Thực trạng và giải pháp về một số công tác ở vùng dân tộc Mông huyện Mường Lát

02:45 02/08/2013 Lượt xem: 927 In bài viết

Thực trạng vùng đồng bào dân tộc Mông

Huyện vùng cao, biên giới Mường Lát là 1 trong 7 huyện nghèo nhất, cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa 250 km; có 100 km đường biên giới tiếp giáp với CHDCND Lào; diện tích tự nhiên 81.461,44 ha; gồm 9 xã, thị trấn, với 90 thôn; dân tộc Mông có 2.900 hộ, 14.033 khẩu sinh sống ở 41 bản, chiếm tỷ lệ 41,4% dân số toàn huyện, (2/3 là đồng bào Mông phía Bắc di cư vào địa bàn huyện từ những năm 1989 đến năm 1997). Nhìn chung cuộc sống của đồng bào đân tộc Mông còn rất nhiều khó khăn, đời sống chủ yếu là phát nương làm rẫy, tự cung tự cấp; kinh tế, kết cấu hạ tầng thấp kém; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ văn hóa, dân trí thấp, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn nhiều yếu tố phức tạp; địa hình chia cắt, giao thông cách trở, thiếu thông tin kéo theo nhiều vấn đề về tệ nạn xã hội: sinh đẻ nhiều; nạn nghiện hút, buôn bán các chất ma túy; hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tình trạng du canh du cư đốt rừng làm rẫy…

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Ổn định sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc Mông huyện Mường Lát” với tổng vốn đầu tư là 291 tỷ 424 triệu đồng, trong đó Trung ương đầu tư 184 tỷ 200 triệu đồng, số còn lại huy động từ các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng 60 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và tập trung thực hiện các mục tiêu của dự án. Huyện ủy đã tổ chức quán triệt đội ngũ cán bộ chủ chốt; thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; cụ thể hóa nội dung về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; chủ động lồng ghép nguồn của dự án với nguồn vốn của các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, cùng đối tượng trên địa bàn như các Chương trình 134, 135, 30a, 174, 159 (nay là chương trình 20); Quyết định 167, 352 về chính sách ổn định đời sống đồng bào Mông để tăng hiệu quả của dự án; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể các xã có đông người Mông sinh sống quán triệt các nội dung dự án; chỉ đạo Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện xây dựng các trang tin bằng tiếng Mông để tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2007 đến nay, các dự án được triển khai tập trung cho việc quy hoạch ổn định dân cư; giao đất, giao rừng; khai hoang, phục hóa được 97,8 ha ruộng lúa nước, ruộng bậc thang với tổng số tiền được cấp là 2,7 tỷ đồng; hoàn thành 46 công trình: mở rộng các tuyến đường giao thông liên bản, ổn định dân cư... với tổng mức đầu tư được duyệt 219.193 triệu đồng. Từ hiệu quả của những chương trình, dự án đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người nâng lên; văn hóa, y tế, giáo dục từng bước được đổi mới, huyện luôn có chính sách ưu tiên, khuyến khích, đối với con em là người dân tộc Mông học tập tại các cấp học. Nếu những năm trước đây bình quân 20 người mới có 1 người đi học, thì đến nay cứ 3 người đã có 1 người đi học; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 90%. Huyện luôn có chính sách ưu tiên, khuyến khích, cử tuyển đối với con em là người dân tộc Mông được vào học các trường đại học, cao đẳng và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Đến nay 41/41 bản Mông có lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; có 32/41 bản Mông có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được phủ sóng điện thoại; 35/41 bản có đường ô tô đến bản; 11/41 bản có điện lưới quốc gia. Bên cạch đó, huyện còn tổ chức tốt các hoạt động văn hóa-thể thao để đồng bào được giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, tạo sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phấn đấu xây dựng các bản Mông trở thành các bản làng văn hóa. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường, 100% các xã có trạm y tế. Hệ thống chính trị tại địa bàn được củng cố, đến nay trên địa bàn huyện có 26 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 2.059 đảng viên, trong đó có 425 đảng viên là người dân tộc Mông, chấm dứt tình trạng bản trắng đảng viên. Hoạt động của hệ thống chính trị từng bước đổi mới góp phần nâng cao hiệu quả trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Nhìn chung, thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào Mông đã và đang phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tạo động lực cho đồng bào ổn định đời sống, phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, vùng có đông đồng bào Mông sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn: Tốc độ phát triển kinh tế chậm và chưa vững chắc; việc tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc đạt hiệu quả chưa cao; tình trạng đói giáp hạt trong đồng bào Mông hàng năm vẫn còn tồn tại, tỷ lệ hộ nghèo cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; chất lượng giáo dục, y tế và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào còn thấp. Các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, buôn bán các chất ma túy, di cư tự do, hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, các hủ tục lạc hậu: ma chay, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn vẫn còn tồn tại. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời sơ kết, tổng kết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc; kinh phí để hoàn thành dự án còn thiếu hơn 200 tỷ đồng (quá trình thực hiện dự án có thay đổi và trượt giá…) nên kết quả thực hiện Dự án “Ổn định sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc Mông” chưa đạt như mong muốn.


Chăm sóc y tế cho đồng bào Mông

Những giải pháp cụ thể

Trong thời gian tới Đảng bộ huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hai là: Thực hiện tốt các chương trình, dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất ở vùng đồng bào Mông, Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình, dự án khác để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; chủ động lồng ghép triệt để nguồn vốn của các chương trình, dự án để phát huy tối đa các nguồn lực; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm để người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay thế giống cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa toàn diện nông - lâm nghiệp gắn với thị trường.

Ba là: Trong công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông cần bám sát cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, chính đáng của dân; chú trọng công tác xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào Mông. Thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở; cán bộ đảng viên phải mềm dẻo trong khi xử lý các vụ việc có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo.

Bốn là: Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và lực lượng vũ trang, nắm chắc tình hình cơ sở, xử lý tình huống có tình, có lý. Hàng năm phải tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm quá trình thực hiện Chỉ thị 45 gắn với việc xây dựng điển hình tiên tiến, điển hình dân vận khéo, thực hiện qui chế dân chủ để nhân ra diện rộng.

Năm là: Tiếp tục quan tâm, tăng nguồn lực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, phòng học kiên cố, nhà văn hóa ở các bản; có chính sách ưu đãi đối với nghề rừng để đồng bào sống chủ yếu bằng nghề rừng; tiếp tục cấp vốn để hoàn thành dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát.

Sáu là: Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở không phải là người Mông, cán bộ bán chuyên trách thôn, bản vùng đồng bào Mông. Tăng chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh ở vùng dân tộc các xã biên giới và con em đồng bào Mông làm nền tảng cho việc củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Mông; có chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường chất lượng, thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Mông nhằm tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nguyễn Bình Minh

[TT: PLN]