Nâng cao hàm lượng lý luận phát triển đúng, trúng vấn đề đề xuất giải pháp hợp lý trách nhiệm và nhân văn

09:43 08/08/2013 Lượt xem: 1304 In bài viết

Những năm qua, Tạp chí Dân tộc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc giao, từng bước khẳng định tên tuổi và vị thế trong làng báo chí Cách mạng Việt Nam với tư cách là Tạp chí lý luận chuyên ngành về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; một số Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; sự phối hợp tích cực của các Vụ, đơn vị trong Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố; sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, biên tập viên, phóng viên, chuyên viên Tòa soạn và đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình, tâm huyết, hiệu quả và thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Dân tộc còn một số hạn chế:

- Tính lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc còn chưa cao, chưa đi sâu làm rõ những vấn đề dễ “đụng chạm” như: Nhận thức về công tác dân tộc trong nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; tư duy “nhiệm kỳ” trong xây dựng và ban hành chính sách; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của đối tượng được hưởng chính sách…

- Chưa lập được diễn đàn trao đổi để các tác giả bày tỏ quan điểm, chính kiến về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc.

- Một số “thực tiễn”, “kinh nghiệm” đăng trên Tạp chí chưa thật điển hình, đa số mang tính “thuận chiều”. Bài viết chủ yếu phản ánh kết quả; việc tổng kết, đánh giá để qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách cho vùng dân tộc, miền núi còn hạn chế.

Vùng miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 14,27% dân số cả nước. Cùng với xu thế phát triển chung, những năm qua, kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Tuy nhiên đây vẫn là vùng kém phát triển. Phần lớn các dân tộc thiểu số có mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong vùng đang nổi lên một số vấn đề cần quan tâm:

- Bức xúc về thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt gay gắt; gia tăng nạn mua bán, lừa phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số qua biên giới, vượt biên trái phép đi làm thuê; mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, di cư tự do diễn biến phức tạp; truyền đạo trái pháp luật có chiều hướng gia tăng, xuất hiện một số tà đạo mới... là những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị.

- Sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng, trong đó tập trung vào lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, đói nghèo của đồng bào để kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đặc biệt là chia rẽ giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh, lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số mơ hồ, mất cảnh giác nghe và tin theo luận điệu của kẻ địch chống lại Đảng và Nhà nước ta.

MỘT SỐ ĐỔI MỚI CỦA TÒA SOẠN VÀ TRỌNG TÂM BÀI VIẾT TRÊN TẠP CHÍ DÂN TỘC

Tiếp thu và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cần phải nâng tầm lý luận của Tạp chí chuyên ngành, Tạp chí Dân tộc phấn đấu nâng cao dung lượng cũng như hàm lượng lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Theo đuổi mục tiêu này, bước đầu Tòa soạn đã áp dụng một số cải tiến trong nội dung và hình thức tuyên truyền. Cụ thể:

- Tách mục “Nghiên cứu-Trao đổi” thành hai mục “Nghiên cứu lý luận” và “Diễn đàn -Trao đổi” nhằm khu biệt rõ hơn nội dung các bài viết đăng trên từng chuyên mục. Mục “Nghiên cứu lý luận” tập trung đăng bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương nhằm tư vấn kịp thời, hiệu quả, chất lượng các vấn đề lý luận về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Mục “Diễn đàn - Trao đổi” đăng các ý kiến đa chiều thể hiện quan điểm, chính kiến của tác giả về vấn đề cụ thể trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc...

- Mở mới mục “Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” trong đó đăng tải các ý kiến góp ý của nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 những nội dung liên quan đến vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc.

- Mở mới mục “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” để đăng tải những bài viết phản ánh kết quả đạt được sau thời gian thực hiện Nghị quyết, những tồn tại, hạn chế cùng các kiến nghị để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.(Các mục được mở mới tùy theo tình hình thực tiễn của đất nước, của công tác dân tộc)

- Đổi tên mục “Thực tiễn - Kinh nghiệm-Mô hình” thành “Thực tiễn - Kinh nghiệm” trong đó tập trung phản ánh thực tiễn sinh động ở vùng dân tộc, miền núi; cách làm của các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; kết quả đạt được cùng những giải pháp, bài học kinh nghiệm nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn.

- Mục “Dưới mái nhà Tổ quốc” chuyển từ giới thiệu cộng đồng 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng bản sắc văn hoá độc đáo sang tập trung phản ánh cuộc sống mới của đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng khởi sắc nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương với công tác dân tộc.

- Duy trì mục “Nhìn ra nước ngoài” giới thiệu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc.

- Xây dựng 2 trang tin phản ánh các chính sách mới cho vùng dân tộc, miền núi do các bộ, ngành Trung ương, các địa phương ban hành.

Trong đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền nêu trên, Tòa soạn đặc biệt quan tâm đến nâng cao tính lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội vì đây là chức năng chính của Tạp chí Dân tộc, phân biệt sản phẩm của Tạp chí với các đơn vị báo chí khác.

Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Tòa soạn mong nhận được sự cộng tác của đội ngũ cộng tác viên qua các bài viết tập trung vào các nội dung sau:

1. Đi sâu nghiên cứu lý luận, làm rõ các luận cứ khoa học để cùng hoàn thiện và làm sáng tỏ đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc”; các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc. Đấu tranh kịp thời, sắc bén bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

2. Phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, không ngừng phát triển lý luận nhằm góp phần giải đáp các vấn đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

3. Tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách; tư vấn loại bỏ những chính sách không còn phù hợp; đề xuất hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, góp phần giải quyết những bức xúc ở vùng dân tộc, miền núi, các hướng phát triển phi nông lâm nghiệp, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi.

4. Bám sát thực tiễn vùng, miền, kịp thời phản ánh những kết quả, kinh nghiệm cũng như chỉ ra những hạn chế, bất cập; đề xuất giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc dân tộc, qua đó thể hiện chức năng tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội trên Tạp chí Dân tộc.

5. Đi sâu vào những vấn đề bức xúc và cả những vấn đề cụ thể trong đời sống thường ngày của đồng bào nhằm góp phần thực hiện một chức năng khác của Tạp chí là thông tin về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

6. Công phu tìm chọn giới thiệu các tấm gương điển hình là người dân tộc thiểu số học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Các nội dung trên là những vấn đề cơ bản, lâu dài trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Dân tộc. Quan điểm của Tòa soạn là trân trọng và đón nhận những bài viết nghiêm túc, công phu, mang tính xây dựng - sản phẩm của quá trình nghiên cứu lý luận, trải nghiệm thực tiễn của các tác giả.

“Nâng cao hàm lượng lý luận; phát hiện đúng, trúng vấn đề; đề xuất giải pháp hợp lý; trách nhiệm và nhân văn” là phương châm của Tạp chí Dân tộc trong chặng đường phát triển mới. Tòa soạn mong nhận được sự cộng tác thường xuyên, tâm huyết của đội ngũ cộng tác viên, các nhà khoa học, nhà quản lý trong thành ý chung là góp phần đưa Tạp chí Dân tộc xứng đáng với vị thế là Tạp chí lý luận chuyên ngành hàng đầu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đồng thời là diễn đàn rộng rãi, gần gũi, cẩm nang thông tin của nhà nghiên cứu, nhà quản lý, là người bạn đồng hành không thể thiếu của độc giả khi bạn đọc luôn tìm thấy ở đó những vấn đề mình quan tâm.

ThS. Nguyễn Quang Hải

Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc

[TT: PLN]