Nhà báo tác nghiệp ở vùng cao

10:48 02/08/2013 Lượt xem: 512 In bài viết

Tuy nhiên, ở các tỉnh miền núi, biên giới địa hình chia cắt, giao thông khó khăn. Ô tô thường chỉ đến được trung tâm xã. Để đến các thôn, bản phải đi xe máy, phải trèo đèo, lội suối. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng lớn, mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, khi nhà báo tác nghiệp vì không biết tiếng dân tộc phải nhờ người phiên dịch. Mặt khác, trình độ của người dân còn hạn chế và các vùng phát triển không đồng đều, còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Ở vùng đồng bằng, thành thị đọc báo, nghe đài đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, thì ở miền núi, vùng cao, nhu cầu này đang được tạo lập để hình thành thói quen cho bà con các dân tộc. Vì vậy, những tác phẩm báo chí viết cho đồng bào phải dễ hiểu, thiết thực, gắn liền với đời sống hàng ngày, phải trả lời những câu hỏi mà người dân quan tâm như: Mùa này, tháng này trồng cây gì, trồng như thế nào thì sai quả, tốt củ? Nuôi con gì thì nhanh lớn, bán được nhiều tiền? Ăn ở thế nào để đảm bảo vệ sinh không bị ốm đau, không mất tiền mua thuốc. Phong tục, tập quán nào cần giữ gìn, phong tục, tập quán nào không còn phù hợp phải bỏ. Làm thế nào để việc ma chay, cưới xin đỡ tốn kém. Làm thế nào để giữ được rừng, giữ được nguồn nước, không bị lũ, không bị núi sập, đất lở. Làm cách nào để đồng bào các dân tộc hiểu thấu âm mưu hiểm độc của các thế lực thù địch, một lòng theo Đảng, đoàn kết bên nhau, cùng chung sống xây dựng làng bản ngày càng giàu đẹp...

Để trả lời cặn kẽ những vấn đề ấy quả là một thách thức không nhỏ đòi những người làm báo phải khổ công tìm hiểu, tích luỹ kiến thức - những kiến thức chỉ có trong cuộc sống còn nhiều thiếu khó nhưng thật phong phú của đồng bào các dân tộc, theo đó là một tấm lòng.

Nhớ chuyến đi công tác đến xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Gần 12 giờ trưa tôi cùng Trưởng bản Lầm Khẹt Bùi Văn Thiết vào nhà chị Bùi Thị Hai. Thấy nhà có khách chị Hai chạy vội từ trên đồi về. Nhìn người đàn bà gầy đét trong bộ quần áo bùng nhùng, gò má nhô cao, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu hiện rõ sự lam lũ đói nghèo. Ngôi nhà rộng khoảng hơn 10m2. Trên bức vách là những áo, quần cũ treo vắt bừa bộn. Đã trưa nhưng bếp vẫn nguội lạnh, những chiếc xoong nhôm chỏng chơ. Ngập ngừng chị Hai nói: Cũng lâu rồi cả nhà chỉ ăn bữa sáng và bữa tối, bữa trưa thì bỏ hẳn, nhà thiếu gạo nên phải ăn độn sắn. Gia đình có mấy sào ruộng, một năm chỉ cấy được một vụ, đất ruộng bạc màu, cày sâu là gặp đá, sỏi. Mùa khô không có nước, cây cỏ còn không mọc nổi... Chỉ nói được vậy nước mắt trào ra, chị nhìn về phía đứa con gái nhỏ thỏ bảo cháu đang học lớp 3. Chúng tôi hỏi cháu muốn điều gì nhất, cháu nói: “Cháu chỉ thèm được ăn một bữa… cơm trắng”. Đến nhà ông Bùi Văn Khải, bà Bùi Thị Ngây, cửa nhà mở nhưng không thấy ai, định quay ra thì ba đứa trẻ từ sau nhà chạy ra. Đứa lớn nhất 11 tuổi mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà tuềnh toàng, chỉ có chiếc giường làm bằng tre và vài bộ quần áo vắt trên vách. Tôi hỏi bố mẹ, chúng bảo đi nương, tối mới về. Bọn trẻ còn cho biết, chúng không ăn trưa vì sáng chúng ăn rồi. Tôi đưa cho các cháu những thanh lương khô mang theo để các cháu ăn. Ra về lòng day dứt, xót xa khi nghĩ đến những đứa trẻ thành phố, giờ này có bao nhiêu đứa cùng độ tuổi các cháu đang được bố mẹ chăm bẵm, bón cơm từng ngày.

Người làm báo đi nhiều, bám sát với thực tế địa phương. Hôm nay ở thành phố nhưng ngày mai đã vượt hàng trăm cây số để có mặt ở vùng cao biên giới, ở nơi xảy ra sự việc đang cần những thông tin mới, chính xác chuyển đến bạn đọc.

Nhớ chuyến công tác đến Mường Nhé sau sự việc đồng bào Mông ở các tỉnh Tây Bắc và có cả Tây Nguyên tập trung về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, đầu tháng 5 năm 2011. Đến được Huổi Khon phải vượt chặng đường gần tám trăm cây số. Xe mải miết chạy, con đường càng lúc càng cheo leo, gập ghềnh. Những để chúng tôi bớt đi sự mệt mỏi, sốt ruột, Tổng Biên tập báo Điện Biên Phủ luôn động viên bằng những “tiếu lâm nghề báo” cùng những giới thiệu ngắn gọn “có nghề” hướng dẫn viên du lịch về các địa danh xe qua.


Nhà báo tác nghiệp tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Ảnh Phương Liên

Tối muộn, xe tới xã Nậm Kè. Được báo trước, các chiến sỹ Biên phòng Đồn Nậm Kè lo cho đoàn ăn nghỉ thật chu đáo. Đêm tĩnh lặng ở nơi tận cùng Tây Bắc qua nhanh. Chúng tôi tập trung cho công việc, vượt đèo, vượt dốc đến những bản mới của đồng bào, có mặt ở Huổi Khon - địa danh đang là tâm điểm chú ý không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Ở đó, kỹ năng nghiệp vụ nghề báo được huy động tối đa. Những vạt đồi trước đó nhiều trăm chiếc lán được dựng làm nơi ở của nhiều ngàn người Mông, những dải đất rừng bị chặt tạo băng bảo vệ… được chụp vào những khuôn hình. Sau những cuộc trò chuyện cởi mở với Trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ và những người dân trong bản về những ngày chờ Vua Mông, đợi Chúa Trời đến cho tiền, cho cuộc sống giàu sang phú quý, không phải làm cũng có ăn. Chúng tôi cùng toạ đàm, trao đổi với lãnh đạo chủ chốt xã Nậm Kè, với Đồn Biên phòng Nậm Kè, với lãnh đạo các phòng, ban chức năng của huyện, của tỉnh về quản lý địa bàn, về việc tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án dành cho địa bàn đặc biệt khó khăn… Từ đó, bản chất của sự việc cùng những vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc được làm rõ. Và thành quả của chuyến công tác ấy là loạt bài đăng trên Tạp chí Dân tộc số tháng 6, 7 năm 2011 - “Từ Mường Nhé, huyện tận cùng Tây Bắc - Những vấn đề đặt ra với công tác dân tộc, chính sách dân tộc” đã dành được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Thông qua báo chí, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với nhân dân cả nước, với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, mang những tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời, trung thực tới các cấp chính quyền.

Nhà báo tác nghiệp ở vùng cao gặp nhiều khó khăn, chi phí cho chuyến đi lớn. Nhiều khi công tác phí và nhuận bút không đủ trang trải chuyến công tác. Nhưng nhà báo vùng cao tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội và bản lĩnh vững vàng vượt lên những khó khăn vất vả, sẵn sàng chấp nhận gian nan, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhà báo Nguyễn Kim Nhung

[TT: PLN]