Tìm hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc
02:59 02/08/2013 Lượt xem: 32700 In bài viếtDân tộc nào cũng có nền văn hóa truyền thống, đó là tổng hợp những hiện tượng văn hóa-xã hội bao gồm các chuẩn mực giao tiếp, các khuôn mẫu văn hóa, các tư tưởng xã hội, các phong tục tập quán, các nghi thức, thiết chế xã hội… được bảo tồn qua năm tháng, trở thành thói quen trong hoạt động sống của mỗi con người, cũng như của toàn xã hội, được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nói đến văn hóa truyền thống là nói đến những hiện tượng văn hóa xã hội đã được định hình, tuy độ dài lịch sử chưa phải là yếu tố cốt lõi của văn hóa truyền thống, nhưng cái cốt lõi chính là ý nghĩa xã hội của nó. Trong văn hóa truyền thống có cả mặt tích cực, lẫn mặt tiêu cực, phản giá trị. Vì vậy khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc là chỉ nói đến những hiện tượng văn hóa - xã hội có ích, có ý nghĩa tích cực, góp phần vào sự tiến bộ xã hội. Giá trị văn hóa truyền thống về thực chất là cái được bộc lộ trong quan hệ hiện tại với quá khứ và hướng tới tương lai. Con người của hiện tại có thái độ như thế nào đối với truyền thống, xã hội hiện tại cần đến truyền thống ở mức nào sẽ quy định giá trị của văn hóa truyền thống.
Trong tổng thể các giá trị văn hóa truyền thống thì có những giá trị cốt lõi, ổn định, tinh túy nhất làm căn cứ để so sánh văn hóa dân tộc này với văn hóa dân tộc khác, đó chính là cái riêng của mỗi dân tộc. Ở Việt Nam có nhiều khái niệm như tính dân tộc, hình thức dân tộc, đặc điểm, cốt cách, bản lĩnh, sắc thái dân tộc… Nhưng khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc phản ánh được nét cô đọng nhất, nói lên được tính dân tộc của văn hóa.
Vì vậy, có thể hiểu: Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác.
Văn hóa có tính dân tộc vì nó được sáng tạo ra, được bảo tồn và lưu truyền trong cộng đồng dân tộc với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử đặc thù; qua quá trình phát triển, chắt lọc, thử thách của thời gian, những đặc điểm dân tộc in dấu ấn vào các sáng tạo văn hóa; dần dần lắng đọng, định hình tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Nó tạo nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống của một dân tộc, từ cội nguồn đó làm nảy sinh và hoàn thiện ý thức dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Các yếu tố đó đã gắn kết, quy tụ các thành viên cộng đồng, tạo nên thế và lực của dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển phụ thuộc vào đặc điểm tộc người, điều kiện lịch sử, tự nhiên, môi trường cư trú, thể chế chính trị cũng nhự sự giao lưu với các nền văn hóa khác. Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc đã sáng tạo ra nền văn hóa đó. Bản sắc văn hóa cũng chính là bản sắc văn hóa của dân tộc ấy.
Mỗi khi nghe một làn điệu dân ca, âm thanh của một nhạc cụ, hay xem một điệu múa là ta có thể nhận biết được sắc thái của dân tộc đó. Không có một nền văn hóa nào hình thành và phát triển được nếu không thể hiện được tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo của dân tộc ấy. Văn hóa chỉ tồn tại và phát triển khi chứa đựng và thể hiện gần đầy đủ bản sắc dân tộc đã sáng tạo ra nó. Mỗi dân tộc trong quá trình lựa chọn thái độ, phương thức sống và hoạt động để ứng phó với hoàn cảnh, vừa tiếp thu, tiếp biến các giá trị để nâng cao tinh thần tự chủ, tự cường, tạo nên các tố chất riêng biệt của dân tộc, cái riêng ấy chính là bản sắc văn hóa dân tộc. Nó không chỉ được biểu hiện bên ngoài như cung cách ứng xử, phong thái sinh hoạt, nghệ thuật kiến trúc mà còn được biểu hiện ở cái bên trong như năng lực sáng tạo, tư duy, chiều sâu tâm hồn, truyền thống đạo lý, thế giới quan, nhân sinh quan.
Trong xã hội phân chia thành giai cấp, bản sắc văn hóa dân tộc có quan hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng. Các giai cấp thống trị bao giờ cũng dùng hệ tư tưởng xâm nhập vào nền văn hóa dân tộc tạo ra sự dính kết giữa cách thức lao động sản xuất, sinh hoạt, ý thức thường ngày của quần chúng với định hướng giai cấp. Hệ tư tưởng nào cũng mong muốn thiết lập được một hệ chuẩn mới xâm nhập thành hạt nhân quyết định cho sự phát triển của nền văn hóa. Tuy nhiên, tác động ảnh hưởng của hệ tư tưởng đối với bản sắc văn hóa như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào giá trị tiến bộ của hệ tư tưởng đó. Khi hệ tư tưởng xâm nhập vào văn hóa dân tộc, mặc dầu nó trở thành yếu tố định hướng, yếu tố dính kết của văn hóa, nhưng nó cũng chịu sự chọn lọc,“ Khúc xạ” , "Dân tộc hóa" của bản sắc văn hóa dân tộc, do đó hệ tư tưởng cũng có những yếu tố bị bản sắc văn hóa dân tộc loại trừ.
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng một khi hệ tư tưởng tiến bộ được vận dụng đúng đắn, gắn kết với giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc thì nó phát huy được sức mạnh của cả dân tộc và thời đại, giai cấp và dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau: Hệ tư tưởng trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của dân tộc. Ngược lại khi hệ tư tưởng phản động, lạc hậu, hoặc là vận dụng không phù hợp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì lập tức sẽ gây ra những đổ vỡ khó lường.
Bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử mà bản thân các điều kiện này đều biến chuyển theo thời gian, vì vậy bản sắc văn hóa cũng luôn luôn vận động, tuy có tính ổn định, bền vững nhưng không phải là bất biến. Song con đường vận động, phát triển của bản sắc văn hóa phức tạp hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Nó không phải đi theo đường thẳng, không phải văn hóa thời đại sau bao giờ cũng cao hơn thời đại trước, có những yếu tố văn hóa cổ mà văn minh ngày nay chưa thể vượt qua. Bản sắc văn hóa dân tộc cũng vận động, biến đổi theo trình độ dân trí, qua giao lưu văn hóa thời đại, nhưng vận động, tiếp biến rồi cũng xoay quanh cái gốc, trở về cái cội nguồn. Nhiều dân tộc bị áp bức bóc lột, bị nô lệ, bị đàn áp bao thế kỷ, trình độ tuy còn lạc hậu nhưng vẫn bám trụ và vươn dậy trong thời đại văn minh công nghệ tin học để chứng minh sức mạnh tiềm ẩn trong bản sắc văn hóa.
Không sức mạnh quân sự nào đè bẹp được sức mạnh văn hóa. Các trận cuồng phong của quân Nguyên Mông đã tàn phá Đông Âu, Đông Á, nhưng rồi chẳng để lại dấu vết văn hóa nào. Những cuộc thập tự chinh đẫm máu, những cuộc chiến tranh tàn khốc của chủ nghĩa đế quốc cũng không tiêu diệt được ý thức độc lập dân tộc. Tiền bạc của chủ nghĩa tư bản cũng không đồng hóa được văn hóa dân tộc thuộc địa. Sự vùng lên của các dân tộc giành quyền độc lập tự do đã chứng minh cho sức mạnh của bản sắc văn hóa dân tộc.
Xu hướng tìm về bản sắc dân tộc và xu hướng hiện đại hóa nền văn hóa nhìn bên ngoài có vẻ như là đối lập hoàn toàn, nhưng thực chất là hai xu hướng thống nhất biện chứng.
Hiện đại là cái có chất lượng hơn, tốt hơn, văn minh hơn cái trước đây, đáp ứng được yêu cầu của hiện tại và tương lai của sự phát triển. Muốn vượt lên cái cũ, chinh phục cái mới, phải có một nền văn hóa phát triển, đó là con đường duy nhất đúng đắn. Văn hóa phát triển là một nền văn hóa hiện đại và thường xuyên được hiện đại hóa.
Hiện đại hóa gắn liền với chủ thể dân tộc với điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc ấy. Nói hiện đại là hiện đại một dân tộc, đối với một dân tộc, mang tính chất dân tộc. Hiện đại cũng có nghĩa là mang tính thời đại, biểu hiện xu thế phát triển của nhân loại. Vì vậy, dân tộc - hiện đại - đại chúng và nhân văn đi liền nhau.
Hiện đại hóa là cuộc vận động rộng lớn và sâu sắc của một quốc gia - dân tộc. Nó phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người, tiềm lực kinh tế của dân tộc đó, đồng thời phụ thuộc vào trình độ trí tuệ, tinh thần nhạy bén, sáng tạo để hội nhập với thế giới xung quanh. Như vậy hiện đại hóa bằng cách nào, nhanh hay chậm, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào cách lựa chọn của dân tộc.
Một số dân tộc ở Nam Mỹ trước đây có tài nguyên phong phú, nhưng công nghệ lạc hậu đã lựa chọn con đường dựa vào xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm sơ chế để thu ngoại tệ, rồi lại dùng ngoại tệ nhập sản phẩm tiêu dùng, nhập máy móc, tiện nghi, tạo ra một cuộc sống có vẻ như là hiện đại. Nhưng trước những cuộc khủng hoảng kinh tế, gốc rễ không bền chắc nên sụp đổ. Ngược lại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc vốn trước đây lệ thuộc vào phương Tây đã nhận thức lại vấn đề rõ rệt hơn để cảm nhận một chân lý hàng thế kỷ họ đã để mất dần bản sắc văn hóa dân tộc, họ đã cảm thấy rõ thất bại của Châu Phi và tự tìm ra con đường riêng của mình đó là: Chọn lọc những nhân tố hiện đại trong khoa học công nghệ của phương Tây kết hợp với bản sắc văn hóa bản địa.
Con đường hiện đại hóa của các nước đã cho chúng ta thấy, nền văn hóa mỗi dân tộc đều chứa đựng các giá trị văn hóa nhân loại, các giá trị chân, thiện, mỹ không chỉ là giá trị riêng của từng dân tộc mà ngày càng trở thành giá trị chung của loài người. Tuy vậy, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ không xóa được biên giới quốc gia - dân tộc, không thể công nghệ hóa được mọi bản sắc văn hóa. Tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ chỉ làm cho nền văn minh các dân tộc xích lại gần nhau, còn bản sắc văn hóa thì vẫn là riêng biệt.
Bản sắc văn hóa dân tộc được tôi luyện, đúc kết qua các thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử, như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất làm nên sức sống trường tồn của dân tộc. Tất cả các quốc gia hiện nay đều chú trọng nghiên cứu di sản văn hóa của dân tộc mình, họ ý thức được rằng nếu không đề cao bản sắc văn hóa dân tộc thì tính đa đạng của văn hóa thế giới sẽ bị cạn kiệt do sự lai căng, pha tạp của các nền văn hóa.
Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy trong văn hóa dân tộc có nhiều yếu tố bảo thủ, níu kéo văn hóa trở về với quá khứ, làm cho văn hóa dân tộc khó thích nghi với thời đại mới. Xu hướng bảo thủ có mặt tích cực là tạo ra khả năng tự vệ, rào chắn có hiệu quả các cuộc xâm lăng văn hóa, nhưng bảo thủ sẽ dẫn tới loại trừ các yếu tố tích cực, hiện đại của văn hóa từ bên ngoài tác động vào.
Vì vậy, phải đứng vững trên quan điểm phủ định biện chứng để kế thừa có chọn lọc, loại trừ yếu tố lạc hậu, bổ sung yếu tố mới, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của cuộc sống. Yếu tố hiện đại giúp văn hóa truyền thống thích nghi với sự phát triển, đồng thời nó đáp ứng được nhu cầu văn hóa ngày càng tăng lên của dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc phải đứng vững trên đôi chân của mình để tiếp nhận các yếu tố hiện đại, làm cho các yếu tố hiện đại gia nhập và trở thành yếu tố văn hóa truyền thống.
TS. Hoàng Xuân Lương
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
[TT: PLN]