Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở Tạp chí Dân tộc

03:00 02/08/2013 Lượt xem: 471 In bài viết

 Tạp chí Dân tộc có chức năng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội; thông tin quan điểm, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Làm báo đã là một nghề vất vả; làm báo dân tộc càng khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp rất cao của mỗi nhà báo bởi vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược, phức tạp, nhạy cảm đang bị các thế lực thù địch triệt để khai thác trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Địa bàn vùng dân tộc, miền núi rộng lớn, hiểm trở, nơi sinh sống của phần đông các dân tộc thiểu số với những phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa độc đáo song trình độ dân trí chưa cao, cuộc sống của đồng bào nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội chậm phát triển.

Tuy “sinh sau đẻ muộn” trong làng báo chí cách mạng Việt Nam nhưng nhận thức rõ trách nhiệm xã hội và cả những khó khăn, thách thức khi tác nghiệp ở một lĩnh vực khó, trên một địa bàn rộng lớn song những người làm báo của Tạp chí Dân tộc đã luôn ghi nhớ và thực hiện theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những Chiến sĩ trên Mặt trận báo chí. Đây là tư tưởng bao trùm, quán xuyến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người làm báo. Trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Chính vì thế, tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ ràng đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản.

Về phẩm chất đạo đức, Bác luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng thỏa mãn “cho bài mình là tuyệt rồi”, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị. Bác dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa, và chỉ ra 8 biểu hiện của nó là: Dài dòng, rỗng tuyếch; Có thói cầu kì; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ.

Bác đã đưa ra 5 cách chữa thói ba hoa:

1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách;

2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu;

3. Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được. Làm cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”;

4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;

5. Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận… Tất cả những vần đề này đều đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đối với những người làm báo.

Vấn đề tư cách người làm báo, có thể hiểu ở hai mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà báo với tư cách là một công dân và nhà báo với tư cách nghề nghiệp.

Về mối liên hệ giữa nhà báo-công dân, Bác chỉ rõ: Nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét.

Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, không gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ thực tế 14 năm qua, trong tổ chức hoạt động của cơ quan nghiên cứu lí luận mà tôn chỉ, mục đích là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Dân tộc. Trong hoạt động, Ban Biên tập và mỗi nhà báo của Tạp chí Dân tộc luôn tâm niệm phải nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của từng số tạp chí, của từng chuyên mục qua mỗi tin, bài, ảnh.

Tạp chí Dân tộc đã bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, của ngành và những vấn đề nổi lên ở những địa bàn trọng điểm, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ cùng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham gia đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc làm mất ổn định trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Theo đường hướng ấy, Tạp chí Dân tộc đã dành được sự yêu mến của độc giả và đã có những thành công nhất định. Đó là, từ những loạt bài, những vấn đề đăng trên Tạp chí Dân tộc đã góp phần để Trung ương và địa phương có những quyết định cụ thể về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II); quyết định đầu tư hỗ trợ cho thôn đặc biệt khó khăn ở xã Thạch Sơn huyện vùng cao Sơn Động của tỉnh Bắc Giang… Và mới đây nhất là Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015.

Là một công trình sáng tạo, những bài báo khi đã đăng sẽ được xã hội hóa rất cao. Vì thế, trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo phải đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu…

Trên quan điểm như vậy, Tạp chí Dân tộc đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cơ quan Ủy ban Dân tộc, phấn đấu rèn luyện theo chuẩn mực đạo đức được Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc quy định cùng những nội dung về đạo đức của người làm báo như sau:

- Hành nghề có lương tâm, giữ gìn danh dự và bản lĩnh nghề nghiệp.

- Trăn trở với những bức xúc của cộng đồng, chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của cơ sở.

- Coi những việc: đạo văn, bóp méo sự thật có ác ý, vu khống, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ, nhận hối lộ để đăng hoặc lấp liếm thông tin là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Để làm tốt trách nhiệm xã hội của người làm báo theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo công tác tại Tạp chí Dân tộc phải xác định rõ đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của đơn vị là phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu tại vùng miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn để mà tận tâm, tận lực, với tinh thần trách nhiệm trước đồng bào, biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng miền núi, dân tộc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta.

Cuộc sống phong phú và có thuộc tính phức tạp của nó đòi hỏi nhà báo luôn phải vững vàng về phẩm chất chính trị sâu sắc về chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm cao trước xã hội.

Những thực tế đó đòi hỏi những người làm báo của Tạp chí Dân tộc phải có cái nhìn sâu, rộng, hiểu biết thực tế nhiều đặc thù của địa bàn để kịp thời định hướng những nội dung cần đi sâu, làm rõ trên từng số Tạp chí, mang đến cho độc giả những thông tin thiết thực, hữu ích. Khi tờ tạp chí đáp ứng được “sự cần” của người đọc, mang đến những giải đáp kịp thời, đặt ra từ nhận thức, lý luận và thực tế cuộc sống, nó sẽ thực hiện được tôn chỉ, mục đích và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi đó, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của các thành viên trong Tòa soạn từ Tổng Biên tập đến Biên tập viên, Phóng viên được thực hiện.

Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của các nhà báo công tác tại Tạp chí Dân tộc sẽ được thể hiện tốt nhất khi mỗi người luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”.

ThS. Nguyễn Quang Hải

Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc

[TT: PLN]