Phát huy vai trò người có uy tín vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn hiện nay
03:00 02/08/2013 Lượt xem: 629 In bài viếtỞ Tây Nguyên, buôn, làng là đơn vị xã hội quan trọng đối với đồng bào các DTTS, có đặc thù rất khác so với nhiều vùng miền núi của nước ta. Toàn vùng có 7.334 thôn buôn, tổ dân phố, trong đó có 2.764 thôn, buôn có đông đồng bào các DTTS sinh sống. Mỗi buôn, làng đều có các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín (gọi chung là người có uy tín). Họ là biểu tượng của trí thông minh, lòng dũng cảm, bao dung, ngay thẳng; có hiểu biết sâu sắc về luật tục của dân tộc mình và là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng buôn, làng, được dân làng tín nhiệm, tự nguyện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến; là những người có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư. Trong bối cảnh hiện nay, người có uy tín còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân; có nhiều đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, vận động dòng tộc, buôn, làng trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, phải kể đến vai trò của người có uy tín trong xây dựng và thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở các buôn, làng vùng Tây Nguyên.
Trong những năm qua, việc đảm bảo vai trò của người có uy tín trong thực hiện dân chủ cơ sở cấp xã luôn được các tỉnh vùng Tây Nguyên đặc biệt chú trọng. Thông qua vai trò của người có uy tín, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở ở Tây Nguyên đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu, thực hiện định canh, định cư, khai hoang làm ruộng lúa nước, lập vườn, xây dựng đời sống mới. Các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín đã tham gia hoà giải có hiệu quả những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong nhân dân, giữa đồng bào các dân tộc với nhau và giữa nhân dân với các doanh nghiệp trên địa bàn; giúp đỡ người lầm đường, lạc lối không để họ bị những phần tử xấu lôi kéo trở lại con đường phạm tội; giúp đỡ những người đã từng phạm tội, thanh thiếu niên hư cải tạo tại cộng đồng buôn, làng trở thành người làm ăn lương thiện. Nhiều buôn, làng trên toàn vùng đã phát huy tích cực vai trò của già làng vào việc thực hiện dân chủ cơ sở cấp xã, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm của bà con buôn, làng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương.
Với vốn sống và kinh nghiệm, các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, là người sẽ nhận xét, thẩm định những yếu tố tích cực, tiên tiến, gạn đục khơi trong để lọc bỏ những độc tố phản văn hoá, không phù hợp, trái với tập quán sinh hoạt. Qua đó, giúp cho chính quyền cơ sở thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước trong cộng đồng và thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong và ngoài nước xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Đặc biệt, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xây dựng thôn buôn văn hóa, gia đình văn hóa, bằng tinh thần và trách nhiệm của mình, người có uy tín trong buôn, làng ở Tây Nguyên đã nỗ lực vận động cộng đồng dân cư làm tròn trách nhiệm công dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 5.133/7.334 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng và bổ sung quy ước thôn, buôn văn hóa, đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của vùng đồng bào DTTS và đặc thù của từng địa phương; số hộ được công nhận gia đình văn hoá ngày càng tăng; thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 134,135, các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín đã đi đầu tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong buôn, làng đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm rẫy, tham gia xóa nhà tạm, xây dựng trường lớp, đường giao thông nông thôn, tu sửa kênh mương thủy lợi… đồng thời họ là những người chủ công trong việc tìm tòi, khôi phục các nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, thành công hay thất bại trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào các DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là trong quá trình thực hiện dân chủ và pháp luật dân chủ ở cơ sở là phải kể đến vai trò của người có uy tín. Tuy nhiên, nhiều già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ chưa nhận thức rõ vai trò của mình nên khi thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở cơ sở còn lúng túng; một bộ phận người có uy tín và già làng còn nặng về gia đình, dòng tộc, thiếu kỹ năng tổ chức, vận động nhân dân; một số cấp uỷ đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc thực hiện dân chủ và pháp luật dân chủ cơ sở, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát huy vai trò của mình. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn kém phát triển nên người có uy tín ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên vẫn còn có những hạn chế về nhận thức và trình độ.
Để phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong việc thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở cấp xã, góp phần quan trọng để các buôn, làng, các địa phương thu được những thành tựu mới trong sự nghiệp phát triển, đem lại đời sống ấm no cho cộng đồng các dân tộc anh em sống trên địa bàn Tây Nguyên, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chi bộ đảng ở buôn, thôn trong lãnh đạo phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào DTTS thực hiện tốt pháp luật dân chủ cơ sở cấp xã.
Hai là, cần có chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào DTTS nhằm giúp đỡ người có uy tín cả về đời sống vật chất và tinh thần; quan tâm, tạo điều kiện cho người có uy tín phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; giải quyết các nhu cầu chính đáng của các già làng trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín để họ phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.
Ba là, định kỳ tổ chức gặp mặt, thường xuyên đối thoại, trao đổi cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước và quốc tế để người có uy tín có điều kiện nâng cao nhận thức và đóng góp tích cực vào công tác vận động, tuyên truyền ở buôn, làng. Có chính sách hỗ trợ để các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm hay ở các địa phương khác về hướng dẫn bà con trong buôn, làng thực hành, vận dụng vào sản xuất. Chú trọng tuyên truyền phổ biến để người có uy tín nắm được âm mưu, ý đồ và thủ đoạn hoạt động chống phá chính quyền, gây rối an ninh, trật tự của các thế lực phản động, bọn tội phạm và phần tử xấu...
Bốn là, tăng cường công tác vận động, tranh thủ đối với người có uy tín ở các tỉnh Tây Nguyên, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường sự đồng thuận của các già làng. Kịp thời biểu dương người có uy tín chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có thành tích trong hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng buôn, làng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng vận động, hướng dẫn các già làng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Tổ chức nhân dân thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tổ chức tốt hoạt động tự quản ở buôn, làng.
Năm là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, đạo đức, pháp luật cho người có uy tín. Kinh nghiệm cho thấy, quan tâm chăm lo đào tạo, sử dụng các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín trong buôn làng sẽ mang lại hiệu quả rất cao, vì họ là những người thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán và hiểu tâm lý, nguyện vọng của người dân, nên được dân nghe, dân tin, dân làm theo. Hiện nay, mặc dù các già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ, người có uy tín ở Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là sự thiếu hụt về các tri thức mới, khả năng cập nhật thông tin, mức độ hiểu biết về pháp luật, song họ vẫn đang là linh hồn của buôn, làng, là người phát ngôn tâm tư nguyện vọng của nhân dân các dân tộc thiểu số, là chiếc cầu nối, chất keo dính kết trong nội bộ dân tộc họ và giữa các dân tộc với Đảng và Nhà nước.
ThS. Đỗ Văn Dương
[TT: PLN]