ mà tốt thì phải phát triển lên, cái mới, cái hay thì nên làm.

Đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các GTTT các DTTS làm nền tảng cho quá trình phát triển ở Đắk Nông cần có sự đầu tư thích đáng cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn một cách toàn diện, kịp thời, nhằm thống kê, phục dựng, phân tích, đánh giá một cách toàn diện bức tranh tổng thể về VHTT các DTTS bản địa. Chỉ có như thế, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mới được bảo tồn, giữ gìn và phát huy một cách hiệu quả.

Việc dịch thuật những kho tàng văn hóa dân gian của các DTTS sang tiếng phổ thông và ngược lại góp phần tuyên truyền những giá trị văn hóa của các dân tộc nói chung. DTTS nói riêng. Đưa những thành tựu của công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn các GTTT vào việc hoạch định đường lối, chính sách phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS. Gắn công tác nghiên cứu khoa học với xây dựng các đề án, mô hình; kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại, giữa phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường với giữ gìn các GTTT các DTTS bản địa. Gắn công tác nghiên cứu khoa học với việc tôn vinh các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS. Việc UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là dẫn chứng về kết quả của công tác nghiên cứu, sưu tầm về giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên ở cấp quốc gia và quốc tế.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền GTTT của các DTTS bản địa trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người. Khuyến khích các đề tài khoa học nghiên cứu, tìm hiểu các lĩnh vực liên quan đến các DTTS nói chung, dân tộc Ê Đê, M’Nông, Mạ nói riêng. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng thiết thực đi vào chiều sâu, trong đó chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các DTTS. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động “Ngày văn hóa các dân tộc thiểu số”, để các dân tộc có cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, tự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc mình và tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc khác.

Về lâu dài, tỉnh cần tập trung chính sách và nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS bản địa sinh sống; nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có các thiết chế về y tế, giáo dục, văn hóa, tạo nền tảng để ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở những vùng này. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy vai trò tự chủ của người dân bản địa và thiết chế tự quản của cộng đồng, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Người DTTS bản địa vốn quen chia sẻ với những người đồng tộc, họ quan tâm đến những lợi ích thiết thực của bản thân gắn với cộng đồng, được luật tục và các thiết chế truyền thống bảo vệ. Sự thâm nhập của các yếu tố văn hóa các dân tộc khác làm cho đồng bào DTTS bản địa thiếu tự chủ, thậm chí trở nên lạc lõng trong quá trình giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc mình. Điều này dễ dẫn đến xung đột văn hóa, xung đột lợi ích, là nguy cơ bất ổn xã hội. Khắc phục thực tế này cần phát huy lòng tự hào, tính tự chủ, tự giác của người DTTS bản địa và thiết chế truyền thống của cộng đồng, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Cần phát huy nguồn lực từ vai trò tích cực của đồng bào DTTS M’Nông, Ê Đê, Mạ. Việc tham gia của chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải được động viên và phát huy đúng mức.

Qua thực tế cho thấy, tính chủ động, tự giác, cũng như vai trò tự quản của người dân trong nhiều hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến độ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn bản sắc VHDT còn mờ nhạt. Tuyên truyền, vận động để người dân tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, gắn với các hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên, tham gia sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh nhằm định hướng lối sống, nếp sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, cần huy động nguồn lực tại chỗ bao gồm: huy động sức dân, sự tham gia đóng góp về vật chất, tinh thần của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng. Thông qua các phương thức vận động, tuyên truyền thiết thực, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, như; Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh…

Phải tôn trọng quyền quyết định và tạo mọi điều kiện để đồng bào tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, tổ chức hiện và giám sát hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kiên quyết chống lại tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; đổi mới mạnh mẽ cách thức đầu tư của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS, tránh dàn trải, manh mún, thiếu tập trung như một số chương trình, dự án hiện nay.

Quan tâm, chăm lo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức người DTTS cả về số lượng và chất lượng. Đây là lớp người tiên phong, có bản lĩnh và khả năng chọn lọc, giới thiệu văn hóa của dân tộc mình; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc khác để làm giàu văn hóa dân tộc. Tỉnh cần tiếp tục đào tạo đội ngũ tri thức cho dân tộc Ê Đê, M’Nông, Mạ; có chính sách ưu tiên phù hợp để động viên cán bộ có năng lực và tâm huyết, cộng tác viên là nghệ nhân tham gia sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và trao truyền các giá trị VHTT, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi trao truyền cho lực lượng kế cận những giá trị VHTT của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, nghệ sỹ, nhạc sỹ… nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đi vào chiều sâu, mở rộng ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng, các chủ thể, đến cộng đồng và toàn xã hội.

Có chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức về địa phương, về dân tộc bản địa cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trên địa bàn; có chương trình đào tạo mang tính chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giáo dục, văn hóa, y tế và công tác xã hội ở vùng đồng bào DTTS bản địa, có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ này.
Cùng với các giải pháp phát huy vai trò tự chủ của người dân và vai trò của các thiết chế truyền thống; thiết nghĩ trong tình hình hiện nay, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tính dân chủ và sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Tỉnh cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phát huy truyền thống đoàn kết, sự tôn trọng văn hóa giữa người DTTS bản địa với người dân từ nơi khác đến, tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương chính sách, tạo sự đồng thuận và tự giác tham gia. Bằng các phương thức và loại hình sinh hoạt văn hóa để khơi dậy và phát huy tình đoàn kết, ý thức phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS.

ThS. Bùi Thị Hòa

[TT: PLN]