Giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc Khmer
03:24 07/08/2013 Lượt xem: 878 In bài viếtViệt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc. So với người Kinh, mức độ nghèo của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Khmer sâu sắc hơn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào nghèo vùng Tây Nam bộ nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nghèo nói riêng. Nhờ đó đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.Tuy nhiên, kết quả xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng chưa bền vững; tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh nghèo hàng năm còn cao; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa dân tộc này với dân tộc khác trong vùng chưa được thu hẹp. Theo số liệu của Vụ Tôn giáo - Dân tộc thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tính đến 02/2011, số hộ nghèo người Khmer là 72.084 hộ, chiếm 18,39% tổng số hộ nghèo toàn vùng. Từ thực trạng đói, nghèo và công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam bộ thời gian qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững:
Nhóm giải pháp phát triển kinh tế- xã hội
Một là, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Triển khai và thực hiện tốt chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong vùng. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi lồng ghép với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở những địa bàn dân tộc thuộc Chương trình 135 và Chương trình xây dựng Nông thôn mới nhằm chủ động nước tưới, tiêu úng chống ngập lụt bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh với trình độ kỹ thuật ngày càng cao. Đẩy mạnh điện khí hoá và xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, chợ, trường học, bệnh viện và các trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật tại các trung tâm huyện, thị và các cụm dân cư theo quy hoạch đô thị vừa phục vụ sản xuất vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đi đôi với tăng cường tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ hộ Khmer nghèo phát triển sản xuất.
Đặc trưng kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer là thuần nông nhưng đa số hộ nghèo có diện tích đất sản xuất rất hạn hẹp, manh mún, năng suất thấp, thu nhập không ổn định. Do đó, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn cần đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động đối với các hộ Khmer nghèo.
Trên cơ sở định hướng phát triển sản xuất cần điều tra chính xác về tư liệu sản xuất, nguồn lao động, điều kiện thổ nhưỡng, năng lực sản xuất…của các hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer để xác định mô hình sản xuất, sản phẩm; hướng dẫn cách thức sản xuất; các chính sách hỗ trợ... giúp người nghèo làm ăn có hiệu quả và thoát nghèo, tiến lên khá giả bằng chính việc làm của mình. Tổ chức lại sản xuất dưới hình thức những nhóm liên kết, hợp tác xã với cách thức sản xuất mới. Sự liên kết các cá thể kinh tế (hộ nông dân Khmer nghèo) sẽ tạo sức mạnh đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, phát huy kinh nghiệm - kỹ năng nông nghiệp… góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường; hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất; tư vấn về thị trường để giải quyết đầu ra của sản phẩm. Mặt khác, cần tạo ra môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, hộ cá thể đầu tư vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để xây dựng doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…tạo ra nhiều việc làm thu hút lao động người dân tộc. Có chính sách hỗ trợ (miễn giảm thuế, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu…) đối với những doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn và sử dụng nhiều lao động người dân tộc Khmer nhằm huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương, nhập xưởng bất nhập thành”.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với hộ Khmer nghèo:
+ Hỗ trợ đất sản xuất, phương tiện sản xuất.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015.
Ở những nơi không còn quỹ đất, chính quyền địa phương tổ chức cho người lao động chuyển đổi ngành nghề bằng cách đào tạo nghề, thu hút lao động vào các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương hoặc cung cấp lao động cho các khu công nghiệp ở các vùng khác. Với những đối tượng không có đất sản xuất, các địa phương có thể ưu tiên hỗ trợ vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ hoặc tự tạo việc làm để tăng thu nhập.
+ Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và cận nghèo.
Đổi mới cơ chế cho vay, hướng chủ yếu vào cho vay trung hạn, dài hạn để đầu tư phát triển các dự án, nhất là các dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phương hướng quy hoạch mới. Áp dụng tín chấp thông qua các tổ chức đoàn thể, nhóm tín dụng, tiết kiệm, nhóm tương trợ tự nguyện góp phần tiết kiệm chi phí xã hội cho Nhà nước, đồng thời giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tín dụng ngân hàng. Trên thực tế, ở các vùng nông thôn Tây Nam bộ có nhiều chương trình, nguồn vốn đầu tư với quy mô và thời gian khác nhau nên cần phối hợp để không dàn trải, manh mún, tạo điều kiện giảm nghèo thực chất, vững chắc.
+ Nâng cao hiệu quả, phát huy mô hình liên kết “bốn nhà” giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản về sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản.
Đối với Nhà nước (Nhà quản lý): Với vai trò tổ chức và điều phối cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ, giúp đỡ nhằm gắn kết lợi ích và phát huy tính hiệu quả thông qua việc tạo thuận lợi về hành lang pháp lý; có chính sách và kế hoạch cụ thể cho sự liên kết. Đối với nhà khoa học: Đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các loại giống, máy móc, công nghệ chế biến và bảo quản... phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm đem lại hiệu suất cao, giúp nông dân thay đổi cách thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trước mắt, cần có sự đầu tư đúng mức, tập trung nghiên cứu tư vấn phát triển sản xuất ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thuộc các tỉnh vùng Tây Nam bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu…Đối với nhà doanh nghiệp: Tranh thủ sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành, có chiến lược phát triển cụ thể và dài hạn; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân nhằm đảm bảo nguồn cung ứng bền vững. Đối với nhà nông: Bản thân hộ nghèo dân tộc Khmer cần thay đổi tư duy và tập quán sản xuất tự phát; nâng cao ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, thực thi các hợp đồng kinh tế; năng động liên kết thành lập các câu lạc bộ, hội nhóm nông dân sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thuận lợi cho việc tiếp nhận, thụ hưởng chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước và nhà khoa học.
+ Tăng cường hỗ trợ ứng dụng, triển khai kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng, năng suất tiến tới sản xuất hàng hóa; triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất và tình hình thực tế của từng địa phương, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Ba là, phát triển các làng nghề truyền thống. Đồng bào Khmer có nhiều làng nghề gắn với nghề truyền thống của tộc người như: Dệt thổ cẩm; mộc (điêu khắc, chạm trổ, đóng thuyền, chế tác nhạc cụ truyền thống...); dệt chiếu; nghề gốm; đan lát; nấu đường thốt nốt; làm cốm dẹp…. không chỉ thể hiện phong tục, tập quán giàu bản sắc mà nhiều nghề còn là sinh kế của một bộ phận đồng bào. Hiện nay một số ngành nghề truyền thống có chiều hướng mai một. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển những nghề truyền thống (về vốn, đào tạo nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tiến công nghệ truyền thống…) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người nghèo đồng thời bảo tồn những giá trị văn hoá dân tộc độc đáo. Vấn đề đặt ra là cần khảo sát, sàng lọc, lựa chọn, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống có hiệu quả, kết hợp với phát triển làng nghề mới phù hợp tập quán, trình độ phát triển của đồng bào dân tộc Khmer đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với những sản phẩm vừa phát huy giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc vừa có khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Bốn là, thực hiện tốt Chính sách an sinh xã hội. Cần tiếp tục mở rộng diện bao phủ và mức thụ hưởng, đa dạng hóa chế độ an sinh; nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội để các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhanh chóng ứng phó với những biến cố và rủi ro gặp phải; bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người dân tộc Khmer nghèo (giáo dục tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch, thông tin...).
Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc Khmer còn thấp so với mức trung bình trong vùng và khoảng cách này có xu hướng ngày càng gia tăng. Do đó, phát triển nguồn nhân lực là một mục tiêu chính, có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer; là sự đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai.
- Về phát triển giáo dục.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính sách phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong vùng nói chung và đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Nâng cao nhận thức cho đồng bào về vai trò của học vấn đối với tăng thu nhập, khả năng tiếp cận các dịch vụ, nhằm giảm nghèo hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp; xây dựng trường dân tộc nội trú ở các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer; triển khai có chất lượng chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; tiếp tục thực hiện hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho con em dân tộc thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; miễn, giảm học phí cho con em dân tộc đang học ở các trường nghề, các cấp học trung học, cao đẳng và đại học; thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục trung học phổ thông trong đồng bào dân tộc Khmer. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ là người dân tộc Khmer ở các cấp học; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cử tuyển, chính sách đối với học sinh dân tộc ở các trường nội trú và các trường phổ thông khác. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, vận động các tổ chức, hội đoàn thể tạo điều kiện cho con em hộ nghèo đến trường bằng nhiều hình thức: hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập, sách, vở, phương tiện đi lại...
- Về đào tạo nghề
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập; làm thay đổi căn bản nhận thức của người lao động về mục đích, ý nghĩa của việc học nghề trong thị trường lao động hiện tại và tương lai thông qua việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể về công tác đào tạo nghề. Liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước (các cấp chính quyền địa phương, cơ quan làm công tác dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) với cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Nhà nước đóng vai trò ban hành các chính sách khuyến khích; doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động; cơ quan làm công tác dân tộc, cơ sở dạy nghề phối hợp với doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp (về nghề, số lượng, trình độ, mức độ kỹ năng....) để tổ chức đào tạo phù hợp, đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp, tránh việc đào tạo theo nhu cầu của lao động và của cơ sở dạy nghề. Đẩy mạnh khuyến khích lao động người dân tộc Khmer tham gia học nghề thông qua những mô hình kinh tế hiệu quả, mô hình sản xuất điểm, hướng dẫn họ làm theo, chú trọng những mô hình đem lại thu nhập nhanh giúp giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt để yên tâm học nghề. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề phong phú, phù hợp với đối tượng, ngành nghề cần phát triển ở mỗi địa phương. Khuyến khích xã hội hoá công tác đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người học nghề.
Nhóm giải pháp đầu tư, phát triển du lịch gắn với văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer
Vùng Tây Nam bộ có kho tàng văn hoá đa dạng; đặc biệt văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer rất lý tưởng cho phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc, tôn giáo, ẩm thực và làng nghề. Từ thực tế, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với đồng bào dân tộc Khmer về những xu hướng mới phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, trong đó có phát triển du lịch, dịch vụ gắn với văn hoá, tôn giáo, làng nghề…Tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ gia đình, phum sóc phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho lực lượng lao động làm dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mang dấu ấn địa phương, tập trung vào một số ngành nghề truyền thống là thế mạnh của đồng bào dân tộc Khmer như: Mộc mỹ nghệ, chạm trổ điêu khắc, gốm, đan đát…
Nhóm giải pháp đào tạo, tăng cường đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer
Muốn giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc Khmer khu vực Tây Nam bộ cần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tăng cường tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Khmer trong các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong đại biểu dân cử các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng; đổi mới và bảo đảm chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với đội ngũ cán bộ công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, có chính sách tôn vinh cán bộ người dân tộc nòng cốt, có uy tín, có nhiều cống hiến đối với địa phương và đất nước…
TS. Nguyễn Thị Ánh
Học viện Chính trị- Hành chính KV IV
[TT: PLN]