Giảm nghèo và cách tiếp cận từ việc làm

10:24 02/08/2013 Lượt xem: 413 In bài viết

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới “Mức độ giảm nghèo mạnh của Việt Nam được thể hiện một cách rõ ràng kể cả khi sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, để theo dõi sự tiến bộ - cho dù là đánh giá theo chuẩn nghèo quốc gia hay sử dụng các chuẩn nghèo so sánh của quốc tế, sử dụng phương pháp điều tra hộ gia đình hay các phương pháp dựa vào cộng đồng từ dưới lên. Số lượng người nghèo sống ở Việt Nam đã giảm mạnh, kèm theo mức giảm tỉ lệ nghèo tính theo đầu người là mức giảm đáng chú ý về độ sâu và mức độ trầm trọng của nghèo đói. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được không đồng đều ở các vùng và giữa các nhóm dân tộc. Năm 2012, tỷ lệ nghèo của Việt Nam còn 9,6%, giảm 2,16% so với năm 2011 - đây là một nỗ lực lớn trong điều kiện một năm kinh tế đất nước gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tình hình giảm nghèo có xu hướng chậm lại và khó khăn hơn. Công cuộc giảm nghèo còn nhiều thách thức, trong đó một thách thức lớn là giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Hiện nay, người nghèo chủ yếu tập trung trong nhóm người dân tộc, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới nên đặc biệt quan tâm đến việc giảm nghèo bền vững, khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; quy định thời hạn hỗ trợ đối với hộ nghèo, trong thời gian đó nếu thiếu ý chí vươn lên, trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo sẽ tạm dừng việc hỗ trợ, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách. Một trong những giải pháp quan trọng là tạo việc làm cho người nghèo. Đến nay, để hỗ trợ người nghèo và tạo việc làm, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách như:

(1) Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo: Mỗi năm ngân sách Trung ương bố trí trên 4.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số; trong 2 năm qua đã có trên 4 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Nhìn chung các chính sách giáo dục-đào tạo đối với học sinh nghèo tương đối hệ thống, toàn diện, tuy nhiên do còn thiếu đồng bộ, ở một số địa phương thực hiện chưa tốt nên hiệu quả chưa cao.

(2) Chính sách Tín dụng ưu đãi: Năm 2011 và 2012 đã có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt. Tính đến 31/12/2012, có 1,9 triệu hộ gia đình được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên để cho 2,3 triệu con em đi học, với dư nợ khoảng 36.000 tỷ đồng.

(3) Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Đến cuối năm 2012, đã hỗ trợ đất ở cho 71.713 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 83.563 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 214.466 hộ; xây dựng 5.573 công trình nước tập trung ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn;

(4) Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động: Trong 2 năm đã có khoảng 150 ngàn lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm. Đến nay đã có trên 8.500 lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục định hướng và đi làm việc ở Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập xê út, Đài Loan,... trong đó lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%; 59/62 huyện nghèo đã có lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhìn chung, người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6,5-7,5 triệu đồng/tháng. Ở thị trường Libya, UAE, Ả rập xê út và Macao; từ 5-7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; từ 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Với chi phí hỗ trợ của Nhà nước khoảng 9 triệu đồng/người lao động thì người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng lao động ở nước ngoài (thời hạn 2 năm) có thể tiết kiệm được ít nhất trên 100 triệu đồng. Như vậy, với mức thu nhập khá khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động đã góp phần đáng kể tăng thu nhập của gia đình.

(5) Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Đến cuối năm 2012, đã có trên 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn.

Bên cạnh đó các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận việc làm cho người nghèo. Chỉ tính riêng 2 năm 2011-2012, các địa phương đã quan tâm đầu tư trên 1.000 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; đầu tư trên 5.000 công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; trên 12.000 hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo, ngày công lao động bình quân của hộ tăng khoảng 20%, tạo được việc làm cho 25% lao động nông thôn, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng khoảng 15%. Thông qua thực hiện mô hình, có 20-30% hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 2- 3%/năm trở lên; mỗi năm có khoảng 32 ngàn cán bộ giảm nghèo các cấp được tham gia tập huấn về chuyên môn, kỹ năng để tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo đến đối tượng thụ hưởng.

Nhìn chung, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đang dần đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; song để các chính sách này thực sự hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, chúng ta cần nhìn nhận một số hạn chế như:

Thứ nhất, việc triển khai các chính sách, chương trình giảm nghèo còn bất cập do nhiều cơ quan, tổ chức cùng tiến hành dẫn đến chồng chéo về đối tượng, nguồn lực phân tán; các chính sách chủ yếu giải quyết các vấn đề tạm thời, chưa có nhiều chính sách mang tính chiến lược dài hơi trong công tác giảm nghèo.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thiên về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hiện vật hơn quan tâm đến tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tự nâng cao năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặt khác, mức hỗ trợ về giáo dục, y tế đối với hộ nghèo còn thấp so với nhu cầu chi của hộ gia đình.

Thứ ba, Một số nơi thực hiện chưa đầy đủ công tác truyền thông, vì vậy nhiều hộ dân chưa biết thông tin về các chính sách, dự án. Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo còn yếu.

Từ những thực tế đó, thời gian tới, công tác giảm nghèo cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề tạo việc làm cho người nghèo, cụ thể:

Một là, đối với chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo: Cần khẳng định đây là vấn đề phát triển nguồn nhân lực nằm trong mục tiêu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, góp phần tích cực cho giảm nghèo bền vững. Do vậy cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho trẻ em đến trường thông qua: Đẩy mạnh việc thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ tài liệu, dụng cụ học tập, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Hai là, đối với chính sách tín dụng ưu đãi, cần thiết kế chính sách tránh tình trạng như hiện nay có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cùng tồn tại, chồng chéo về địa bàn, đối tượng, mục đích, mức lãi suất khác nhau dẫn đến khó giám sát; mức vay cho sản xuất phải được căn cứ trên cơ sở kế hoạch/dự án sản xuất, không áp dụng bình quân như đang diễn ra ở nhiều nơi. Người nghèo chưa biết xây dựng kế hoạch sản xuất thì cần được giúp đỡ, hướng dẫn làm ăn qua khuyến nông, dạy nghề trước khi cho vay vốn. Như vậy sẽ nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn. Đối với những vùng nghèo nhưng sử dụng vốn chưa hiệu quả thì cần đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cải thiện. Nghiên cứu xây dựng các dự án giảm nghèo tập trung theo vùng, việc cho vay ưu đãi không chỉ tập trung cho hộ mà có thể nghiên cứu ưu đãi cho một địa bàn nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá và giảm nghèo trên diện rộng.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh chính sách đào tạo nghề cho người nghèo và hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ), tạo cơ hội để người nghèo có thể tham gia các hình thức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp thông qua các cơ sở dạy nghề, truyền nghề truyền thống. Qua đó tạo tính chủ động trong thoát nghèo, người lao động tự tìm việc làm, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt quan tâm lồng ghép Chương trình Dạy nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 29/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đồng thời, tăng cường công tác XKLĐ tại các huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, bên cạnh đó cần mở rộng chính sách cho các hộ nghèo nói chung chứ không chỉ riêng 62 huyện nghèo nhất. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát hoạt động của đề án làm cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả; tổng kết và phổ biến rộng các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách nhằm thực hiện chương trình có hiệu quả hơn.

Bốn là, tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo, xã nghèo để người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: trường học, bệnh viện, trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa, giao thông phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh, điện, hệ thống thủy lợi và chợ nhằm góp phần trong vùng tốt hơn.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở. Một hình thức tuyên truyền tốt là các hội chợ việc làm và XKLĐ cần được phổ biến rộng ở các địa phương, tạo điều kiện nâng cao nhận thức của người dân về chính sách giảm nghèo, cơ hội việc làm và ý thức tự vươn lên trong giảm nghèo.

TS. Bùi Thị Tuấn

[TT: PLN]