Một số đề xuất phát triển kinh tế- xã hội ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu

09:27 01/11/2013 Lượt xem: 1768 In bài viết

Kết quả và những vấn đề đặt ra

Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hai huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, nằm trong 62 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước; 100% số xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung; địa hình phức tạp, phân tán, bị chia cắt mạnh, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, không có nhiều đất dành cho sản xuất nông nghiệp; khí hậu khắc nghiệt; giao thông khó khăn; trình độ dân trí thấp; tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu…

Trong những năm qua, bên cạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời huy động nguồn lực giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với hai huyện đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Tính riêng trong giai đoạn 2006 - 2010, đă huy động được trên 900 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: thủy lợi, nước sạch, cầu cống, điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản, đường giao thông, trường học, trạm y tế… Đã mở mới 17,34 km đường giao thông nối liền huyện Trạm Tấu với huyện Bắc Yên (Sơn La); kiên cố hóa, nâng cấp, cải tạo và mở mới được trên 300 km đường đến trung tâm xã, đặc biệt là các xã khó khăn nhất của hai huyện (Tà Xi Láng và Làng Nhì của huyện Trạm Tấu; Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải); huy động nhân dân thi công được gần 500km đường giao thông nông thôn, giúp đồng bào có việc làm, tăng thu nhập. Hiện nay, 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, (trên 85% được rải cấp phối và bê tông hóa); 100% số thôn, bản có đường xe máy đi lại được trong mùa khô, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Bên cạch đó, Chương trình 134 và 167 cũng đạt được kết quả tích cực; trong 5 năm (từ 2006 - 2010) đã hỗ trợ trên 2.000 hộ nghèo khó khăn về nhà ở; bảo trợ xã hội cho trên 1.500 đối tượng; hỗ trợ tiền điện cho 11.000 hộ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 26.000 người. Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh tập trung vào 3 nội dung chính là đầu tư xây dựng trường học kiên cố hóa, mua sắm trang thiết bị dạy và học; thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng giáo dục… Đến nay, đã có trên 50% số pḥòng học được kiên cố hoá, xóa được tình trạng học ca 3; bố trí cơ bản đủ giáo viên cho các trường. Phong trào khuyến học có bước phát triển khá nhanh với nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả, tiêu biểu như việc thành lập “Kho thóc khuyến học” ở huyện Trạm Tấu. Năm học 2012-2013, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi vào tiểu học đạt 97%, vào trung học cơ sở đạt 76%; có 17/26 xã thuộc 2 huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 25/26 xã đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; 100% số xã đều có trạm y tế, trong đó có 15/26 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh được tăng cường đầu tư trang thiết bị, duy trì tốt chế độ trực, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm chỉ đạo thực hiện: Đã xây dựng được trên 50 làng đạt chuẩn văn hóa, 15 nhà văn hóa phục vụ các hoạt động văn hóa cơ sở. Nhiều di sản văn hóa dân tộc Mông được bảo tồn phát huy như: lễ cưới của người Mông; dự án bảo tồn làng nghề truyền thống xã La Pán Tẩn; bảo tồn lễ cúng họ của người Mông xã Púng Luông; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “bản vui chơi, bản ca hát”; thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang và lễ hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Với tinh thần cương quyết trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để việc xóa bỏ tình trạng trồng cây thuốc phiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo 138 cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy; tổ chức triệt phá, chống trồng và tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Giai đoạn 2006-2010, đã kiểm tra, phá bỏ trên 1,6 triệu m2 cây thuốc phiện, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động người dân tự giác phá bỏ, không tái trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ và buôn bán trái phép các chất ma túy. Để duy trì được kết quả đó, nhiều dự án, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đã được triển khai, giúp đồng bào thay đổi tập quán canh tác phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào hai huyện được quan tâm. Trong những năm qua, các cấp, các ngành tạo điều kiện cho 7.061 người Mông theo đạo Công Giáo và 701 người Mông theo đạo Tin Lành hoạt động đúng Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo. Do vậy, không xuất hiện vấn đề phức tạp về tôn giáo trên địa bàn.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể.

Tồn tại và hạn chế

Tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; khai thác thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch, phát huy thế mạnh văn hóa, lịch sử còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất. Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, một bộ phận đồng bào còn thiếu đất sản xuất; chất lượng giáo dục, dạy nghề, dịch vụ y tế còn thấp. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều xã yếu về năng lực; chưa phát huy tốt vai tṛò của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. An ninh vùng dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, còn xảy ra tình trạng di dịch cư tự do, xâm canh, xâm cư, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Về khách quan: Đồng bào dân tộc Mông sinh sống chủ yếu ở vùng đặc biệt khó khăn nên kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện, thông tin, giáo dục, y tế… còn yếu kém; đa số đồng bào sản xuất thuần nông, tình trạng thiếu đất canh tác, đất bạc màu, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, chịu tác động nhiều của thiên tai, biến đổi khí hậu xảy ra ở nhiều nơi… Ngoài ra, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông còn bảo thủ trì trệ, tư tưởng cam chịu cuộc sống khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu chậm được khắc phục, nhất là vấn đề hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, sinh nhiều con… Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự cả tin, phong tục tập quán lạc hậu để kích động đồng bào di cư, chia rẽ dân tộc gây hoang mang trong tư tưởng, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận đồng bào.

Về chủ quan: Nhiều chủ trương, chính sách đúng được ban hành kịp thời, nhưng thực hiện chưa thật hiệu quả. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều chính sách hết thời hạn thực hiện và chưa đủ mạnh để giải quyết căn bản những khó khăn, bức xúc trong sản xuất và đời sống của người dân, để tạo điều kiện để vùng này phát triển. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, công tác vận động quần chúng, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

Về tâm tư, nguyện vọng: Hầu hết đồng bào Mông tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn mong muốn có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nguyện vọng của đồng bào là Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi vì thực tế trong thời gian qua, thiên tai đã gây thiệt hại lớn làm cho đời sống của đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đồng bào mong muốn được đầu tư nguồn điện từ điện lưới quốc gia cho sản xuất và nước sinh hoạt, nước canh tác; được đầu tư hệ thống loa truyền thanh đến các cụm dân cư. Đối với công tác giáo dục, phần lớn đồng bào đã nhận thức đúng về quyền và nghĩa vụ cho con em đi học và mong muốn, phấn đấu cho con được học tập, nhất là được vào học các trường dân tộc nội trú, học để làm thầy cô giáo, y bác sỹ và làm cán bộ các cấp và phục vụ ngay tại quê hương mình.

Giải pháp

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ, cần nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc Mông thoát nghèo bền vững; có chính sách miễn giảm thuế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng cao nhất là phát triển các cơ sở chế biến nông lâm sản và có chính sách hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chú trọng chính sách dạy nghề gắn với tạo việc làm sau đào tạo nghề cho đồng bào.

Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bào Mông một cách đồng bộ, dứt điểm. Phấn đấu hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo ổn định cuộc sống.

Quan tâm đầu tư cho lĩnh vực tuyên truyền, hoạt động văn hóa, văn nghệ, có chính sách đào tạo và phát triển dân ca, dân vũ; đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình tiếng dân tộc phát trên sóng phát thanh - truyền hình; xây dựng các băng đĩa hình ca nhạc, phim ảnh bằng tiếng địa phương có chất lượng, nội dung tuyên truyền… đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần ngày càng cao của đồng bào và hỗ trợ công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.

Nguyễn Bình Minh

[TT: PLN]