Điểm tựa vững bền

03:58 27/09/2013 Lượt xem: 382 In bài viết

Xây dựng gia đình, bản làng văn hóa để giữ yên biên giới

Ông Triệu Văn Khính, dân tộc Nùng được bầu chọn là người có uy tín ở xóm Lũng Pù, xã Xuân Trường - một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Xóm Lũng Pù có 27 hộ, 162 nhân khẩu. Điều mà ông luôn băn khoăn là đời sống của đồng bào 2 dân tộc Nùng và Dao trong xóm còn quá khó khăn, trình độ dân trí thấp, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào theo đạo trái pháp luật hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Băn khoăn… Hành động. Ông Khính gương mẫu vận động gia đình, dòng họ ký cam kết phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đồng thời chủ động cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Đồn Biên phòng thường xuyên gần gũi, gắn bó nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong bản. “Mưa dầm thấm lâu” - Những phân tích có tình, có lý từ kinh nghiệm và việc làm thực tiễn của ông Khính là nhân tố để đồng bào hiểu rõ đúng, sai, những gì nên làm, không nên làm ở khu dân cư. Nhân dân tự giác tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc giới, đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; không nghe và truyền đạo trái pháp luật. Xóm Lũng Pù giờ đây đã ngăn chặn, đẩy lùi nạn trộm cắp, cờ bạc, ma túy, gây rối trật tự trên khu vực biên giới, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.

Ông Khính tâm sự, muốn giữ gìn an ninh trật tự ở vùng biên nhất định phải thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng cách vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương. Đồng bào Nùng, Dao ở xóm Lũng Pù nay đã không còn tảo hôn, không thách cưới cao, ăn ở hợp vệ sinh, người chết không để lâu trong nhà, khi đau ốm đã đến cơ sở y tế, không đốt rừng bừa bãi, giữ gìn bản sắc văn hóa. Những năm gần đây, số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ngày càng tăng; xóm Lũng Pù giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”. Trong môi trường lành mạnh đó sẽ không có chỗ nương náu cho ý đồ của kẻ xấu lôi kéo chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Bản làng được bình yên, bà con chăm chỉ làm ăn, ổn định và dần nâng cao cuộc sống.

Người Mông giàu của, giàu nghĩa

Với gia tài: Đàn bò 50 con, đàn dê 150 con, xuất chuồng mỗi năm trên 1 tấn lợn thịt, khai hoang ruộng nước, sản xuất ngô chất lượng cao và 20 ha rừng, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, ông Vừ Sé Cơ, dân tộc Mông ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được bà con các dân tộc trong vùng mệnh danh là người Mông giàu của xã.

Năm 1992, khi đó tỉnh Hà Giang vừa mới tách ra khỏi tỉnh Hà Tuyên, còn đang hết sức khó khăn. Trong khi đa số đồng bào sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước thì ông Cơ đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để phát triển sản xuất. Ban đầu gia đình tự phá đá, gùi từng gùi đất đổ vào hốc đá, khai hoang được 1ha ruộng. Sau đó, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích ruộng được 2 ha. Ông đã dùng số vốn tích lũy ban đầu từ bán ngô, lúa để mua 3 con bò, rồi nuôi thêm dê, lợn và gia cầm. Cần cù, chịu khó, lại mát tay nên số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng dần theo cấp số nhân và cho gia đình khối tài sản cùng thu nhập lớn như ngày hôm nay.

Từ bàn tay lao động, ông Cơ đã nuôi dạy cả 4 người con đều có bằng Đại học. Điều đáng quý ở ông là có tấm lòng chân thành giúp đỡ bà con xung quanh. Từ năm 2005 trở lại đây, hàng năm gia đình ông cho các hộ đói giáp hạt vay khoảng 2,5 tấn thóc; luân phiên cho các hộ nghèo mượn đất trồng ngô, lúa, nuôi chia trâu, bò. Ông tâm sự: "Khi các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả như nhau thì sẽ dễ dàng đoàn kết hơn. Nếu để trong xóm còn hộ nghèo, hộ giàu thì khó củng cố tình đoàn kết lắm. Vậy nên mình phải giúp người ta thoát nghèo".

Với suy nghĩ “biên giới có yên thì nhà mới yên”, ông Vừ Sé Cơ phối hợp với Đồn Biên phòng và các đoàn thể trong xã tuyên truyền đồng bào các dân tộc bảo vệ chủ quyền biên giới để bà con có ý thức tự giác bảo vệ đường biên, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm chủ quyền biên giới. Những năm gần đây, ông cùng với dân quân và bộ đội biên phòng đã ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán phụ nữ và thu hồi hàng chục con trâu, bò bị kẻ xấu bắt trộm qua biên giới.

Ông Cơ đã được tặng rất nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" của Ủy ban Dân tộc, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện…

Đi đầu hiến đất làm đường

Ông Chẩu Văn Tó, dân tộc Tày, trú tại xã Bản Tấng, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là tấm gương tiêu biểu về việc hiến đất giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2011, khi chính quyền có chủ trương làm đường giao thông, ông đã chủ động hiến 950 m2 đất vườn rừng. Nghĩa cử này của ông đã khích lệ 5 hộ trong thôn theo gương hiến 2.500 m2 đất để làm 0,5 km đường. Năm 2012, ông tiếp tục vận động 15 hộ trong thôn hiến tiếp 12.000 m2 đất vườn rừng, soi bãi để xây dựng tuyến kênh mương dài 2 km dẫn nước về tưới cho 40 ha đất lúa và làm 0,5 km đường. Năm 2013, gia đình ông Tó hiến thêm 1.300 m2 đất vườn rừng để mở đường giao thông. Như vậy, trong 3 năm, gia đình ông Tó đã hiến 2.250 m2 đất, đồng thời vận động nhân dân trong thôn hiến 17,5 ha đất để xây dựng đường giao thông và công trình thủy lợi của thôn.

Đối với Phúc Yên - xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, lên tới trên 70%, đời sống của đồng bào các dân tộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi diện tích đất canh tác không nhiều. Bởi vậy từ việc làm gương mẫu của người có uy tín như ông Tó đã thuyết phục bà con hy sinh quyền lợi riêng, phát triển thành phong trào hiến đất vì lợi ích cộng đồng là rất đáng trân trọng.

Lời nói phải đi đôi với việc làm, không tuyên truyền vận động “suông” mà phải làm gương. Phương pháp vận động của người có uy tín như ông Tó được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và đồng bào các dân tộc nể phục. Nể phục và làm theo trong niềm tin sâu sắc: Cuộc sống sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc khi mỗi mét đất tài sản riêng của các gia đình đã trở thành một viên gạch để xây nên những công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và đời sống cho cả cộng đồng.

Trần Trí Dũng

[TT: PLN]