Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Mường Khương

04:37 16/06/2014 Lượt xem: 2196 In bài viết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ, luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu trong các công tác của Đảng và Nhà nước. Người xác định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Huyện uỷ Mường Khương luôn xác định cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người truyền đạt và tổ chức nhân dân thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ phía nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách. Do vậy, việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở được Huyện uỷ đặc biệt quan tâm lãnh đạo.

Nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Khương (khóa XXII) đề ra 5 chương trình công tác trọng tâm với 19 đề án, dự án; trong đó, chương trình xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được triển khai với 4 đề án. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có Đề án số 17 ĐA/HU về “Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ huyện giai đoạn 2011-2015” (gọi tắt là Đề án 17). Nội dung chính của đề án là tăng cường phát triển đảng viên; kiện toàn và thành lập chi bộ, đảng bộ cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị huyện.

Sau khi đề án được ban hành, Ban Thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo các Ban Xây dựng Đảng phối kết hợp với các chi bộ cơ sở nghiêm túc triển khai thực hiện. Cơ bản cán bộ đảng viên và nhân dân từ huyện đến cơ sở đã được tiếp thu các nội dung, mục tiêu của đề án. Do vậy, các nội dung của Đề án 17 đã thu được những kết quả rất khả quan. Tính từ tháng 7/2010 đến tháng 5/2013, Đảng bộ huyện đã tạo nguồn và bồi dưỡng kết nạp Đảng được 615 quần chúng. Bình quân mỗi năm kết nạp được trên 130 đảng viên. Số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên nữ tăng lên. Đến nay, Đảng bộ huyện đã có trên 2000 đảng viên. Các thôn bản, các đầu mối, trường, trạm đều có đảng viên.

Qua gần 4 năm thực hiện Đề án 17, huyện Mường Khương đã tách và thành lập mới được 3 chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện, nâng tổng số từ 41 chi bộ lên 44 chi bộ trực thuộc; trong đó có 19 đảng bộ xã, thị trấn và các cơ quan, còn lại 25 chi bộ trực thuộc huyện. Hiện nay, đã có 163/231 thôn bản, tổ dân phố có chi bộ độc lập, chiếm tỷ lệ 70,56% (thời điểm năm 2010, toàn huyện mới có 15% chi bộ thôn bản độc lập). Kết quả xếp loại hàng năm có trên 80% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh; 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ tại các phòng, ban chuyên môn và đơn vị sự nghiệp của huyện đã từng bước được nâng lên, cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền huyện trong lĩnh vực chuyên môn.

Từ đặc điểm về địa hình, dân tộc, phân bố dân cư, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương xây dựng kế hoạch, đề án tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, ưu tiên người dân tộc thiểu số tại địa bàn và theo hướng trẻ hóa, kết hợp đào tạo toàn diện cả chuyên môn và lý luận chính trị, quản lý hành chính. Trong tổng số 359 cán bộ, công chức xã có 276 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 76,88 %, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao hơn các dân tộc thiểu số khác. Cụ thể, có 31,25 cán bộ người dân tộc Mông và Dao là Bí thư Đảng ủy xã; cán bộ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã; phần lớn số cán bộ này trong độ tuổi từ 33 đến 57 tuổi. Hầu hết cán bộ dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị tốt, nhiệt tình công tác, gắn bó với nhân dân, tích cực học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực công tác. Do vậy, đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, là hạt nhân tập hợp sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tại cấp cơ sở, việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những chuyển biến tích cực.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện 5 chương trình công tác trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, tình hình an ninh, chính trị ở Mường Khương ổn định; kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển; nhiều mục tiêu đạt và vượt so với tiến độ đề ra. Ba tháng đầu năm 2014, huyện Mường Khương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong các lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, các mặt hàng tiêu dùng đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong quý đạt trên 58 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được duy trì thực hiện tốt, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về kinh doanh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Quý I/2014, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4,8 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch, bằng 94% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách địa phương 74,5 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch, bằng 84% so với cùng kỳ; chi ngân sách 68,3 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch. Công tác thu, chi được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiết kiệm chi không để xảy ra lãng phí. Công tác kiềm chế lạm phát tiếp tục được triển khai thực hiện…

Bên cạnh các ưu điểm, từ thực tế lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng cho thấy năng lực công tác của một bộ phận cán bộ là người dân tộc thiểu số còn hạn chế, thể hiện: trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực điều hành, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp nên khó khăn, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ cấu chung cán bộ, công chức của địa phương tăng, song cơ cấu giữa các thành phần dân tộc chưa hợp lý; tỷ lệ cán bộ của một số dân tộc thiểu số chưa cân đối với tỷ lệ dân số. Hiện còn 12,69% cán bộ dân tộc thiểu số cấp huyện và xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; 18,46% là viên chức quản lý ngành giáo dục và ngành y tế chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị...

Là huyện nghèo, còn gặp nhiều khó khăn, Huyện uỷ Mường Khương xác định thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, phải phát huy cao độ trí tuệ, sức lực của đồng bào và cán bộ dân tộc. Tuy nhiên, muốn thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc phải có cán bộ người dân tộc đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. So với cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền núi, cán bộ người dân tộc công tác ở vùng dân tộc có nhiều lợi thế hơn do am hiểu tình hình, phong tục tập quán, tâm lý và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, gắn bó với gia đình, họ hàng, bà con thân thích và quê hương bản quán của mình, sẵn sàng đứng chân lâu dài ở vùng biên giới, vùng xa, vùng sâu, hẻo lánh. Mặt khác, đội ngũ cán bộ người dân tộc tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng nếu được đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đúng sẽ đủ sức gánh vác các nhiệm vụ chủ yếu lãnh đạo, quản lý ở các địa phương miền núi. Bên cạnh đó, sự tham gia của các cán bộ dân tộc thiểu số vào đội ngũ cán bộ nói chung là biểu hiện rõ và sinh động nhất của khối đại đoàn kết các dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đòi hỏi huyện cần có chiến lược, phương hướng, các giải pháp, kế hoạch, bước đi vững chắc, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác cán bộ. Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ. Theo sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh... chủ động phát hiện, tạo nguồn cán bộ dân tộc tại chỗ, tập trung vào các trường dân tộc nội trú và quân nhân là người dân tộc thiểu số xuất ngũ; quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ hợp lý đồng thời quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện tốt chủ trương của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015, ưu tiên dành biên chế tại các ngành, các địa phương; áp dụng hình thức hợp đồng lao động vào làm việc tại những vị trí đang thiếu cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, xã, trường học, trạm y tế... dành những vị trí này để tuyển dụng sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển về làm việc.

Nguyễn Chí Sử

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Khương

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]