Kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và giải pháp chủ yếu xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên

09:20 01/11/2013 Lượt xem: 1396 In bài viết

Kết quả và những vấn đề đặt ra

Với tổng diện tích 54.641,0 km², tổng dân số khoảng 5.282.000 người (năm 2011), Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử... để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vai trò trọng yếu ở một vị trí chiến lược quan trọng trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, gắn với các cửa khẩu quốc tế dọc biên giới Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia.

Tây Nguyên là khu vực còn nhiều diện tích rừng với thảm thực vật đa dạng; trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác, đất đai phì nhiêu, phù hợp với cây dài ngày cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, rau, hoa, chăn nuôi đại gia súc… Đây cũng là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với sự khác biệt về văn hoá, xã hội… Với những ưu thế đó nên Tây nguyên là điểm đến “ưa thích” của nhiều hộ dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh biên giới phía Bắc khiến lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã và đang nẩy sinh khá nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của vùng. Tây Nguyên cũng là vùng trọng yếu, nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động nhòm ngó, tạo dựng lực lượng, nhen nhóm hoạt động chống phá chế độ.

Qua hơn 2 năm chỉ đạo triển khai thực hiện, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và người dân 5 tỉnh Tây Nguyên tích cực hưởng ứng.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng đã có 593 xã hoàn thành công tác lập quy hoạch chung, đạt tỷ lệ 100%; có 224 xã tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông và Lâm Đồng (chiếm 41,15% số xã xây dựng nông thôn mới) triển khai và hoàn thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới. 559 xã hoàn thành việc lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đạt tỷ lệ 94,27%, trong đó có 396 xã (chiếm 66,78%) đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Việc thực hiện chương trình trong hơn hai năm qua tại các tỉnh Tây Nguyên cơ bản đã bám sát các tiêu chí, nội dung xây dựng nông thôn mới, bước đầu tạo nên diện mạo khang trang cho vùng nông thôn, hình thành nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo tiêu chí chung, toàn vùng đã có 1 xã đạt đủ 19 tiêu chí là xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; 17 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 76 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí; 235 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí; 264 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đạt được những kết quả đó là do những yếu tố sau:

Thứ nhất, trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền vận động quần chúng: Đã có sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị khi thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể thực hiện với nhiều hình thức đã tạo niềm tin, ý thức và sự chủ động của người dân trong tham gia thực hiện Chương trình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của dân.

Thứ hai, trong huy động nguồn lực và sử dụng vốn: Trong 2 năm qua, các địa phương đã huy động tổng nguồn vốn là 32.292,59 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương 2.074,3 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là: 4.712,83 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, chính sách khác là 2.747,25 tỷ đồng, vốn tín dụng là 19.966,55 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp 850,98 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.940,67 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã đầu tư 11.251,81 tỷ đồng xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu và 10.589,2 tỷ đồng cho phát triển sản xuất; trong đó, kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng đã giải ngân 10.600 tỷ đồng, xây dựng 925 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; tổ chức 1.952 lớp tập huấn kỹ thuật và các hội thảo khoa học với 70.613 lượt người tham gia; tổ chức 774 lớp đào tạo nghề cho hơn 27.475 lao động với tổng kinh phí trên 22,12 tỷ đồng (hơn 11.261 lao động có việc làm sau đào tạo, chiếm 41%); tổ chức 802 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ các cấp tham gia thực hiện Chương trình với 42.203 lượt người tham gia.

Thứ ba, trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho nhân dân: Ban chỉ đạo Chương trình đã tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, công cụ sản xuất để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội cũng được chú trọng. Thực hiện các chương trình đồng hành cùng người nghèo, hỗ trợ cho học sinh đi thi đại học, nhất là đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực theo địa chỉ và thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng đã mang lại sự đồng thuận cao trong xã hội. Chất lượng giáo dục, y tế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các cấp học được nâng lên. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học giảm. Việc thực hiện chính sách cử tuyển ở các địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm. Đa số các sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đã được bố trí việc làm phù hợp.

Thứ tư, trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, của tỉnh và vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh: nâng cấp đường Hồ Chí Minh, triển khai 5 dự án BOT3 (giai đoạn 2), một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, 100% xã, phường có đường ô tô được nhựa hóa, cứng hóa đến trung tâm; xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, nhà văn hóa thôn, trụ sở xã; kiên cố hoá trường, lớp học, trạm y tế các xã.

Một số vấn đề đặt ra

Công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân ở một số nơi chưa thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới dẫn đến nhiều cách nghĩ, cách làm khác nhau: nôn nóng trong đẩy nhanh tiến độ, do ảnh hưởng của bệnh thành tích, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động, tích cực hưởng ứng phong trào.

Trong chỉ đạo, điều hành, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa tìm được hướng đi riêng phù hợp thực tiễn. Cán bộ xây dựng nông thôn mới ở một số xã vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xử lý công việc, thông tin báo cáo không kịp thời. Một số tiêu chí, văn bản hướng dẫn còn thiếu, chậm. Triển khai, lập và phê duyệt quy hoạch quá chậm so với kế hoạch. Công tác kiểm tra của Ban chỉ đạo chương trình các cấp chưa sát sao. Trách nhiệm tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân của một số ban, ngành, chưa kịp thời; công tác phối, kết hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành và các địa phương còn hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu gắn kết trong toàn vùng; Chưa phát huy tối đa nội lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít. Nhiều doanh nghiệp ở Tây Nguyên hiện nay vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Tình trạng thiếu vốn xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất là vấn đề nổi lên cấp thiết ở các địa phương. Nhiều công trình, dự án đang thi công do thiếu vốn phải dãn, hoãn tiến độ. Hàng chục dự án đầu tư không có khả năng tài chính buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Những giải pháp chủ yếu

Một là, các địa phương vùng Tây Nguyên cần đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào chương trình công tác và kế hoạch hằng năm về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; sử dụng tối đa vật lực tài lực vào phát triển nông thôn. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia chương trình; định kỳ kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí đã đạt được, hướng dẫn, đề xuất, điều chỉnh các tiêu chí, giải pháp cho phù hợp với từng địa bàn để đạt mục tiêu đề ra.

Hai là, các Ban, Bộ, ngành cần khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các Quyết định đã ban hành về xây dựng nông thôn mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định về cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn để huy động tổng thể các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn quy trình chuẩn bị đầu tư, sửa đổi cơ chế, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng đơn giản nhưng chặt chẽ; có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp theo hướng mở rộng tự chủ.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hiểu đúng về chủ trương, nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Kêu gọi tinh thần đoàn kết, tự vươn lên, tôn trọng ý kiến, để nhân dân đưa ra ý tưởng về quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng. Sau đó mời các nhà chuyên môn, các nhà khoa học xây dựng đề án. Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đề án.

Bốn là, lấy điển hình xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum làm hạt nhân của phong trào. Lựa chọn một số mô hình tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay ở các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất của tỉnh Lâm Đồng- tỉnh đi đầu trong khu vực Tây Nguyên và cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức các diễn đàn để xã Hà Mòn (Kon Tum), tỉnh Lâm Đồng và các điển hình có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong xây dựng mô hình “làng nghề” như làng trồng nấm, làng trồng rau, các trang trại trồng rau, hoa… đã và đang phát triển tại Lâm Đồng.

Năm là, khắc phục cách làm bình quân, cào bằng. Cần phát động thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các xã, các địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có tổng kết hàng năm, mỗi địa phương (cấp huyện) bầu chọn những xã điển hình để kịp thời khen thưởng xứng đáng. Những xã làm tốt được tăng kinh phí hỗ trợ. Đưa ra định mức thưởng cụ thể, công khai minh bạch tiêu chí này. Quy định cắt hoặc giảm kinh phí đối với những xã làm không tốt.

Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn chuyên nghiệp, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất. Xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng để tạo niềm tin trong dân.

Bảy là, Ban Chỉ đạo Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đến năm 2020 để các tỉnh có cơ sở ban hành quy định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện và ngân sách của địa phương. Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh thủ tục thanh, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự thực hiện và chủ động giám sát; có cơ chế hỗ trợ lãi suất tín dụng cho phát triển sản xuất và giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Bố trí gói tín dụng trung, dài hạn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành bộ tài liệu tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, quy định về trình tự, thủ tục công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều chỉnh chính sách về rừng và lâm nghiệp nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái bền vững. Cần đưa ra biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng theo hướng đóng cửa rừng tự nhiên.

Tám là, các tỉnh Tây Nguyên và lân cận cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những vấn đề chung của Tây Nguyên, trong đó có việc hỗ trợ nhau để xây dựng nông thôn mới. Liên kết xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong bảo vệ, sử dụng rừng, lựa chọn đầu tư công trình thủy điện, chống hạn hán, trong giải quyết vấn nạn di dân tự do, trong phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch...

TS. Nguyễn Thị Tâm

Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực III

[TT: PLN]