Thực trạng hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng

02:55 07/08/2013 Lượt xem: 1943 In bài viết

Lãng phí nhà văn hóa cộng đồng

Tỉnh Đắk Nông có 133 nhà văn hóa cộng đồng tại các thôn, buôn, bon song có đến 70/133 (chiếm 52,63%) nhà văn hóa xuống cấp, hư hỏng. Điển hình như ở huyện Krông Nô, hầu hết 20 nhà văn hóa đã xuống cấp, trong đó có 8 nhà văn hóa gần như không hoạt động. Tại xã Quảng Phú, trong hai năm 2004 - 2005, đã đầu tư xây dựng 6 nhà văn hóa tại các buôn Sứk, buôn Dơng, bon Ktắk, bon Phe Ja Đắk Nui, bon Phe Ja Đắk Doh, bon Rbút, với tổng kinh phí xây dựng là 607,19 triệu đồng, được trang bị tủ sách, bàn, ghế làm việc, dàn âm thanh, bộ chiêng… nhưng qua giám sát cho thấy, hầu hết các nhà văn hóa trên địa bàn xã đều hoạt động kém hiệu quả, trong đó có 3 nhà văn hóa đã không hoạt động từ nhiều năm nay.

Nhà văn hóa xuống cấp, không sử dụng được cũng là thực trạng đang diễn ra tại Đồng Nai. Điển hình như nhà văn hóa dân tộc ChơRo (ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) với diện tích hơn 9.900m2. Do nằm xa khu dân cư, đi lại khó khăn, nên nhà văn hóa chủ yếu chỉ để tổ chức lễ hội cúng thần Lúa (mỗi năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch), còn lại gần như cửa đóng, then cài. Năm 2007, huyện Vĩnh Cửu mới có dịp mời nghệ nhân về dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên dân tộc ChơRo tại nhà văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ duy trì được 1 năm rồi ngừng hẳn vì thiếu kinh phí và đến năm 2009 chính thức đóng cửa. Không người trông coi, không được bảo quản, cỏ dại mọc tràn lan, nhiều phần của căn nhà bị hư hỏng nặng nên nhà văn hóa này đã “chuyển qua” làm thư viện của Uỷ ban nhân dân xã.

Nhà văn hóa ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai), được xây dựng từ năm 2002. Đây có thể coi là nhà văn hóa dân tộc hoạt động sôi nổi, thiết thực nhất ở địa phương. Hàng năm, các hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức tại đây và là nơi sinh hoạt của thanh niên vào tối thứ 7 hàng tuần; mở lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng; lớp học đánh cồng chiêng. Ngoài ra, còn là nơi tổ chức chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc Châu Mạ để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời là thư viện trưng bày 80 hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tương tự, tỉnh Đắk Lắk hiện đã xây dựng mới trên 570 nhà văn hóa cộng đồng ở 605 bon, buôn. Tuy nhiên, qua khảo sát, toàn tỉnh chỉ có 30% nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tốt các hoạt động; số còn lại hoạt động trung bình hoặc yếu kém. Thậm chí, có nhiều nhà văn hóa cộng đồng tổ chức khánh thành khá rầm rộ, nhưng sau đó đóng cửa không hoạt động, gây nhiều lãng phí.

Tỉnh Gia Lai xây dựng được 749 nhà văn hóa cộng đồng, mức đầu tư bình quân 100 triệu đồng/nhà, chưa kể kinh phí mua trang thiết bị như bàn ghế, loa, âm thanh... Tuy nhiên, phần lớn các nhà sinh hoạt cộng đồng chưa phát huy tác dụng thiết thực. Hiện tại có khoảng 150 nhà văn hóa sử dụng kém hiệu quả hoặc không đưa vào sử dụng do trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thiếu, diện tích còn quá nhỏ không đủ chỗ sinh hoạt cho cộng đồng. Gần 600 nhà văn hóa còn lại thường xuyên được sử dụng vào mục đích họp dân, tổ chức văn nghệ, hội thao trong các ngày lễ, kết hợp làm các lớp dạy mẫu giáo...

Đâu là nguyên nhân

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các địa phương thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Trung ương và tỉnh. Quy hoạch, đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, nhiều nhà văn hóa cách xa khu dân cư, không thuận lợi, không có điện sinh hoạt, thiếu cây xanh, bóng mát, sân bãi lầy lội, kiến trúc, kiểu dáng đơn điệu, chưa thực sự thích hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của từng dân tộc…

Ví dụ từ Đắk Lắk, bình quân mỗi nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư xây dựng trên 110 triệu đồng, nhưng xây xong không ai quản lý. Cụ thể, các nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar), buôn Jút, buôn K’Mang, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng)... được đầu tư trên 120 triệu đồng/nhà văn hóa và nhiều trang thiết bị: Âm thanh, ti vi, bàn ghế... nhưng vì không phù hợp với tập quán của đồng bào Ê Đê nên bà con không đến sinh hoạt, các nhà văn hóa này đành đóng cửa. Khi được hỏi, các già làng Ama Liêng, buôn Xóm A, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), già làng Ama Ne, ở Buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar) đều cho biết: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng cho các buôn làng nhà văn hóa cộng đồng to, đẹp đấy, nhưng do xây dựng không đúng theo phong tục tập quán của đồng bào Ê Đê mình nên không ai đến sinh hoạt đâu... ”. Còn nhà văn hóa cộng đồng ở buôn Drao, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’Gar) được đầu tư xây dựng trên một khuôn viên khá rộng, thiết kế nhà được mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà dài của đồng bào Ê Đê, nhưng ngoài mấy chiếc quạt máy cũ kỹ, hầu hết các đồ dùng nội thất phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào đều thiếu thốn. Anh Y Bhem Niê, Trưởng buôn Drao bức xúc nói: “Nhà văn hóa thì xây to đẹp, hoành tráng, nhưng trong “ruột” thì chẳng có thứ gì ...”. Ở Đắk Lắk, nhiều nhà văn hóa thiếu trang thiết bị, có nơi còn chưa có phông màn, chưa có cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ... ảnh hưởng rất lớn và hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động. Một số nhà văn hóa cộng đồng cũng không được quản lý, bảo vệ càng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng,... Tình trạng thiếu vật dụng, xuống cấp cũng đang diễn ra tại nhiều nhà văn hóa ở Đồng Nai. Theo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 9 nhà văn hóa cộng đồng đã được xây dựng, song vì thiếu kinh phí trùng tu, bảo dưỡng nên hiện một số nhà văn hóa đã xuống cấp, bỏ không. Các hiện vật trưng bày trong nhà văn hóa nghèo nàn, đơn điệu, một số vật dụng phải mượn của dân và Bảo tàng tỉnh. Thậm chí, nhà cộng đồng dân tộc ChơRo ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) dù có bộ chiêng nhưng chỉ là vật dụng để trưng bày, không sử dụng được. Mặt khác nhiều quy định còn chung chung, không tính đến đặc thù của từng vùng miền, chưa phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, thiếu trang thiết bị… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đầu tư và sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng còn thấp.

Việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, dạy nghề truyền thống, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Các hoạt động này góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều nhà văn hóa không được sử dụng gây lãng phí là một thực trạng đáng suy ngẫm và cần tìm giải pháp khắc phục.

TTX

[TT: PLN]