Chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam Bộ

02:33 08/11/2013 Lượt xem: 2523 In bài viết

Để có chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ một cách đúng đắn, hiệu quả thì việc đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa của dân tộc Khmer trong quá khứ và hiện tại sẽ giúp chúng ta có một cơ sở thực tiễn vững chắc.

Thực trạng các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay

Có thể khẳng định, những giá trị văn hóa do dân tộc Khmer ở Tây Nam bộ sáng tạo ra trong quá trình lịch sử là vô cùng đa dạng và phong phú, nó bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Những giá trị văn hóa đó thể hiện bản sắc của người Khmer ở Tây Nam bộ trong lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai và giặc giã, cũng như trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Những giá trị văn hóa đó thể hiện đa dạng trong nhà ở, nông cụ, trang phục, ngôn ngữ, kho tàng văn học dân gian, các loại hình nghệ thuật, nhạc cụ, lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán. Các giá trị văn hóa đặc sắc, mang tính đặc trưng riêng có của dân tộc Khmer thể hiện tập trung ở các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống và phong tục, tập quán là những đóng góp quan trọng vào kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trước hết là sân khấu Rô băm, Dù kê, rồi múa Ram Vong, Lâm lêv, Saravan; các điệu hát dân gian như Hát Aday, Chlay Yam, hát ru con… và nhiều hình thức nhạc cổ với các làn điệu: Alê, Chôl Chhung, Khan Bram, Peak Brambei, peak Brampil, Sâm - pông. Đặc biệt, Rôbăm, Dù kê là loại hình sân khấu cổ truyền của người Khmer, đã từng rất phát triển và kết tinh nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Người Khmer cũng có một hệ thống các lễ hội riêng (khoảng 30 lễ hội) trong đó có những lễ hội chứa đựng những giá trị văn hóa rất riêng của tộc người này như tết Chool Chnăm Thmây, lễ cúng ông bà, lễ cúng trăng với các trò chơi dân gian đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc, đó là hội “đua nghe go” và đua bò ở An Giang, đánh cờ Ook. Một nét đặc sắc trong các lễ hội của người Khmer là tính chất tôn giáo đã chi phối toàn bộ các lễ hội truyền thống của họ, ngay cả những lễ hội dân gian truyền thống. Sư sãi, chùa chiền đều hiện diện trong mọi lễ hội của người Khmer. Người Khmer có những phong tục, tập quán rất riêng so với các cư dân khác sống trong vùng Tây Nam bộ. Nhắc đến người Khmer, ai cũng nghĩ đến tập tục đi tu được lưu truyền từ bao đời nay. Khi chết đi họ thường chọn hình thức hỏa táng, tro thường để trong tháp cốt của chùa...

Tuy nhiên, những nét đặc sắc văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và chính bản thân người Khmer cũng có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thực trạng đó đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ.

Thực trạng hệ thống các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer và việc thực hiện các chính sách đó ở Tây Nam bộ hiện nay

Thực tế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ngoài tác động của các chính sách chung về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, còn có các chính sách dành riêng cho người Khmer ở Tây Nam bộ như Chỉ thị 117/ CT-TW, ngày 29-8-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V về công tác ở vùng dân tộc Khmer; Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI ra Chỉ thị 68/CT-TW, ngày 18-4-1991 về công tác ở vùng dân tộc Khmer. Các nội dung thực hiện chính sách về bảo tồn, phát triển văn hóa đối với đồng bào Khmer, được bổ sung và cụ thể hóa thêm trong Chỉ thị 14/2003/CT-TTg, ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2001 - 2010.

Các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer không chỉ bao quát hết các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn đưa ra những phương thức hoạt động cụ thể để hiện thực việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể là

Công tác bảo tồn, bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer được các địa phương quan tâm chú ý. Hiện nay, đã hình thành Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, hình thành Phòng Trưng bày văn hóa Khmer tại Bảo tàng các tỉnh Tây Nam bộ

Về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của người Khmer, từ năm 2006, chương trình dạy tiếng Khmer được cải cách, nâng cao thành 7 trình độ, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 9. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng có sử dụng tiếng Khmer ngày càng được tăng cường về số lượng, thời lượng và chất lượng.

Về việc phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật của người Khmer, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiếp tục được khai thác, phát huy. Một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như không chuyên được Nhà nước quan tâm đầu tư đã hoạt động khá tốt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn học, nghệ thuật của người Khmer.

Về bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống của người Khmer, năm 2008, Lễ hội Ooc-Om-Boc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách 15 lễ hội thuộc Chương trình quốc gia về Du lịch Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức “Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer Nam bộ” hai năm 1 lần ở các tỉnh Tây Nam bộ và tổ chức “Những ngày văn hóa Khmer Nam bộ tại Hà nội”.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thông tin trong vùng đồng bào Khmer sinh sống đã được đầu tư.

Về công tác đào tạo đội ngũ những nhà làm văn hóa, nghệ thuật Khmer, các địa phương đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ mở nhiều lớp truyền dạy nâng cao trình độ nghệ thuật, âm nhạc dân gian dân tộc Khmer, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào.

Về đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới, nhiều hộ đồng bào Khmer và ấp, khóm có đông đồng bào Khmer sinh sống được công nhận gia đình văn hóa, ấp khóm văn hóa, từng bước xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ còn một số hạn chế: Cơ sở vật chất, giáo viên phục vụ cho công tác dạy chữ Khmer còn thiếu. Các cơ sở giảng dạy hiện có tại các điểm chùa chưa có tư cách pháp nhân để cấp chứng chỉ, văn bằng. Số đầu báo, tạp chí và số kỳ, số lượng ấn phẩm mỗi kỳ phát hành, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer còn ít. Chất lượng báo, đài bằng tiếng Khmer chưa cao. Việc xây dựng những quy định, quy chế hoạt động lễ hội nhằm khuyến khích những lễ hội có ý nghĩa văn hóa lịch sử, giảm sự rườm rà, phiền nhiễu, tốn kém trong cộng đồng dân cư chưa được các cấp lãnh đạo, chính quyền ở các địa phương Tây Nam bộ thực sự chú trọng.

Một số kiến nghị về việc hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách về điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá các giá trị văn hóa của người Khmer.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói và chữ viết của người Khmer.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống của người Khmer.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật của người Khmer.

Thứ năm, hoàn thiện chính sách về xây dựng các thiết chế văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Thứ sáu, hoàn thiện chính sách đãi ngộ với cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin và những nghệ nhân, nghệ sĩ ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Thứ bảy, hoàn thiện các chính sách về phổ biến, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của người Khmer.

Thứ tám, hoàn thiện các chính sách về giáo dục, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer.

Nếu các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ sớm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách này và đảm bảo tổ chức thực hiện các chính sách đó một cách có hiệu quả thì những giá trị văn hóa của người Khmer sẽ tiếp tục góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam đồng thời sẽ phát huy được vai trò, sức sống của mình trong cuộc sống hiện tại của người Khmer ở Tây Nam bộ.

ThS. Hà Thị Thùy Dương

Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực IV

[TT: PLN]