Một số vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc và miền núi

09:29 08/08/2013 Lượt xem: 481 In bài viết

Tuy nhiên, nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi (theo kết quả điều tra, khảo sát của Ủy ban Dân tộc) chủ yếu chưa qua đào tạo (86,21%); tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực có chuyên môn nghiệp vụ cao rất thấp, lại yếu về chuyên môn và bất hợp lý về ngành nghề đào tạo… Tỷ lệ người dân tộc thiểu số được đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học rất thấp, tính trên 1 vạn dân, số người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên chỉ bằng khoảng 30% tỷ lệ chung của cả nước. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số không chỉ thiếu về số lượng mà còn không đồng đều giữa các dân tộc (tỷ lệ trên dân số), chưa hợp lý trong các ngành nghề đào tạo, độ tuổi cán bộ; mất cân đối giữa tỷ lệ cán bộ nam và cán bộ nữ; phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Số lượng học sinh dân tộc thiểu số được tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (nguồn đào tạo nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng cao) rất hạn chế. Tổng số học sinh dân tộc thiểu số được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển; dự bị đại học và thi đỗ thẳng bình quân những năm gần đây chỉ đạt khoảng 2 vạn học sinh, so với tổng số học sinh trúng tuyển vào đại học và cao đẳng toàn quốc gần 50 vạn thì tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng chỉ đạt khoảng 5-6%, (tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,27% dân số cả nước). Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ cao.

Trình độ học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhất là học sinh hệ cử tuyển thấp hơn trình độ học sinh hệ chính quy. Sinh viên dân tộc thiểu số trong các trường đại học, cao đẳng rất ít có điều kiện để học tập và nghiên cứu về văn hóa dân tộc, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, về kinh nghiệm công tác dân tộc và chính sách dân tộc của các nước trong khu vực và trên thế giới… Do vậy học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp- nguồn cán bộ chủ chốt của vùng dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết để làm tốt vai trò của người cán bộ vùng dân tộc và miền núi.

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan) nhưng chủ yếu vẫn là những nguyên nhân chủ quan sau:

- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ đại học trở lên chưa được quán triệt và tổ chức thực hiện tốt. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này chưa đầy đủ, chưa đánh giá đúng vai trò của nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Chưa có nhiều điều tra, nghiên cứu chuyên sâu về đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; kết quả, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số làm cơ sở khoa học để đề xuất với Đảng và Nhà nước đổi mới phương thức phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao người dân tộc thiểu số chưa thuyết phục.

- Giáo dục phổ thông và cơ chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Học sinh phổ thông vùng dân tộc thiểu số không có nhiều điều kiện học tập, điều kiện kinh tế như học sinh những vùng phát triển, thành phố, thị xã nhưng khi tham gia thi tuyển phải cạnh tranh gần như bình đẳng (có điểm ưu tiên nhưng không đủ để bù đắp chênh lệch về trình độ giữa các vùng miền). Đảng và Nhà nước có chính sách cử tuyển, dự bị đại học, nhưng số lượng rất hạn chế, do vậy không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc và miền núi.

- Các cơ sở phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số chưa hình thành một hệ thống đồng bộ, thừa kế và phát triển kết quả đào tạo từ dưới lên. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú là một kênh quan trọng trong giáo dục phổ thông vùng dân tộc và miền núi, nhưng ngay trong hệ phổ thông dân tộc nội trú còn nhiều bất cập, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của vùng dân tộc và miền núi. Mặt khác các trường phổ thông dân tộc nội trú chưa có sự liên thông giữa các cấp học, quy mô của trường trung học phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh quá nhỏ (tỷ lệ học sinh được học trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm khoảng 6% số học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học) chỉ tuyển dụng một phần số lượng học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú cấp huyện, do vậy nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở dân tộc nội trú không có điều kiện để học trung học phổ thông hoặc đào tạo nghề - đây là một bất cập lớn cần phải sửa đổi.

- Các trường đại học khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được thành lập nhằm mục tiêu chính là đào tạo nguồn cán bộ cho các khu vực nói trên, nhưng thực tế những năm qua các trường khu vực này đều tuyển sinh cả nước, do vậy hạn chế cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng khu vực.

- Hiện nay, học sinh dân tộc thiểu số được tuyển sinh (thông qua các hình thức thi tuyển quốc gia, dự bị đại học, cử tuyển) vào các trường đại học đều được học một chương trình chung của trường. Các trường đại học trong cả nước hiện nay không có Viện Nghiên cứu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các Viện Nghiên cứu chuyên ngành có tính đặc thù cho vùng dân tộc và miền núi như: thổ nhưỡng, trồng trọt, chăn nuôi, hợp tác quốc tế…cũng không có khoa chuyên ngành về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Do vậy học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học về công tác ở vùng dân tộc và miền núi nhưng lại thiếu hiểu biết những kiến thức mang tính đặc thù để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo nhiều thời cơ, nhưng cũng không ít thách thức cho Việt Nam nói chung và vùng dân tộc và miền núi nói riêng. Trong nước, đường lối đổi mới đang đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển với vị thế và diện mạo mới. Tuy nhiên vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội có phát triển nhưng chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng yếu kém, sản xuất dựa trên phương thức và công nghệ lạc hậu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp, chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thị trường, khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong cả nước ngày càng có xu hướng doãng ra…

Để phát triển nhanh và bền vững vùng dân tộc và miền núi theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, điều kiện tiên quyết là nhanh chóng phát triển (tăng cả về số lượng và chất lượng) nguồn nhân lực nói chung và nguồn cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên nói riêng cho vùng dân tộc và miền núi. Vấn đề đặt ra là một mặt phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo cho vùng dân tộc và miền núi trong những năm tới, đồng thời phải tổ chức nghiên cứu, xây dựng Học viện Dân tộc - một yêu cầu tất yếu của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc và miền núi.

Hồng Hạnh

[TT: PLN]