Kỳ 1: Tổng quan về tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta

02:41 01/10/2013 Lượt xem: 1501 In bài viết

Hôn nhân cận huyết thống- Một tập tục xa xưa

Hôn nhân cận huyết thống là hình thức hôn nhân nội tộc hay nói cách khác là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ (có thể là hôn nhân anh chị em họ chéo hoặc hôn nhân giữa anh chị em họ song song).

Hôn nhân cận huyết thống đã từng tồn tại trong mạch ngầm đời sống xã hội loài người từ thuở sơ khai; thậm chí chế độ mẫu hệ và gần đây là chế độ phong kiến còn mặc nhiên thừa nhận hôn nhân cận huyết thống là một sinh hoạt bình thường trong đời sống xã hội. Với các Hoàng gia, hôn nhận cận huyết thống là giải pháp để giữ gìn sự trong sạch của dòng máu hoàng tộc và duy trì vương quyền. Với dân thường, hôn nhân cận huyết thống được coi là giải pháp để bảo toàn tài sản, không phải mang của cải sang dòng họ khác; đồng thời duy trì sợi dây nối tình cảm bởi quan niệm con của anh chị em lấy nhau sẽ gần gũi và cùng nhận được sự yêu thương, đùm bọc của gia đình hai bên, vợ chồng không bỏ nhau, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ tốt hơn…

Thực trạng hôn nhân cận huyết thống ở nước ta

Điều 10, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Công dân các dân tộc được hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện nhưng cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.

Luật quy định là vậy song ở nước ta, hôn nhân cận huyết thống đang là một thực trạng đáng lo ngại với nhiều dân tộc thiểu số. Thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) đã chỉ ra: Các dân tộc Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông xanh, Rơ Măm, Brâu… có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%, tức là cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Điều tra của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu công bố từ năm 2004-2011, tỉnh có trên 200 người kết hôn cận huyết thống, tập trung trong một số dân tộc rất ít người như: Mảng, La Hủ, Cống. Ở các dân tộc này, tỷ lệ kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng thân thích lên tới 20%.

Bác sĩ Dương Minh Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng cho biết: Tại địa phương này, tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều nhất với dân tộc Dao (64%), Mông (61%), ít nhất là dân tộc Tày thì cũng tới 23%. 3 huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình và Thông Nông có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất, chiếm 45%.

Cũng theo khảo cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số, ước tính trung bình mỗi năm ở nước ta có thêm ít nhất hơn 100 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Có vùng đồng bào dân tộc vẫn áp dụng triệt để hôn nhân cận huyết thống bằng cách chỉ cho phép những người trong cùng họ hàng huyết thống lấy nhau, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

Hiện nay, hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta phổ biến là giữa con cô với con cậu, con dì với con già, con chú với con bác. Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phổ biến nhất là kết hôn giữa con cô với con cậu, nghĩa là hôn nhân giữa con của anh hoặc em trai với con của chị gái hoặc em gái.

Năm 2012, Tổng cục Dân số đã thực hiện khảo sát tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở 44 xã thuộc 9 huyện của tỉnh Lào Cai và đã phát hiện 224 cặp hôn nhân cận huyết thống, trong đó có 221 cặp là con dì lấy con già; trường hợp con của chị gái lấy con của em trai, cháu lấy dì, chú lấy cháu cũng có xảy ra nhưng mang tính cá biệt. Tuy nhiên cũng có trường hợp đáng “giật mình” do bà Hoàng Thị Tráng-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai đưa ra: “Có gia đình sinh ra 2 con, một cháu cho đi làm con nuôi, khi lớn lên lại quay về kết hôn với em gái mình”. Tại thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát có hàng chục cặp kết hôn cận huyết thống, cá biệt có hộ gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình - nơi có 90% dân số là người Mường, được coi là "điểm nóng" của tình trạng hôn nhân cận huyết thống do người dân chỉ cần thấy "ưng cái bụng" là nên vợ chồng, không cần biết giữa họ có quan hệ trực hệ. Tại Sơn La, trong 3 năm từ 2007 - 2009, có 783 trường hợp kết hôn cận huyết thống, chiếm 2,7% tổng số cặp kết hôn trên địa bàn.

“Nóng” nhất phải kể đến bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - địa bàn cư trú của cộng đồng 32 hộ người Chứt. Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển truyền thông sức khỏe - Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết một thực trạng đáng suy nghĩ: Việc tìm chồng, tìm vợ là người dân tộc khác với người Chứt không dễ bởi chính quan niệm, phong tục, tập quán và suy nghĩ của dân tộc này. Thanh niên các bản khác qua chơi, tìm hiểu trai, gái trong bản luôn bị thanh niên bản Rào Tre đuổi đánh. Ngược lại, thanh niên bản Rào Tre qua các bản khác tìm hiểu trai, gái cũng bị đối xử tương tự. Hậu quả là người Chứt chỉ có thể lấy người Chứt. Thanh niên của 32 hộ gia đình lớn lên, rồi lấy nhau chính là môi trường để diễn ra chủ yếu tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

ThS. Nguyễn Quang Hải- Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc

ThS. Nguyễn Thị Tư- Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số

[TT: PLN]