Thực trạng và giải pháp giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
10:03 01/11/2013 Lượt xem: 2139 In bài viếtTrở lại với bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - điểm nóng về hôn nhân cận huyết thống. Sau nửa thế kỷ được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện và đưa từ hang sâu đến với cuộc sống văn minh, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đời sống của đồng bào Chứt nơi đây nay đã có sự cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất và điều kiện sống, nhất là về nhà ở, điện, nước, trường học, trạm y tế… Tuy nhiên về mặt sức khỏe, thể trạng thì rất đáng lo ngại. Thể hình của người Chứt gầy guộc, nhỏ bé, thường xuyên đau ốm, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và tuổi thọ trung bình chỉ đạt 45 tuổi. Giới chuyên môn cho rằng thể lực và tuổi thọ thấp của người Chứt ít nhiều có liên quan đến tập tục hôn nhân cận huyết thống.
Tại hộ gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ ở thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, một cặp có tới 3 con đầu sinh ra bị dị dạng bẩm sinh và chết sơ sinh; một cặp khác sinh con bị bại liệt. Xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, có cặp kết hôn trực hệ được 3 con nhưng 2 cháu đầu sinh ra rất yếu ớt và chỉ sống được vài tháng, cháu thứ ba bị mù, câm, điếc bẩm sinh…
Về mặt y học, theo PGS.TS. Trần Đức Phấn Trưởng bộ môn Sinh y học và Di truyền, Đại học Y Hà Nội: "Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gen lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến là hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD (enzim bảo vệ tế bào), tan máu bẩm sinh (Thalassemia); trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, dẫn tới nguy cơ tử vong. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt phổ biến là bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia…".
Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí và ThS.Nguyễn Thị Thu Hà - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Thalassemia có đặc điểm là hồng cầu bị vỡ nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Người bệnh cần phải điều trị suốt đời với biện pháp chính là truyền máu. Chi phí điều trị tối thiểu cho một bệnh nhân Thalassemia nặng đến tuổi 30 tốn khoảng 3 tỷ đồng. Bệnh gặp ở mọi miền, mọi dân tộc nhưng miền núi, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ mang gen bệnh cao hơn vùng đồng bằng. Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ mang gen bệnh cao hơn dân tộc Kinh. Có những thôn bản, do hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc mà tỷ lệ người mang gen bệnh ở cộng đồng đó có khi lên tới trên 45%.
Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc bệnh Thalassemia cao, với các thể β Thal, α Thal và HbE. Tỷ lệ mắc bệnh cũng rất khác nhau giữa các dân tộc: Người Ê Đê và Khmer có tỷ lệ HbE cao tới 40%; các dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Tày cũng cao tới 10 - 25%, trong khi ở người Kinh, tỷ lệ này chỉ từ 2 - 4%. Ngoài tính nguy hiểm, việc điều trị tốn kém là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm kinh tế của gia đình người bệnh, đẩy các gia đình vào tình trạng nghèo cùng cực. Rộng hơn nữa, làm cho đất nước và cộng đồng nghèo đi bởi phải chi phí nguồn tài chính khổng lồ để điều trị.
Thế hệ tương lai
Bên cạnh những hậu quả rất tai hại về mặt y học, nếu xem xét dưới góc độ triết học, hôn nhân cận huyết thống để lại 4 hệ lụy cho xã hội:
Một là: Ảnh hưởng tiêu cực đến sự tiến bộ xã hội của đất nước
Chất lượng dân số là một trong các tiêu chí đánh giá tiến bộ xã hội. Trong đó thể chất, sức khỏe, tuổi thọ bình quân là những chỉ số cần được phân tích. Chất lượng dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chất lượng dân số bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố sức khỏe, thể chất, tinh thần là cơ bản. Xã hội nào mà bảo đảm cho sự hoàn thiện về thể chất, tinh thần, xã hội cho các cá nhân nói riêng, cộng đồng nói chung thì đó là xã hội tiến bộ. Nâng cao chất lượng dân số là nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và xã hội của dân tộc.
Hôn nhân cận huyết thống gây nên rất nhiều hệ lụy về mặt sinh học, làm suy thoái giống nòi trầm trọng với những những đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, mắc nhiều bệnh do các biến chứng ở tim, gan, nội tiết, chiều cao thấp, tuổi thọ không cao… làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như khả năng học tập, lao động của người bệnh. Nhìn rộng hơn về mặt xã hội, những hậu quả bệnh lý do hôn nhân cận huyết thống đưa lại đang làm giảm đi những thành quả trong nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế - xã hội của một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam và như vậy cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội của đất nước.
Hai là: Tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực
Mỗi con người là một thực thể sinh học - xã hội, trong đó mặt sinh học là tiền đề, là cơ sở cho mặt xã hội phát triển. Hơn nữa, mặt xã hội của con người chỉ phát triển khi phù hợp với mặt sinh học. Như đã phân tích dưới góc độ y học ở trên, rõ ràng các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống sinh ra những đứa con thường bị khiếm khuyết về thể chất, tinh thần. Do vậy các cháu khó có điều kiện để học tập, phát triển trí tuệ và đời sống tinh thần bình thường như các trẻ khác. Nguồn nhân lực cho tương lai như vậy không thể có chất lượng để phát triển thành lực lượng sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở vùng dân tộc, miền núi rất cao - là những nguyên nhân làm suy thoái chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực các tỉnh miền núi nước ta. Điều này đi ngược lại với mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đặt ra. Đó là trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ, muốn phát triển lực lượng sản xuất phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
Ba là: Ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện mục tiêu công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi
Thu hẹp khoảng cách phát triển hay nói cách khác là
thực hiện công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi là chủ trương
nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng
Chính phủ đã quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng dân
tộc, miền núi. Mức độ thành công của sự nghiệp này phụ thuộc một phần lớn vào
vai trò nòng cột, quyết định của đồng bào sở tại thông qua khả năng tham gia,
quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Muốn vậy,
đồng bào các dân tộc phải được đào tạo, nâng cao năng lực về mọi mặt, trong đó
bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực là con em của chính đồng bào. Nhưng với
những hệ lụy về mặt sinh học do hôn nhân cận huyết thống gây ra, thật khó để đặt
niềm tin vào những chủ nhân tương lai vốn đang bị bệnh tật rình rập.
Gần đây, bức tranh toàn diện về tình trạng đói nghèo của người dân được các quốc
gia tiếp cận dưới góc độ nhiều chiều: không chỉ đánh giá về mặt thu nhập mà còn
ở cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, hệ thống an sinh xã hội, chất lượng, diện tích
nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đời sống văn hóa, cơ hội tham gia các hoạt
động cộng đồng… của từng người dân. Theo cách tiếp cận này, hôn nhân cận huyết
thống là một tập quán lạc hậu và mặc nhiên sự lạc hậu luôn đồng hành cùng nghèo
đói và hạn chế các năng lực phát triển. Thực tế cho thấy tỷ lệ nghèo đa chiều ở
các địa phương vùng miền núi, vùng khó khăn cao hơn rất nhiều so với nghèo thu
nhập. Tỷ lệ nghèo đói đa chiều ở các tỉnh nghèo nhất Việt Nam rất cao: Lai Châu
82,3%, Điện Biên 75%, Hà Giang 73%… Như vậy, hôn nhân cận huyết thống luôn song
hành với nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, là hệ quả của sự
thiếu hụt về trình độ dân trí, mông muội về văn hóa, thấp về giáo dục, sự lỗi
thời, cổ hủ mang màu sắc phong kiến và kìm hãm văn hóa phát triển.
Vốn dĩ, với những bất lợi nội tại về vị trí địa kinh tế, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ dân trí… miền núi luôn gặp khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với các vùng khác. Hôn nhân cận huyết thống nếu không được ngăn chặn sẽ tiếp tục bổ sung thành một trong những nguyên nhân cản trở tiến trình miền núi tiến kịp miền xuôi và khiến tiến trình này ngày càng thêm khó khăn.
Bốn là: Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân chủng học của một số dân tộc thiểu số.
Đối với một số cộng đồng dân tộc thiểu số, do nhiều lý do khác nhau mà trình độ nhận thức về xã hội, sức khỏe, bệnh tật… còn hạn chế. Nhiều người dân chưa có điều kiện quan tâm tới sức khỏe bản thân, gia đình đã phần nào ảnh hưởng tới quá trình phát triển giống nòi, thậm chí xuất hiện nguy cơ diệt tộc ở một số dân tộc mà hôn nhân cận huyết thống diễn ra nặng nề. Một tộc người có thể bị thoái hóa về mặt gen sinh học nếu các thế hệ sinh ra là con của các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc rất ít người (dưới 1 vạn người) có đặc điểm là thường sống khép kín trong một địa bàn nhất định mà không có sự giao thoa về mặt gen nên càng dễ thoái hóa sinh học.
ThS. Nguyễn Quang Hải
Hoàng Phương Liên
[TT: PLN]