Những bất cập cần khắc phục trong chính sách cử tuyển

02:46 01/10/2013 Lượt xem: 1864 In bài viết

Những bất cập trung thực hiện chính sách cử tuyển

Một là, về chỉ tiêu: Trong 4 năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cử tuyển khoảng 3.000 - 4.000 chỉ tiêu/năm. Trên thực tế, các tỉnh chỉ đăng ký và thực hiện khoảng 3.000 chỉ tiêu. So với nhu cầu, chỉ tiêu cử tuyển luôn được coi là thấp, nhưng vấn đề đặt ra là chỉ tiêu thấp mà hằng năm các địa phương cũng thực hiện không đủ. Bên cạnh đó là sự thiếu thống nhất giữa đề xuất chỉ tiêu của địa phương với giao chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm. Ví dụ, qua thanh tra của Ủy ban Dân tộc tại tỉnh Lào Cai, trong hai năm 2010 và 2011, địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 240 chỉ tiêu nhưng tổng số học sinh được cử đi học chỉ là 215; tỉnh Bắc Kạn được giao 51 chỉ tiêu, số học sinh được cử đi học theo chế độ cử tuyển là 49; tỉnh Hòa Bình được giao 90 chỉ tiêu, chỉ cử đi học được 88 học sinh... Giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và các địa phương cũng chưa có sự thống nhất trong xác định vùng cần được ưu tiên, dân tộc cần được quan tâm, nhất là ở những tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn, có nhiều dân tộc, dẫn đến tình trạng lãng phí, nơi thừa, nơi thiếu chỉ tiêu, hoặc tập trung quá nhiều vào một dân tộc (Đơn cử: tỉnh Bắc Kạn trong số 49 trường hợp cử tuyển của năm 2010, 2011 có tới 37 học sinh dân tộc Tày, trong khi các dân tộc khác như: Mông, Sán Chí… không có học sinh được cử tuyển).

Hai là, về cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển: Chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành nghề cử tuyển hàng năm tập trung vào một số ngành nông, lâm nghiệp, văn hóa, thể thao, trong đó y tế và sư phạm là chủ yếu. Các ngành khoa học đòi điểm thi đầu vào cao như: Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc, Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng...tuy được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế.

 Ba là, cơ cấu giữa các dân tộc được cử tuyển chưa đồng đều: Theo quy định, đối tượng và địa bàn cử tuyển là học sinh dân tộc thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh. Nhưng ở các địa bàn trên, rất ít đối tượng đủ điều kiện cử tuyển, nhất là với các dân tộc thiểu số rất ít người. Kết quả là phần lớn số học sinh đủ tiêu chuẩn để xét tuyển tập trung vào các dân tộc thiểu số có số dân đông như Tày, Nùng, Thái, Mường... Trong khi các dân tộc khác đang rất thiếu cán bộ cần được đào tạo lại không có nguồn cử tuyển. Điều đó, dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo của các dân tộc thiểu số. Số người có trình độ cao đẳng, đại học của các dân tộc thiểu số rất thấp: dân tộc Raglay 0,1%; Xtiêng 0,1%; Khơ Mú 0,1%; Pà Thẻn 0,1%;...

Bốn là, về bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp: Hiện nay, đang tồn tại nghịch lý là phần lớn sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm trong khi vùng miền núi, dân tộc lại đang thiếu cán bộ có trình độ. Từ năm 2006-2011, tỉnh Thanh Hóa có số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp là 516 học sinh nhưng chỉ phân công công tác được 112 trường hợp, đạt 22%. Tỉnh Hà Tĩnh trong 2 năm 2010, 2011, có 21 sinh viên cử tuyển nhưng chỉ tiếp nhận và bố trí công tác được 4 sinh viên; tỉnh Hòa Bình có số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường từ năm 2005 đến nay là 76, mới bố trí công tác được 20 sinh viên, đạt tỷ lệ 26,3%...

Nguyên nhân của việc tiếp nhận và phân công công tác cho người học theo chế độ cử tuyển đạt thấp là do đang có chồng chéo giữa hai Nghị định của Chính phủ:

+ Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp;

+ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 116/2003/NĐ-CP lại quy định việc tuyển dụng công chức, viên chức phải thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Tuy nhiên, do chỉ tiêu biên chế ở các địa phương đã được cấp đủ nên không có chỉ tiêu biên chế để bố trí cho sinh viên mới ra trường. Sinh viên cử tuyển ra trường vẫn phải thi tuyển công chức như các đối tượng khác.

Bên cạnh đó còn là các nguyên nhân: Một bộ phận sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp không muốn quay về địa phương công tác; bất cập giữa cử tuyển với nhu cầu ngành nghề tại địa phương dẫn đến cung không đáp ứng cầu, không bố trí công việc được…

Năm là, về kinh phí đào tạo: Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định kinh phí để đào tạo người học theo chế độ cử tuyển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo hàng năm. Học bổng đối với người học theo chế độ cử tuyển do ngân sách địa phương bảo đảm và cấp trực tiếp cho người học. Kinh phí đào tạo cho người học theo chế độ cử tuyển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục theo cơ chế Nhà nước đặt hàng.

Tuy nhiên các địa phương vùng dân tộc thiểu số đều là tỉnh nghèo, chưa tự túc được ngân sách nên chi trả kinh phí thực hiện chính sách cử tuyển gặp khó khăn, dẫn đến các địa phương chưa thực hiện đủ chỉ tiêu cử tuyển được giao.

Đào tạo dự bị đại học

Theo quy định, người được cử tuyển để đào tạo trình độ đại học phải học một năm dự bị. Hiện nay, cả nước có 4 trường dự bị đại học dân tộc được thành lập để thực hiện chức năng này. Ngoài ra, một số trường có Khoa dự bị đại học Tổng quy mô đào tạo dự bị đại học của các trường khoảng hơn 3.000 học sinh/năm. Trong thời gian đào tạo dự bị, các trường có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh không đỗ đại học có đủ kiến thức để được xét vào học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình đào tạo dự bị đại học đã bộc lộ sự mất cân đối về thành phần dân tộc được xét tuyển. Tại Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ngày 13/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học quy định: Học sinh thuộc các đối tượng ưu tiên và thuộc khu vực 1 đạt điểm vào học hệ dự bị đại học dân tộc trên cơ sở điểm chuẩn của trường. Quy định trên dẫn đến số học sinh được xét vào học hệ dự bị tập trung chủ yếu là con em các dân tộc có số lượng dân số đông như: Tày, Thái, Mường... Còn các dân tộc thiểu số rất ít người như: Ơ Đu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La... và các dân tộc thiểu số sống ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ít có đủ điều kiện để được xét tuyển. Bên cạnh đó, số lượng học sinh học dự bị đại học cũng thấp so với nhu cầu do chỉ tiêu hạn chế; kết quả tuyển sinh hàng năm thường không đạt 100% kế hoạch giao.

Một số chính sách cần sửa đổi, bổ xung

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi. Chính sách cử tuyển là một giải pháp hợp lý nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn - địa bàn chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận với nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách, các cấp, các ngành cần quan tâm khắc phục những bất cập, hạn chế đã bộc lộ, cụ thể:

Đối với cử tuyển

Cần tăng chỉ tiêu, bổ sung ngành nghề đào tạo, mở rộng đối tượng và phạm vi cử tuyển là học sinh người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn các xã thuộc diện khó khăn (theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ); mở rộng phạm vi, đối tượng của chính sách cử tuyển ra cả vùng I, ưu tiên các dân tộc có dân số ít. Nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định hỗ trợ cho học sinh cử tuyển do ngân sách địa phương thực hiện bằng ngân sách Trung ương đảm nhận. Chính phủ nên giao cho một cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện chính sách cử tuyển. Cơ quan này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp về giao chỉ tiêu, chi trả kinh phí cho các cơ sở đào tạo, theo dõi, quản lý sinh viên trong thời gian học tập, phối hợp với các cơ quan chức năng trong bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đối với hệ dự bị đại học dân tộc

Mở rộng hình thức đào tạo hoặc có chính sách ưu tiên để tuyển chọn được đối tượng học sinh là các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số có tỷ lệ đào tạo bậc đại học, cao đẳng còn quá thấp nhằm đảm bảo cân đối học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số và ngành nghề đào tạo. Duy trì khoa Dự bị tại các trường đại học chuyên ngành cho sinh viên dân tộc thiểu số vào học, sau đó tiếp tục được đào tạo tại các trường chuyên ngành.

Nguyễn Hữu Giảng- Chánh Thanh tra UBDT

Hoàng Phương Liên

[TT: PLN]