Công tác định canh, định cư và ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số
02:47 06/08/2013 Lượt xem: 7768 In bài viếtTheo phân định của Ủy ban Dân tộc, miền núi - vùng cao nước ta trải dài trên một không gian địa lý rộng lớn thuộc địa bàn 18 tỉnh, (trong đó có 12 tỉnh vùng cao và 6 tỉnh có miền núi), với hơn 150.000 km2, chiếm 47% diện tích cả nước. Đây cũng là nơi cư trú lâu đời của nhiều nhóm dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Du canh, du cư (DCDC) và định cư, du canh (ĐCDC) là một phương thức sống, hình thái sản xuất của một bộ phận lớn dân cư vùng núi cao, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia láng giềng khác và đã từng tồn tại rất lâu trong lịch sử, đời sống người dân DCDC thường gắn với những khó khăn và nghèo đói…
Cuộc vận động định canh định cư (ĐCĐC) theo tinh thần Nghị quyết 38/CP được tổng kết vào năm 1990 đã đánh giá kết quả thực hiện và rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn. Chính sách ĐCĐC lúc đó thể hiện tư duy, phương pháp luận đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê Nin về vấn đề dân tộc gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và lý thuyết về phát triển…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác ĐCĐC đã đạt được những thành tựu đáng kể, cơ sở hạ tầng sản xuất và dịch vụ như: giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, nhà ở, cơ sở y tế, trường học... từ không đến có và dần được cải thiện; nhận thức và trình độ của người dân đã tăng đáng kể do tiếp cận giáo dục và phương thức sản xuất mới, có điều kiện giao lưu với văn hoá của người Kinh và các dân tộc anh em, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác dân tộc, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, củng cố đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh, quốc phòng cho khu vực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc về tình hình kinh tế xã hội vùng dân tộc thì “kết cấu hạ tầng về chất lượng mới chỉ đáp ứng bước đầu ở mức tối thiểu cho nhu cầu sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân... một số nơi vẫn tồn tại tập quán sản xuất quảng canh, du canh du cư, chặt phá rừng...” do thiếu nguồn lực đầu tư tới cấp thôn, bản; dịch vụ hỗ trợ sản xuất chưa được đẩy mạnh và đặc biệt công tác ĐCĐC không được chú trọng ưu tiên và quan tâm đúng mức.
Những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên:
- Về khách quan: DCDC và ĐCDC là một tồn tại mang tính lịch sử, một phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội - tự nhiên và môi trường nhất định gắn với tập quán sản xuất lâu đời của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Những yếu tố cơ sở vật chất này đã hình thành cơ sở ý thức, tâm lý xã hội cộng đồng dân cư, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người; đối tượng vận động ĐCĐC lớn, phân bố trên địa bàn rộng, hiểm trở khó khăn đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về vật lực, nhân lực và tính đồng bộ, thích hợp về phương pháp, nội dung, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường.
- Về chủ quan: Trong quá trình triển khai ĐCĐC chưa tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán của người dân. Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng lại cuộc sống mới còn hạn chế do những rào cản ngôn ngữ, văn hoá nên phần nhiều họ thiếu tính chủ động và thích ứng. Nhiều dự án ĐCĐC được xây dựng trên cơ sở những khuôn mẫu sẵn của cấp huyện; việc khảo sát, đánh giá nhu cầu ở cấp thôn bản, xã sơ sài và thiếu tính chuyên nghiệp.
Định cư chưa gắn liền với định canh, trong thực hiện bộc lộ rõ nhược điểm về qui hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với tập quán canh tác, nguyện vọng của cộng đồng tại chỗ. Do vậy tiềm ẩn nguy cơ đất canh tác bị bán, đổi và nhất là qui hoạch của các nông lâm trường phá vỡ quĩ đất canh tác của các cộng đồng. Kinh phí đầu tư cho công tác ĐCĐC hạn hẹp và dàn trải, mang tính hỗ trợ là chủ yếu trong khi thực tế lại cần sự đầu tư đủ mạnh. Trong 13 năm (từ 1990-2002), bình quân đầu tư cho một hộ đồng bào diện ĐCĐC được khoảng 4 triệu đồng/hộ, bao gồm cả đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.
Qua tìm hiểu lịch sử của chính sách ĐCĐC cho thấy sự nhận thức còn chưa đầy đủ, chưa nghiên cứu một cách đồng bộ trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức thực hiện, nhiều nơi thực hiện theo phong trào nhằm hoàn thành những chỉ tiêu định trước. Ngay cả việc xác định đối tượng cụ thể đôi lúc cũng không được rõ ràng, kéo theo đó là các biện pháp giải quyết cũng không triệt để. Vì lí do đó mà hệ thống tổ chức làm công tác ĐCĐC cũng biến động liên tục, không ổn định về lực lượng, cán bộ chuyên môn quản lý, chức năng nhiệm vụ và cũng “du cư” như tính chất đối tượng tác động. Những sự thay đổi đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện công tác ĐCĐC.
Những tác động, ảnh hưởng tình hình du canh du cư và định canh định cư ở Việt Nam hiện nay.
Quá trình phát triển đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong thực tiễn đời sống đối với vấn đề du canh, du cư. Đó là sự thay đổi của phương thức và kỹ thuật sản xuất. Đây được xem là sự thay đổi quan trọng đối với các cộng đồng DCDC. Từ phương thức truyền thống phát, đốt, trọc chỉa chuyển sang canh tác nương rẫy cố định, khai hoang đồng ruộng; từ trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày (cây ăn quả), từ trồng lúa nương sang trồng lúa nước, từ chưa bao giờ sử dụng sang sử dụng phân bón cho cây trồng, từ quảng canh sang thâm canh thực sự là cuộc “cách mạng” trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động của người dân.
- Quá trình thị trường hoá trong sản xuất nông nghiệp: Gần đây, quá trình này đã thúc đẩy sản xuất của hộ gia đình và cộng đồng với cơ cấu và mô hình sản xuất mới như vườn nhà, vườn đồi rừng, sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc lớn, giống mới và tiến bộ kỹ thuật cùng nhiều hoạt động khác làm tăng thu nhập. Nhiều vùng sản xuất hàng hoá mang tính tập trung hình thành, mô hình kinh tế đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng có những bài học thất bại hoặc không còn phát huy hiệu quả như trồng mơ lai, mận tam hoa và việc trồng cây hồi, quế một cách tràn lan không tính đến điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều điểm ĐCĐC đã làm cho đời sống của người dân gặp thêm khó khăn.
- Tác động của chính sách rừng và đất đai: Luật Đất đai ra đời năm 1993 và sau những lần điều chỉnh gần đây đã tạo ra cơ sở tốt hơn cho việc quản lý đất đai nói chung cũng như điều kiện sản xuất cho kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc thành lập các nông lâm trường trước đây và mở rộng các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, rừng đầu nguồn, phòng hộ cần được bảo vệ cho hàng loạt các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi đã làm cho quĩ đất canh tác ngày càng trở nên hạn hẹp.
- Sự thay đổi của hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Hệ thống, mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, thú y viên đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất cho người dân; cùng với đó là hệ thống cung cấp giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau cũng đã góp phần thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Bên cạch đó, Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ như: khuyến nông, trợ giá trợ cước, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chính sách đối với các trạm, trại và doanh nghiệp thương mại theo Nghị định 20/CP và Nghị định 02/CP của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi. Tuy nhiên những tác động trên mới phát huy hiệu quả ở những nơi đã được ĐCĐC tương đối tốt, thuận tiện đường giao thông, giao lưu hàng hoá. Những điểm vùng sâu, hệ thống hỗ trợ dịch vụ sản xuất còn yếu, một bộ phận người dân chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, không đủ tiền để mua phân bón, giống mới, tư thương đóng vai trò chính trong mạng lưới cung cấp, phân phối thì tình trạng du canh trở nên phổ biến hơn. Người dân vẫn có xu hướng áp dụng các biện pháp truyền thống trong sản xuất.
- Sự thay đổi và tác động của yếu tố dân số: Tập quán du canh và dân số có mối liên hệ chặt chẽ. Trước đây dân số ít, áp lực lên đất đai chưa nhiều, du canh còn có thể là hình thức thích hợp với một số cộng đồng dân cư ở một số vùng nhưng chỉ ở mức độ duy trì cuộc sống. Cùng với sự phát triển là quá trình gia tăng dân số tự nhiên, với tỷ lệ trên 2% /năm và gia tăng cơ học lớn. Các cuộc khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở phía Bắc những năm đầu thập kỷ 60; xây dựng các nông lâm trường và vùng kinh tế mới, điều chuyển dân cư, nhập cư, di cư tự do ở phía Nam, nhất là ở Tây Nguyên những năm cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 đã tạo nên sức ép lớn đối với đất đai. Trong khi đó các cộng đồng dân cư tại chỗ không kịp thích ứng với quá trình thay đổi này cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng DCDC và nhu cầu cần hỗ trợ ĐCĐC mới.
Một số khuyến nghị trong chính sách định canh định cư và ổn định dân di cư tự do ở nước ta hiện nay.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản tình trạng DCDC và di cư tự do trên phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, cần thống nhất những quan điểm cơ bản sau:
- Xác định đúng đối tượng ưu tiên để có những giải pháp và bước đi phù hợp với từng vùng, từng nhóm dân tộc cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ phong tục tập quán, đặc điểm văn hoá và xu hướng phát triển của các nhóm dân tộc này; tiến hành dứt điểm, tập trung cho những vùng trọng điểm như vùng trọng yếu về tình trạng DCDC (khu vực miền núi phía Bắc), vùng dễ bị thiên tai, vùng biên giới, vùng nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội.
- Phải gắn với bảo vệ rừng, đất, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống; gắn chặt lợi ích của người dân với vấn đề bảo vệ tài nguyên kể cả phương án cân đối lương thực ở mức phù hợp để hỗ trợ người dân bảo vệ rừng, có thể sống dựa vào rừng thay vì phải mở rộng các điều kiện sản xuất lương thực khác.
- Phải gắn với quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách và bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương; cải tiến chế độ kiểm tra, giám sát, thông tin số liệu, báo cáo kịp thời và sát thực với tình hình thực tiễn; tăng cường chế độ đãi ngộ chính sách cho người làm công tác ĐCĐC, xoá đói giảm nghèo đi cùng với yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ.
Về hướng tiếp cận xây dựng chính sách nên theo các nhóm đối tượng định canh định cư và di cư tự do.
- Nhà nước cần qui định cụ thể về mặt pháp lý để người dân thụ hưởng các quyền lợi cơ bản nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, kể cả việc di chuyển lao động làm việc tại các nông lâm trường, bình đẳng như người Kinh; không qui định thực hiện chính sách hỗ trợ riêng cho các nhóm này, chủ yếu công nhận quyền về mặt pháp lý.
- Bộ phận di cư vào những vùng nằm trong qui hoạch phát triển kinh tế hoặc bị cho là bất hợp pháp, nhưng đến nay khu vực đó đã ổn định, không có tranh chấp lớn, đời sống người dân đã ổn định thì công nhận quyền hợp pháp cho người dân, lập điểm dân cư mới và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống..
- Bộ phận sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, có nguy cơ di cư (chủ yếu ở nơi đi) thì ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng những hạng mục cần thiết, đặc biệt là nước ăn và thủy lợi cho sản xuất, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, việc làm, tạo thu nhập để cải thiện đời sống.
Khuyến nghị là nên qui định một chính sách để giải quyết đồng bộ các nhóm đối tượng trên, bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp. Với mỗi nhóm đối tượng, chính sách qui định cụ thể; các địa phương tiến hành rà soát, phân loại rõ để có cơ sở và điều kiện thực hiện.
Cần nâng định mức chính sách định canh định cư về đầu tư hạ tầng, định mức hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đời sống cho hộ gia đình. Ưu tiên định canh định cư xen ghép theo hình thức hộ gia đình và nhóm hộ gia đình vừa bền vững vừa tăng hiệu quả đầu tư, người dân sớm ổn định cuộc sống. Cần tăng định mức cho các xã để giải quyết định canh định cư xen ghép. Phần kinh phí này để giải phóng mặt bằng, mua, tạo đất sản xuất, ngoài ra hỗ trợ cải tạo hạ tầng phục vụ dân sinh cho hộ định canh định cư.
Chính sách hỗ trợ các điểm dân cư có nguy cơ di cư, các điểm đến di cư tự do cần qui định rõ nội dung, cơ chế. Qui định giải quyết đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, chính sách hỗ trợ chung khác đối với các nhóm di cư tự do...
Công tác ĐCĐC được hình thành và thực hiện 40 năm qua ở miền núi nước ta đã đem lại những thay đổi nhiều mặt trong đời sống nhiều cộng đồng dân cư, thể hiện tính ưu việt và sự quan tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là một quá trình phản ánh sự phát triển của nhận thức, quản lý trong thực hiện công tác ĐCĐC, phù hợp dần với xu thế phát triển và công cuộc đổi mới của đất nước. Trước những yêu cầu của tình hình thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển, công tác định canh định cư cần tiếp tục được nghiên cứu để thực hiện tốt hơn, giải quyết một cách cơ bản tình trạng du canh du cư và di cư tự do, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 24, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về “Công tác dân tộc” và Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI đã đề ra.
ThS. Nguyễn Lâm Thành
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
[TT: PLN]