Phát huy vai trò người có uy tín trong bảo tồn văn hóa truyền thống vùng dân tộc, miền núi

09:31 01/10/2013 Lượt xem: 522 In bài viết

Trong xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mọi hoạt động liên quan đến lao động, sinh hoạt, gắn kết cộng đồng... đều do những người có uy tín điều hành. Trong phạm vi dòng họ, trưởng họ (trưởng tộc) là người duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là sinh hoạt tín ngưỡng để nhớ về tổ tiên, cội nguồn của mình, củng cố vai trò trách nhiệm của các thành viên đối với dòng họ và cộng đồng. Rộng hơn, với cộng đồng, người uy tín có vai trò và tác động tương đối lớn đến đời sống của các thành viên. Bởi lẽ, mỗi cộng đồng đều có những chuẩn mực riêng của mình về đạo đức, phong tục, tập quán. Các thành viên trong cộng đồng, từ lúc sinh ra đến khi chết đi đều phải tuân theo những chuẩn mực đó. Người có đủ uy tín, kinh nghiệm, hiểu biết để có thể giáo dục cộng đồng duy trì, giữ gìn những phong tục, tập quán đó chính là các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ... Bên cạnh đó, người có uy tín còn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, lớp người có uy tín không ngừng có những đóng góp quan trọng trong công tác vận động đồng bào đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng; duy trì phong tục tập quán, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới; vận động, tuyên truyền cộng đồng bảo vệ môi trường sinh thái nhằm mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cùng với chính quyền các cấp, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương chính sách, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến chuyển, tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Một số phong tục, tập quán cũ của đồng bào nay cần thay đổi, chỉnh sửa hoặc bổ sung cho phù hợp với cuộc sống mới (việc cướ, việc tang, ốm đau, sinh đẻ...); nhiều bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất (nhà ở, ngôn ngữ, trang phục, lễ hội...); tệ nạn xã hội (buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất gây nổ; buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, mại dâm...) đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng biên giới... Thêm vào đó, biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho môi trường sinh sống của đồng bào bị ô nhiễm, thoái hóa (rừng, nước, đất...). Di dân tự do, chặt phá rừng bừa bãi cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến môi trường sinh sống của đồng bào ở một số khu vực như Tây Nguyên, Đông Nam bộ đang ngày càng bị thu hẹp kéo theo sự biến mất môi trường văn hóa của một số dân tộc.

Thực tiễn đó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình của mỗi người dân. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành (Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo theo Quyết định 20/2007/QĐ-TTg, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP... ); Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011; Chiến lược Công tác Dân tộc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013... Tất cả các chương trình, đề án, dự án, chính sách đó đã thể hiện sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước để một mặt phát huy được lợi thế của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác bảo tồn, giữ gìn được văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc.

Một thực tế không thể phủ nhận khi thực thi các chương trình, dự án, chính sách ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đó là sự đóng góp của lớp người có uy tín trong tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia học tập, hưởng ứng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bởi lẽ, trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lối sống, tâm lý riêng mà một bộ phận đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, nhất là cấp cơ sở còn mỏng và yếu, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác dân tộc, ít am hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của tất cả các dân tộc thiểu số trong vùng (Đắk Lắk: 47 dân tộc, Đăk Nông: 46 dân tộc, Ninh Thuận: 28 dân tộc...) nên khó có thể tuyên truyền, vận động đồng bào thực thi chính sách dân tộc hiệu quả. Do đó, muốn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với đồng bào hiệu quả cần phải thông qua lớp người có uy tín ở cộng đồng. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và ngược lại.

Nhận thức được vai trò to lớn, quan trọng của lớp người có uy tín đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã có lời khen ngợi, động viên kịp thời ông Đinh Công Phủ - Lang đạo vùng Mai Đà (Lương Sơn - Hòa Bình): “Tôi được tin rằng: Đồng bào họ Đinh đã nêu lên cái khẩu hiệu ái quốc và oanh liệt là: Họ Đinh thề không đội trời chung với giặc Pháp. Tôi lại được tin rằng: Lúc giặc Pháp xâm lược vào tỉnh Hòa Bình ông đã tận tâm giúp việc kháng chiến chống giặc. Vậy tôi thay mặt Chính phủ gửi lời khen ông và đồng bào họ Đinh và tặng ông một bức ảnh làm kỷ niệm thân ái”. Ngày nay, phát huy truyền thống đó, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm bằng cả tinh thần và vật chất đối với lớp người có uy tín, thể hiện bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách dành cho người có uy tín. Nghị quyết số 24, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc chỉ ra: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng và phát huy vai trò những người có uy tín trong đồng bào dân tộc”; Văn bản số 04/HD - BCA (16/3/2009) của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện công tác vận động người có uy tín... Gần đây nhất, Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... Đây chính là sự ghi nhận đóng góp to lớn của lớp người có uy tín đối với cộng đồng; đồng thời động viên lớp người có uy tín tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và đất nước nói chung.

Tuy vậy, để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với cộng đồng trong tình hình mới, hàng năm Ban Dân tộc các địa phương cần tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác tập huấn, tổ chức tham quan nhằm trang bị cho họ những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong đời sống và kỹ năng tuyên truyền vận động đồng bào, trang bị một số hiểu biết về cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Trên cơ sở những hiểu biết mới, với mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng, những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền và tổ chức cho bà con thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

TS. Nguyễn Thị Bích Thu- Trường Cán bộ Dân tộc- UBDT

[TT: PLN]