Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020
04:18 16/06/2014 Lượt xem: 2937 In bài viếtSơn La là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, được xác định là trung tâm và động lực phát triển kinh tế của cả vùng, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Tuy vậy, Sơn La vẫn là tỉnh có kinh tế chậm phát triển, đời sống của bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng nhưng chậm, vai trò động lực cho phát triển kinh tế vùng Tây Bắc còn mờ nhạt.
Trong Báo cáo Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 nhận định nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa đủ khả năng hấp thu, chuyển hóa các nguồn lực ưu tiên đầu tư của Nhà nước bảo đảm phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là nguồn nhân lực dân tộc thiểu số theo hướng nâng cao chất lượng trên các khía cạnh: thể lực, trí lực và tâm lực nguồn nhân lực đến năm 2020 với những giải pháp thiết thực là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao.
Những yếu tố tạo nên chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số
Nhân lực dân tộc thiểu số là nhân lực xuất thân từ thành phần dân tộc thiểu số Việt Nam, tức là có bố và mẹ, hay có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số. Nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gồm toàn bộ dân cư người dân thiểu số có khả năng lao động, không phân biệt người đó được phân bố vào ngành nghề, lĩnh vực, khu vực nào và có thể coi đây là nguồn nhân lực xã hội. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gồm nhóm dân cư dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được pháp luật quy định và được hiểu là nguồn lao động gồm những người dân tộc thiểu số từ 15 đến 55 tuổi đối với nữ và đến 60 đối với nam, có khả năng lao động.
Nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nước ta phản ánh các đặc điểm quan trọng: (1) Đó là nguồn lực con người dân tộc thiểu số; (2) Nguồn lực đó là một bộ phận dân số dân tộc thiểu số gắn liền với cung về lao động. Trên phạm vi toàn quốc, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số còn là nguồn nhân lực trong thống kê thị trường lao động nói chung.
Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số thường chứa đựng ý nghĩa lịch sử. Lịch sử hình thành nước ta là quá trình cố kết nhiều tộc người, tạo nên đặc trưng cư trú đan xen giữa các tộc người từ lâu đời. Chính do cấu trúc tộc người của nguồn nhân lực nên ở vùng dân tộc thiểu số nước ta có cả nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực dân tộc đa số. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số không thể tách rời phát triển nguồn nhân lực dân tộc đa số, bởi mỗi nguồn nhân lực có ưu thế riêng do đặc điểm môi trường, lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, tâm lý tộc người, trình độ cũng như khả năng chi phối. Đây là đặc điểm quan trọng tại các vùng dân tộc trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng và cũng là điểm lưu ý cần thiết khi phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La hiện nay.
Ở Sơn La, có 12 dân tộc anh em (Xinh Mun, Mường, La Ha, Kháng, Thái, Mông, Kinh, Hoa, Tày, Lào, Khơ Mú, Dao) cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, người Kinh chỉ chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh, cho thấy nhân lực dân tộc thiểu số chiếm phần lớn lực lượng lao động của tỉnh.
Thông thường khi đánh giá chất lượng nguồn nhân lực chúng ta chỉ xem xét qua hệ thống giáo dục quốc dân, số người được đào tạo, bằng cấp của người lao động. Việc xem xét như vậy là cần thiết, nhưng chưa đủ. Thực tế cho thấy, khi đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia, địa bàn dân cư phải được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể:
Một là, về thể lực: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”. Về thể chất là sự cường tráng cơ bắp và khả năng vận động chân, tay; về tinh thần là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, khả năng vận động của trí tuệ, khả năng tư duy; về xã hội là sự thoải mái, vui vẻ, giao tiếp thân thiện, không có những áp lực từ môi trường.
Hai là, về trí lực: được đánh giá thông qua trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng lao động và khả năng vận dụng tri thức vào các công việc, tình huống cụ thể. Trình độ văn hóa là khả năng về tri thức và kỹ năng có thể tiếp nhận những kiến thức cơ bản, thực hiện được những công việc đơn giản. Trình độ văn hóa được trang bị thông qua hệ thống giáo dục quốc dân với các hình thức giáo dục chính quy, không chính quy, phi chính thức. Trình độ văn hóa của một quốc gia thường được xem xét qua hệ thống các chỉ tiêu như tỷ lệ dân số biết chữ, số năm đi học trung bình của dân số tính từ 25 tuổi trở lên. Trình độ chuyên môn kỹ thuật là những kiến thức kỹ năng cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý kinh doanh và các hoạt động nghề nghiệp.
Ba là, về tâm lực: Quá trình thực hiện công việc không chỉ cần sức khỏe, trí tuệ, sự khéo léo mà còn cần tính kỷ luật, sự tự giác, tinh thần hợp tác, tác phong chuyên nghiệp. Do ảnh hưởng tâm lý tiểu nông của một xã hội nông nghiệp cộng với hoàn cảnh lịch sử trong một giai đoạn dài của chế độ tập trung bao cấp đã tạo cho lực lượng lao động Việt Nam nhiều hạn chế như: sự tùy tiện, tâm lý ỷ lại, không hợp tác chặt chẽ với nhau trong công việc, thiếu sự đồng nhất và cộng cảm… gây nhiều trở ngại trong quá trình hội nhập.
Thực trạng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La
Về thể lực: Tình trạng thể lực của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số Sơn La nói riêng, ở các vùng dân tộc và miền núi nước ta nói chung đã và đang được cải thiện theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, do các điều kiện kinh tế, đời sống và các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng được tăng cường. Song khi xem xét ở một số khía cạnh cho thấy: vùng dân tộc và miền núi Sơn La có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao so với cả nước; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống) cũng ở mức cao so với toàn vùng Tây Bắc. Tuổi thọ, thể lực của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về trí lực: Năm 2010, lao động tỉnh Sơn La chưa biết chữ có 101,6 nghìn người, chiếm 15,65%; lao động chưa tốt nghiệp tiểu học là 159,26 nghìn, người chiếm 24,51%; lao động tốt nghiệp trung học cơ sở là 132,88 nghìn người, chiếm 20,45%; lao động tốt nghiệp trung học phổ thông là 64 nghìn người chiếm 9,85%. Những con số trên cho thấy, trình độ học vấn phổ thông của lực lượng lao động tỉnh Sơn La thấp hơn mức trung bình của cả nước, tương đương với mức trung bình của vùng Tây Bắc và còn nhiều bất cập.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Sơn La còn rất thấp so với cả nước, năm 2010, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo là 62,21%. Hiện nay, Sơn La đang trong tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở các ngành điện tử, tin học, công nghệ… Mặt khác, nhân lực của tỉnh đang mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động kỹ thuật, tình trạng thừa lao động giản đơn chưa qua đào tạo, thiếu lao động đã qua đào tạo có trình độ chuyên môn cao đang diễn ra ở tất cả các ngành, các thành phần kinh tế; các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Về tâm lực: Do nhận thức, hiểu biết xã hội và kỹ năng sống của phần lớn nguồn nhân lực được hình thành chủ yếu qua tích lũy kinh nghiệm từ các hoạt động sản xuất, đời sống và được truyền từ đời này sang đời khác trong phạm vi một dòng họ, một cộng đồng, một dân tộc cụ thể ở vùng miền nhất định nên việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội bên ngoài rất hạn chế, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây là một trong những rào cản về tâm lực của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số hiện nay.
Tính năng động và thích ứng môi trường làm việc mới của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chưa cao. Mặc dù có tố chất cần cù, chịu khó nhưng tính thời vụ và tự do được thể hiện rõ nét trong các hoạt động sản xuất, đời sống với tác phong, kỹ năng và kỷ luật lao động không cao, tạo nên rào cản lớn trong việc phát triển giáo dục - đào tạo cho nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Sự ỷ lại, trì trệ, tâm lý dễ làm khó bỏ, luôn bằng lòng với những gì sẵn có, thiếu ý thức phấn đấu cầu thị, chưa có ý thức học tập không thể tạo ra nền xã hội cho lập nghiệp, lập thân và rộng hơn là tìm cơ hội phát triển cho hiện tại và tương lai.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La đến năm 2020
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống các dân tộc; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy vai trò động lực cho phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Trên tổng thể, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số phải phát triển toàn diện từ thể chất, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, rèn luyện các phẩm chất tâm lý xã hội thích ứng với xã hội công nghiệp. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số Sơn La cần đề ra những giải pháp thiết thực và các biện pháp cụ thể, khả thi.
Một là, phát triển thể chất dựa trên nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao, bảo đảm an toàn sinh kế, phòng và chống dịch bệnh. Một số vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là: Triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình; kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên hơn tăng trưởng dân số, bằng nhiều biện pháp hành chính và phi hành chính; tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ và học sinh tại gia đình, học đường (cho trẻ nhỏ được uống sữa tại trường học); cải thiện y tế học đường để học sinh có đủ thể chất học tập, phát triển trí lực với việc hoàn thiện chế độ bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh phòng và chữa bệnh cho nhân dân trong đó phát huy chữa bệnh gia truyền, mở rộng phong trào thể dục thể thao quần chúng một cách thiết thực, có hiệu quả; tăng cường các biện pháp truyền thông để giáo dục nhằm đẩy lùi các hiện tượng hôn nhân cận huyết.
Hai là, Nâng cao trí lực nguồn nhân lực dân tộc thiểu số bằng nhiều biện pháp tổng hợp gồm giáo dục học đường và giáo dục phi học đường, từ tạo dựng các yếu tố nền tảng đến trực tiếp tăng cường năng lực, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; cụ thể cần:
Tạo dựng cơ sở nền tảng cho phát triển trí tuệ: Theo các nhà khoa học, thời kỳ cần chú trọng quan tâm tạo dựng cơ sở nền tảng cho phát triển trí tuệ nguồn nhân lực là con người từ khi sinh ra đến khoảng 8 tuổi. Do vậy, phải chăm lo phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Cần thực hiện đổi mới giáo dục theo hướng: Trước hết, định hướng lý tưởng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh dân tộc nội trú bằng phân luồng học sinh theo hướng phân hóa thành hai đối tượng: học nghề và tiếp tục đào tạo lên các bậc học cao hơn. Đối với những học sinh dân tộc thiểu số có năng khiếu, tố chất cần đầu tư thỏa đáng cho học tập hết bậc phổ thông, lên đại học và sau đại học, kể cả đào tạo ở nước ngoài. Có như vậy mới phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số theo quan điểm toàn diện, đồng bộ và hài hòa: phát triển đồng thời nguồn nhân lực tinh hoa, nhân lực phổ thông, cả cán bộ lãnh đạo - quản lý và cán bộ khoa học - công nghệ, các doanh nhân, các nhà nông chuyên nghiệp. Xem xét mở rộng dự bị dân tộc tại địa phương thay vì thực hiện chế độ cử tuyển đại học đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số như hiện nay. Giảm tải chương trình học tập, tránh áp lực đối với học sinh; rà soát, đánh giá lại chuẩn giáo viên, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đặc điểm vùng dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư, mở rộng nhà công vụ cho giáo viên cắm bản.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động các nhà máy, khu công nghiệp, các lĩnh vực bằng nhiều biện pháp: Định hướng phát triển nhân lực tỉnh Sơn La đến năm 2020 đặt mục tiêu tổng nhân lực qua đào tạo đến năm 2015 là 276.010 người, chiếm 40% và đến năm 2020 là 376.330 người, chiếm 52% lực lượng lao động trong tỉnh. Để thực hiện chỉ tiêu trên, tăng cường trí lực cho nguồn nhân lực dân tộc thiểu số Sơn La cần thực hiện những biện pháp: quy hoạch xây dựng mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng, phát triển đa dạng các loại hình đào tạo nghề, tăng dần tỷ trọng đầu tư cho giáo dục. Đối với học sinh dân tộc thiểu số không phải trường chuyên, lớp chọn cần lồng ghép chương trình dạy nghề trong giáo dục phổ thông. Tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo: Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng cường liên kết với các trường đại học trong vùng và cả nước mở thêm các ngành đào tạo mũi nhọn, cần thiết như: Y tế, giáo dục, xây dựng, kiến trúc, kinh tế, du lịch…, nâng cao đào tạo lên trình độ thạc sỹ, tiến sỹ… Chú trọng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với việc sử dụng lao động: Cơ quan được giao về đào tạo và phát triển nhân lực của tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu các ngành nghề cần tuyển dụng tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… từ đó có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ và phù hợp với những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra. Quan tâm đào tạo nghề tại chỗ cho các đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, lao động nông thôn, người nghèo và các đối tượng đặc thù. Tích cực tổ chức các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn như: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ… Rà soát lại hệ thống đào tạo nghề, những nghề không có lợi thế đào tạo thì tăng cường hợp tác; nghề có nhu cầu lớn và có lợi thế thì cần đầu tư mở rộng quy mô, đồng thời phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng vận hành, bảo trì công nghệ. Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo… phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tinh thông) bằng tăng cường đội ngũ hiện có, đào tạo thêm lực lượng mới và thu hút chuyên gia bằng nhiều hình thức mềm dẻo, linh hoạt.
Ba là, phát triển tâm lực nguồn nhân lực dân tộc thiểu số với các biện pháp: Kích hoạt các hệ giá trị tộc người tốt đẹp trong học tập, sáng tạo văn hóa, lao động, sản xuất, nhất là đức tính thật thà, chất phác, ý thức tộc người. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số: xây dựng các đội văn nghệ cơ sở vùng dân tộc thiểu số, các hình thức câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, nội dung các hoạt động tập trung chuyển tải những thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn ở, chăm sóc sức khỏe; kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; kinh nghiệm bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe; biết và phòng tránh các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc… Các hoạt động này đã tác động đáng kể đến việc hình thành và phát triển nhận thức, kiến thức xã hội, kỹ năng sống… cho nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Khắc phục các lực cản ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trưởng thành lành mạnh của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, nhất là tính ỷ lại, tư duy đơn hướng, hướng nội… Coi trọng hiện đại hóa tâm lý truyền thống tộc người. Phát triển tâm lực có mặt thông qua giáo dục, truyền thông, có mặt thông qua những cải biến kinh tế - xã hội hàng ngày mà lôi cuốn con người tham gia để thay đổi dần các thói quen không còn phù hợp.
Như vậy, điều cần thiết trong thời gian tới của tỉnh Sơn La là phải nâng cao được ý thức kỷ luật, tăng cường tinh thần hợp tác, tính chủ động, ý thức trách nhiệm, sự chuyên tâm, sự trung thành, tận tụy, gắn bó với công việc. Bởi đây là phẩm chất cá nhân, được coi là yếu tố mềm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sơn La trong tiến trình hội nhập và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Song để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nói riêng thì vấn đề mấu chốt đối với Sơn La là đưa ra được Quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung các giải pháp phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và sự kết hợp có hiệu quả giữa các giải pháp đó trong quá trình thực hiện.
ThS. Phạm Ngọc Phương
Tạp chí Dân tộc, số 161 tháng 5/2014
[TT: PLN]