Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dưới góc nhìn bình đẳng giới

03:26 06/08/2013 Lượt xem: 2327 In bài viết

Xét ở một khía cạnh khác thì vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng lớn tới mục tiêu xây dựng gia đình mới: bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định tại Điều 8, Điều 10, bên cạnh đó Bộ Luật Hình sự còn có quy định và chế tài rất nghiêm khắc về tội tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Thực tế diễn ra cho thấy tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải và khó giải quyết trong bối cảnh hiện nay, nhất là vùng dân tộc, miền núi.

1. Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ: nữ thanh niên đủ 18 tuổi, nam thanh niên đủ 20 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Nhưng luật cũng cho phép nếu trường hợp nào kết hôn trước tuổi Luật quy định sẽ bị chính quyền địa phương phạt hành chính. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ sức răn đe bởi nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra khá phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào sống ở miền núi, vùng cao, vùng sâu - những nơi mà sự hiểu biết về pháp luật còn thấp và luật tục (kể cả luật tục, tập quán lạc hậu) còn tồn tại và có ảnh hưởng nhất định đối với đồng bào.

Những hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng dân tộc miền núi đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với chất lượng cuộc sống của chính những gia đình “trẻ con”, rộng hơn là của cộng đồng dân cư khu vực đó. Trước hết, việc kết hôn sớm ảnh hưởng đến thể chất và tâm sinh lý của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang bầu, rồi nuôi con khiến cơ thể người phụ nữ chưa kịp thích ứng, dẫn đến thoái hóa, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Việc phải nuôi con khi chưa đủ điều kiện sức khỏe và thiếu hiểu biết khiến nhiều em bé bị suy dinh dưỡng , còi cọc, dễ mắc bệnh là điều tất yếu.

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau những đám cưới tảo hôn nhiều khi khiến bố mẹ và các gia đình “trẻ con” phải còng lưng trả nợ. Không ít gia đình phải vay mượn, cầm cố nhà cửa, ruộng nương để làm đám cưới. Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này lâm vào hoàn cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và thiếu hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều trường hợp mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh nhau rồi ai đi đường lấy. Đau lòng hơn còn có những cặp lấy nhau quá sớm, chỉ vì những chuyện xích mích nhỏ, hiểu lầm nhau dẫn đến vợ hoặc chồng ăn lá ngón kết liễu cuộc đời, bỏ lại những đứa con bơ vơ không cha, không mẹ.

Một vấn đề nữa là ở vùng dân tộc, miền núi, đi kèm với nạn tảo hôn là tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Không hiếm những gia đình bố mẹ mới chỉ ngoài 20 tuổi mà lít nhít 3, 4 đứa con. Điều dễ nhận thấy ở hầu hết những gia đình như vậy, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu ăn, thiếu học. Tình trạng này kéo dài thì những đứa trẻ đó khi lớn lên cũng sẽ lại trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ con. Nghèo đói, trẻ con không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần là tất yếu.

Vấn đề hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ở vùng dân tộc, miền núi có chiều hướng gia tăng, càng làm cho tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng phát triển. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở riêng địa phương nào mà còn là hiện tượng phổ biến của đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước. Vì thế ngăn chặn và hướng đến loại bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cần sự kiên quyết và đồng bộ của các cấp, các ngành và nhất là trong ý thức mỗi người dân.

Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Công dân các dân tộc được hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện nhưng cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Ngoài yếu tố đạo đức và phong tục, việc cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ nhằm duy trì sự phát triển của thế hệ sau là cần thiết. Nhưng vấn đề kết hôn cận huyết khó tiếp cận, quản lý hơn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể xem đây là hủ tục vì trình độ dân trí thấp, dân cư thưa thớt, điều kiện sống khó khăn, giao thông cách trở, đồng bào chưa hiểu rõ những hậu quả mà hôn nhân cận huyết thống gây ra.

Theo PGS.TS Trần Đức Phấn - Trưởng bộ môn Sinh Y học và Di truyền, Đại học Y Hà Nội: “Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gen lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như: hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD (Enzim bảo vệ tế bào), tan máu bẩm sinh (Thalassemia), trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và ở vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc di truyền như bệnh mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt phổ biến là căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, với hai thể bệnh tan máu bẩm sinh…”

2. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dưới góc nhìn bình đẳng giới (BĐG)

2.1. Các quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới

Vấn đề BĐG và giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu to lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được khẳng định trong các văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, trong Hiến pháp qua các thời kỳ và được thể chế hóa trong hầu hết các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt chính sách về dân tộc thiểu số và phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm sâu rộng bởi đây là một trong những tiền đề cho sự phát triển bền vững. Hơn thế, điều này thể hiện tầm nhìn xa và chiến lược phát triển đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Ban hành Luật Bình đẳng giới để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã có chương trình hỗ trợ để phụ nữ nâng cao năng lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nhiều mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và nhận thức khác nhau vì thế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn là nỗi lo cho sự phát triển bền vững của các dân tộc trong cả nước. Ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục lạc hậu thì vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không thể giảm trong một sớm một chiều.

2.2. Giải pháp giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cùng với những chính sách, chương trình nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng nâng cao đời sống tinh thần ở những khu vực khó khăn. Đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Pháp lệnh Dân số, để người dân, nhất là những người ở độ tuổi vị thành niên, hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra mỗi xã, thôn, bản tăng cường các loại hình sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư, các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh để thu hút các bạn trẻ cùng tham gia. Ở các cụm dân cư nên thành lập điểm tư vấn về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mô hình tư vấn về bình đẳng giới, tư vấn giúp đỡ hỗ trợ đồng bào hiểu biết về pháp luật và những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chú trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…


Khuyến nghị, đề xuất

Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện tốt các chính sách về hôn nhân và gia đình, các cấp, các ngành cần phối hợp và phải: Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách về hôn nhân, gia đình và bình đẳng giới cho cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức chính trị xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách có nhiều bất lợi đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nghiên cứu ban hành những chính sách và quy định phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số từng khu vực, đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng các mô hình nhằm giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đưa nội dung giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường, học viện chính trị và các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân… nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần phát triển bền vững đất nước.

ThS. Nguyễn Thị Tư

Ủy viên BCH TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số- UBDT

[TT: PLN]