Kết quả cùng những bất cập trong hệ thống giáo dục chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số

09:24 01/11/2013 Lượt xem: 1653 In bài viết

Trường phổ thông dân tộc nội trú

Nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập của cả nước, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được xác định có vị trí mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc, miền núi, trong tạo nguồn cán bộ là người dân tộc.

Đến năm học 2012-2013, toàn quốc có 300 trường PTDTNT ở 50 tỉnh, thành phố, gồm: 3 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50 trường cấp tỉnh, 247 trường cấp huyện; 569 trường PTDTBT, trong đó 157 trường PTDTBT cấp tiểu học và 412 trường PTDTBT cấp THCS. Nhiều địa phương đã xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện theo hướng liên thông trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT).

Nhờ các chính sách của Chính phủ, hầu hết các trường được đầu tư, xây dựng kiên cố, bán kiên cố, trang bị phương tiện dạy, học, ở nội trú, từng bước đáp ứng yêu cầu của giáo viên và học sinh cấp THCS, nâng dần số lượng học sinh THPT. Hàng năm đã giải quyết được hàng vạn học sinh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vùng dân tộc và miền núi theo học.

Tuy nhiên, hệ thống trường PTDTNT hiện đang tồn tại nhiều bất cập:

Một là, liên thông giữa cấp THCS và THPT của hệ thống trường nội trú còn hạn chế. Cả nước mới chỉ có 28 trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT. Do hệ thống trường PTDTNT bậc trung học phổ thông chủ yếu mới mở ở cấp tỉnh với quy mô ổn định trong một thời gian dài, vì vậy nhiều học sinh ở những huyện vùng cao có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, sau khi học xong THCS ở trường nội trú huyện không có điều kiện tiếp tục học lên THPT vì trường học quá xa nhà. Qua khảo sát tại một số địa phương, tình trạng học sinh các trường dân tộc nội trú sau khi tốt nghiệp cấp cơ sở không được đi học tiếp còn nhiều, số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải trở về quê còn chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 38,6%). Với thực trạng trên, mạng lưới các trường PTDTNT chưa phát triển thành hệ thống liên thông từ bậc THCS tới THPT, chưa thực hiện được việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp. Gần 10% học sinh THCS và 40% học sinh THPT trở về địa phương đã gây lãng phí cả về kinh phí và nguồn nhân lực. Mặt khác, quy mô của các trường PTDTNT chưa đồng đều giữa các địa phương. Do thiếu trường PTDTNT ở cấp huyện nên nhiều trường nội trú tỉnh bị quá tải.

Hai là, hoạt động giáo dục dạy nghề trong trường PTDTNT còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Dạy nghề trong trường PTDTNT gồm: dạy nghề ngắn hạn và dạy nghề truyền thống; chủ yếu thông qua 2 hình thức: dạy tại trường và liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của địa phương; tập trung vào các nhóm nghề: Làm vườn, thú y, lâm sinh, may mặc, điện dân dụng, mộc, y tế thôn bản....

Ba là, về chế độ chính sách: Tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc quy định mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước/12 tháng/năm (tương đương với 840.000đ/tháng; bình quân 28.000đ/học sinh/ngày và 9.300đ/ bữa ăn/học sinh). Trong khi các em đang ở độ tuổi phát triển về thể lực thì mức trợ cấp này không đủ đảm bảo sức khỏe cho việc học tập.

Trường phổ thông dân tộc bán trú

Trường phổ thông dân tộc bán trú chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Ở một số địa phương, mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú phủ khắp các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện cho một bộ phận trẻ em dân tộc thiểu số ở xa trường có điều kiện theo học hết lớp, hết cấp.

Tuy nhiên, mô hình này đang gặp một số khó khăn, nhất là về nơi ăn, ở của học sinh bán trú còn thiếu thốn, chưa đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu; nhiều khu bán trú không có hoặc thiếu nhà vệ sinh, nhà tắm, nguồn nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, do tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi còn cao nên khả năng cung cấp lương thực của gia đình cho con em không thường xuyên, nhất là thời điểm giáp hạt nên ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, học tập của học sinh.

Theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh bán trú được hưởng chính sách bằng 40% mức lương tối thiểu chung, tương đương 420.000đ/tháng, bình quân 14.000đ/ngày/học sinh. Mức này là quá thấp, đối tượng, phạm vi áp dụng cũng khá hạn hẹp, chưa phủ hết vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg vẫn chưa được áp dụng chính sách.

Một số đề xuất:

Bước vào năm học 2013 - 2014, lĩnh vực giáo dục dân tộc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kết luận số 51 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục - Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, chỉ đạo phát triển giáo dục vùng dân tộc, miền núi theo các hướng:

Thứ nhất, đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc, miền núi.

Thứ hai: Mở rộng hệ thống trường nội trú liên thông cấp THCS, THPT ở các trường PTDTNT cấp huyện tại các địa phương có nhu cầu; phát triển các trường PTDTBT theo quy hoạch, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các dân tộc thiểu số. Tăng chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo cho con em dân tộc được đến trường. Đối với những nơi không đủ điều kiện mở trường hoặc các lớp nội trú thuộc hệ THCS và THPT khiến học sinh dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được vào học ở trường nội trú, bán trú phải học ở các trường phổ thông công lập thì nên xem xét cho các em được hưởng chính sách như học sinh học ở các trường PTDTNT. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các trường PTDTNT, PTDTBT.

Thứ ba: Nâng mức hỗ trợ cho học sinh nội trú từ 80% mức lương tối thiểu lên 100%; nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú từ 40% lên 100% mức lương tối thiểu vì mức hiện hành không còn phù hợp với giá cả thực tế hiện nay, khó đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.

Thứ tư, thống nhất áp dụng chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số theo kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển tại các Quyết định hiện hành.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; kêu gọi, vận động các tổ chức đoàn thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp các điều kiện cơ sở vật chất thiết bị học tập cho mô hình trường PTDTBT hoạt động.

Trần Trí Dũng

[TT: PLN]