Xác định công trình dạy- học tiếng dân tộc Pa Kôh- Ta Ôih và Ka Tu

02:19 07/08/2013 Lượt xem: 943 In bài viết

1. Dân tộc Ta Ôih (gồm ba nhóm địa phương là Ta Ôih, Pa Kô và Pa Hi) có 41.295 người, hiện đang cư trú ở Thừa Thiên Huế (các huyện A Lưới, Phong Điền, Hương Trà), Quảng Trị (các huyện Hướng Hoá, Đak Krông), và một số ít sống ở một số huyện vùng biên (Xá Muội, Ta Ôi, Ka Lưm) của hai tỉnh Salavan và Sêkong, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Dân tộc Ka Tu (gồm ba nhóm địa phương là Ka Tu Yal (vùng cao), Ka Tu Yhâng (vùng trung), Ka Tu Phương (vùng thấp), có 50.458 người, hiện đang cư trú ở Quảng Nam (các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc), Đà Nẵng (huyện Hòa Vang), Thừa Thiên Huế (huyện Nam Đông, A Lưới). Một số ít sống ở một số huyện vùng biên (Đắc Chưng, Ka Lưm) của tỉnh Sêkong-Lào.

2. Tiếng dân tộc Ta Ôih và Ka Tu có nhiều phương ngữ. Trong một phương ngữ lại có nhiều thổ ngữ.

Trong tiếng dân tộc Ta Ôih có ba phương ngữ là Ta Ôih, Pa Kôh và Pa Hi. Phương ngữ Ta Ôih có 5 thổ ngữ: Kưk - Nâq ; kâk-Nóok; Nquăn - Ndô, Nék - Nê, Ngkân - Ng - ư. Phương ngữ Pa Kôh có 4 thổ ngữ: Kốh - Néh, Ngki - Nnen; Riêng phương ngữ Pa Hi nhất thống, không có thổ ngữ.

Trong tiếng dân tộc Ka Tu cũng có ba phương ngữ là Ka Tu Yal, Ka Tu Yhâng và Ka Tu Phương. Phương ngữ Ka Tu Yal nhất thống, không có thổ ngữ; Phương ngữ Ka Tu Yhâng có 3 thổ ngữ: Tawk - Mon, Teeng - Teém, Brơq - Mon. Phương ngữ Ka Tu Phương có 2 thổ ngữ: Ka Tu Phương đơn, Ka Tu Phương phức.

3. Nghiên cứu về các cấp độ ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ của dân tộc Pa Kôh-Ta Ôih và Ka Tu có đến hàng chục công trình nhưng liên quan đến việc dạy - học tiếng của hai dân tộc này gồm các công trình sau:

Đối với việc dạy - học tiếng Pa Kôh-Ta Ôih có: Bài ihoc cang Pacóh (Bài học tiếng Pacóh) của Cubuat and Richard Watson, SIL, Nxb Manila, 1976. Công trình này thể hiện được một cách căn bản về việc học tiếng (có âm, từ, câu, bài đọc) nhưng chưa phản ánh đầy đủ hệ thống ngữ âm (nhất là các âm đặc biệt), ngữ pháp; cơ sở tư liệu là thổ ngữ kếh - nâh, không mang tính đại diện cho phương ngữ Pa Kôh; chủ đề bài học chưa được phản ánh toàn diện; Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số của Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2002, 2003. Những công trình này, chủ yếu mang tính hỗ trợ trong việc học tiếng Việt của học sinh lớp 1, lớp 2 qua phương pháp đối chiếu, trực quan từ ngữ; cơ sở tư liệu cũng là thổ ngữ kếh - nâh Sách học tiếng Pakôh - Taôih của Giáo sư Hoàng Tuệ (chủ nhiệm) do UBND tỉnh Bình Trị Thiên phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban KHXH Việt Nam, xuất bản năm 1986. Công trình này phản ánh khá toàn diện hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và cơ bản đáp ứng điều kiện của việc dạy - học tiếng Pa Kôh-Ta Ôih (mặc dù các ví dụ minh họa đều là phương ngữ Pa Kôh). Cơ sở tư liệu được sử dụng là phương ngữ kốh - néh (ở hầu hết các xã nói tiếng Pa Kôh) và đây được xem là phương ngữ phổ thông vùng.


Ngôi trường vùng cao

Đối với việc dạy - học tiếng Ka Tu có: NÔÔQ PARAAQ KATU, Katu Dictionnary (Katu - Vietnamese - English) của Nancy A. Costello, SIL, NxB Manila, 1991. Công trình này chỉ là sự đối dịch từ ngữ, không có ngữ cảnh làm rõ vị trí, chức năng của từ hoặc ngữ trong giao tiếp; Tiếng Katu của Nguyễn Hữu Hoành - Nguyễn Văn Lợi, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998. Công trình này tuy thiên về nghiên cứu khoa học nhưng phản ánh khá toàn diện hệ thống ngôn ngữ, chữ viết. Đây được xem là tiếng chuẩn, có thể áp dụng cho tất cả người nói tiếng Ka Tu ở các vùng Ka Tu Yal và Ka Tu Phương; Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu của Bh’Riu Liếc, Sở VHTT tỉnh Quảng Nam, xuất bản năm 2006. Công trình là sự nỗ lực lớn của người con dân tộc Ka Tu, bên cạnh truyền tải tiếng nói, chữ viết là giới thiệu về đặc trưng văn hóa của bản địa. Tuy nhiên, công trình bộc lộ những hạn chế nhất định: không phản ánh được quy luật và đặc trưng ngữ âm, ngữ pháp; bộ chữ viết này dựa vào bộ vần và cách ghi của chữ Quốc ngữ; Từ điển Cơ tu - Việt, Việt - Cơ tu của Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, do Viện Ngôn ngữ học và Sở KHCN Quảng Nam phối hợp xuất bản năm 2007. Đây là công trình đối dịch song ngữ, có ngữ cảnh làm tường minh vị trí, chức năng của từ, ngữ được đối dịch; Pơraq Kơtu (Tiếng Cơtu) của Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông do Viện Ngôn ngữ học và sở KHCN Quảng Nam phối hợp xuất bản năm 2006. Công trình này, tuy bộ chữ viết dựa vào bộ vần và cách ghi của chữ Quốc ngữ nhưng cơ bản đáp ứng điều kiện của việc dạy - học tiếng Ka Tu; thể hiện đầy đủ âm - vần trong từ của tiếng Ka Tu.

4. Những phân tích ưu điểm và nhược điểm cơ bản của mỗi công trình nêu trên phần nào hé lộ công trình mang tính vượt trội cho mỗi thứ tiếng tương ứng. Tuy nhiên, để xác định công trình dạy - học tiếng dân tộc Pa Kôh - Ta Ôih và KaTu thì công trình đó cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:

4.1. Phản ánh đặc điểm loại hình, ngữ âm

Về phương diện loại hình, tiếng Pa Kôh-Ta Ôih và Ka Tu cũng như nhiều ngôn ngữ Mon-Khmer ở Việt Nam thuộc loại hình các ngôn ngữ đơn lập, tiểu loại hình “cổ”. Đặc điểm chung của tiểu loại hình này là ngôn ngữ chưa có thanh điệu, trong vỏ ngữ âm của từ còn tồn tại các cấu trúc đa tiết, trong đó âm tiết cuối từ là âm tiết mang trọng âm từ...

Về phương diện ngữ âm, trong tiếng Pa Kôh-Ta Ôih (nhất là Ta Ôih) và Ka Tu hiện còn tồn tại khá nhiều kiểu, dạng khác nhau của tiền âm tiết. Rất nhiều âm tiết có cấu tạo CVC (trong đó C: phụ âm; V: nguyên âm) nhưng đặc điểm và nguồn gốc của phụ âm cuối trong tiền âm tiết rất khác nhau.... Trong Sách học tiếng Pa Kôh – Ta Ôih và Pơraq Kơ Tu (Tiếng Cơ Tu) cũng như tiếng Ka Tu đều đã thể hiện rõ loại hình ngôn ngữ và đủ hệ thống ngữ âm vừa nêu. Điều này giúp người dạy và người học có cơ sở vững chắc cho việc soạn giảng và tiếp thu, lĩnh hội kiến thức tiếng của các dân tộc tương quan.

4.2. Phản ánh đặc điểm ngữ pháp

Về ngữ pháp, một trong những phương thức được xem là đặc trưng trong cấu tạo từ ở tiếng Pa Kôh - Ta Ôih và Ka Tu (kể cả Bru Vân Kiều) thường được nhắc đến, là phương thức phụ tố. Tuy nhiên, các phương thức cấu tạo từ khác như ghép, láy, biến âm cũng đóng vai trò nhất định trong việc tạo sức sản sinh cho từ của những ngôn ngữ này. Có thể, số lượng trong từng từ loại không nhiều như tiếng Việt nhưng từ trong tiếng Pa Kôh-Ta Ôih và Ka Tu cũng được phân thành danh từ, động từ, tính từ, đại từ, số từ, phụ từ, từ nối, từ đệm,... và có các nhóm danh từ, nhóm động từ, nhóm tính từ.

Về cú pháp, có thể nhận xét chung là hệ thống các hư từ trong tiếng Pa Kô - Ta Ôih và Ka Tu không nhiều. Trật tự các từ ngữ trong câu, về cơ bản cũng vẫn theo mô hình chung là CVB (chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ), tuy rằng trong nhiều trường hợp, do sự xuất hiện của phụ tố mà trật tự này có thể bị thay đổi... Câu trong tiếng Pa Kôh-Ta Ôih và Ka Tu cũng được phân chia theo cấu tạo ngữ pháp hoặc mục đích phát ngôn nên có câu đơn, câu ghép hoặc câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán.

Trong Sách học tiếng Pa Kôh - Ta Ôih và Tiếng Ka Tu cùng với việc liệt kê đầy đủ các phương thức cấu tạo từ và từ loại, đã nêu bật phương thức cấu tạo từ đặc trưng (phụ tố) có trong tiếng của Pa Kôh - Tà Ôih và Ka Tu với số lượng phụ tố phong phú và cũng đều chỉ có tiền tố và trung tố cấu tạo từ. Đồng thời, hai công trình trình bày khá chi tiết về hệ thống hư từ. Tuy nhiên, các phương thức cấu tạo từ còn lại (ghép, láy, biến âm) chưa được phân tích toàn diện; trật tự các từ ngữ trong câu có sự xuất hiện của phụ tố không được đề cập. Với Pơraq Kơ Tu (Tiếng Cơ Tu) nét nổi bật dễ nhận thấy là vị trí và cách kết hợp của các âm, vần trong từ, ngữ và cũng chỉ ra những mô hình câu có trong tiếng Ka Tu. Nhưng thiếu sự tường minh vị trí từ ngữ trong câu.

4.3. Phản ánh tính phổ thông trong hệ thống chữ viết

Trước năm 1975, tổ chức SIL (The Summer Institute of Linguistics - Viện Ngôn ngữ học mùa hè) đã chế tác ra chữ Pa Kô - Ta Ôih và Ka Tu. Đây là một hệ thống chữ ghi âm, tự dạng Latin. Mặc dù đã thể hiện được cách và ký hiệu ghi các âm cơ bản nhưng chưa đầy đủ, nhất là các âm đặc biệt trong tiếng Pa Kô - Ta Ôih và Ka Tu chưa được xác định.

Những năm 50 của thế kỉ XX, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, bộ chữ viết ghi tiếng Pa Kôh (cũng được dùng để ghi tiếng Ta Ôih) và Ka Tu đã được chế tạo bởi giáo viên miền xuôi và cán bộ bản ngữ ( Bộ chữ Pa Kôh do ông Hồ Ngọc Mỹ tức Ku Nô) chế tạo; bộ chữ Ka Tu do Cónh Ta Lăng (tức Lê Hồng Mao chế tạo). Về cơ bản, bộ chữ viết này dựa vào bộ vần và cách ghi của chữ Quốc ngữ kết hợp với cách dùng một vài con chữ kết hợp với dấu phụ để ghi các âm đặc biệt trong tiếng Pa Kô - Ta Ôih và Ka Tu. Trong quá trình sử dụng, bộ chữ viết này bộc lộ một số nhược điểm trong cách dùng các kí hiệu ghi âm. Dù sao, trong những năm kháng chiến chống Mĩ, bộ chữ này đã có vai trò lớn trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng ta tới người Pa Kôh - Ta Ôih và Ka Tu thông qua việc in báo, tờ rơi ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

4.4. Phản ánh bố cục khung của chương trình dạy - học tiếng

Tùy thành phần, trình độ, lứa tuổi... của người học mà chương trình dạy - học tiếng được xây dựng, nhưng bố cục khung cần đáp ứng gồm có 3 phần: Bài đọc dạng song ngữ (tiếng bản ngữ và tiếng Việt); Hướng dẫn học (ngữ âm, từ ngữ, hội thoại, ngữ pháp); Luyện tập (phát âm, đọc từ, cấu trúc câu và nghe). Bài đọc thể hiện đầy đủ chủ đề về kinh tế - đời sống, văn hóa - xã hội, chính trị, quốc phòng an ninh.

Sách học tiếng Pakôh - Taôih, thể hiện 9 chủ đề với 62 bài học dạng song ngữ sau khi tập trung làm rõ đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp và chữ viết. Nhưng việc hướng dẫn học và luyện tập trong từng bài học chưa được thực hiện. Còn đối với Tiếng Katu tuy đã nêu bật được đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp nhưng thiếu hẳn bài học kéo theo cả các phần bài đọc, hướng dẫn, luyện tập và chữ viết lại được ghi ở dạng âm. Sự thiếu khuyết ấy được bù lắp bởi Pơraq Kơtu (Tiếng Cơtu), gồm có 7 chủ đề với 90 bài học. Tuy một vài nguyên âm và phụ âm được ghi theo chữ Quốc ngữ nhưng có thể chọn chữ viết trong Pơraq Kơtu (Tiếng Cơtu) làm cơ sở cho việc dạy - học tiếng Ka Tu. Như vậy, từ những minh chứng đáp ứng các điều kiện dạy và học tiếng cho các dân tộc liên quan vừa được trình bày, người viết đề xuất: Sách học tiếng Pa Kôh - Ta Ôih của GS. Hoàng Tuệ (chủ nhiệm) do UBND tỉnh Bình Trị Thiên phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban KHXH Việt Nam, xuất bản 1986 cho việc dạy và học tiếng Pa Kôh-Ta Ôih; Sách Pơraq Kơ Tu (Tiếng Cơ Tu) của Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông do Viện Ngôn ngữ học và Sở KHCN Quảng Nam phối hợp xuất bản năm 2006 và kết hợp sách Tiếng Ka Tu của Nguyễn Hữu Hoành -Nguyễn Văn Lợi, NXB KHXH, Hà Nội, 1998 cho việc dạy và học tiếng Ka Tu.

Sự dạy - học nói chung, dạy - học tiếng nói riêng là một quá trình lâu dài. Vì vậy, ở từng giai đoạn và đối tượng cụ thể, cần tiến hành điều chỉnh, bổ khuyết chương trình dạy - học tiếng một cách phù hợp và hiệu quả.

TS. Nguyễn Thị Sửu

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên- Huế

[TT: PLN]