Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ

04:18 16/06/2014 Lượt xem: 1986 In bài viết

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam bộ đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống. Nổi bật là các chương trình, chính sách: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất,… Nhờ đó đã tạo nên những chuyển biến tích cực về sản xuất, đời sống, sinh hoạt trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam bộ, thể hiện qua các mặt sau:

Về kinh tế - xã hội: Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 90%; trên 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư phát triển. Toàn vùng hiện có 28 trường Phổ thông Dân tộc nội trú và 3 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, với trên 8.300 học sinh; chương trình, sách giáo khoa phục vụ dạy và học chữ Khmer được quan tâm; số học sinh người dân tộc Khmer được cử tuyển vào đại học ngày càng tăng, bình quân mỗi năm có gần 500 em. Y tế vùng dân tộc Khmer không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện tốt; đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc Khmer được đào tạo và bố trí việc làm ngày càng tăng.

Về tôn giáo, tín ngưỡng: Tôn giáo truyền thống của dân tộc Khmer được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tạo điều kiện hoạt động đúng luật pháp của Nhà nước và giáo luật. 8/9 tỉnh vùng Tây Nam bộ có Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước. Việc trùng tu, sửa chữa các chùa Khmer có công với cách mạng và các chùa được công nhận là di tích được các địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hoạt động của Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại thành phố Cần Thơ và Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng ngày càng đi vào nền nếp.

Về công tác cán bộ: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ người Khmer ở các vị trí chủ chốt được các địa phương chú trọng; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer ngày càng được quan tâm, đến nay có khoảng 14.000 người dân tộc Khmer là đảng viên. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn vùng có gần 20 cán bộ dân tộc Khmer được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh. Về an ninh - chính trị: Cơ bản được duy trì ổn định. Các địa phương tăng cường vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tích cực phát động cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bên cạnh thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế do các nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, đề cao cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong đồng bào dân tộc Khmer tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ hai, việc thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” chưa được thể chế hóa toàn diện, dẫn đến việc thực hiện không nhất quán. Định mức các chính sách hỗ trợ và mức vay phát triển sản xuất còn thấp, nhiều chính sách chỉ đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn, chưa đáp ứng các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ ba, một bộ phận đồng bào Khmer ở Tây Nam bộ chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về mối quan hệ giữa các dân tộc anh em, ảnh hưởng đến vấn đề đoàn kết dân tộc ở vùng Tây Nam bộ nói riêng và Nam bộ nói chung.

Thứ tư, việc thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương có lúc còn thiếu sót, sai phạm, ảnh hưởng đến lòng tin của một bộ phận đồng bào Khmer đối với chính sách dân tộc của Đảng, tiềm ẩn nguy cơ đối với sự ổn định chính trị - xã hội vùng Tây Nam bộ.

Từ thực tiễn giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc trong thời gian gần đây ở vùng Tây Nam bộ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thực hiện chính sách kinh tế - xã hội đối với đồng bào Khmer phải gắn liền với chính sách phát triển vùng Nam bộ, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch và phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Nhóm cộng đồng dân tộc chậm phát triển về kinh tế cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ để vươn lên đạt trình độ chung của vùng và cả nước.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo gắn với sự phát triển của dân tộc Khmer; hướng hoạt động tôn giáo vào những cuộc vận động mang tính chất sinh hoạt văn hóa, nhân đạo, từ thiện; ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, phản dân tộc, phản nhân văn.

Thường xuyên tạo dựng sự đồng thuận giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn; loại trừ những mầm họa sinh ra mâu thuẫn, xung đột dân tộc bằng cách hòa giải các tranh chấp dân sự ngay từ khi vấn đề còn nhỏ nhất; giải quyết kịp thời khiếu kiện, những nguyện vọng chính đáng của người dân.

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tiền đề để kiểm soát, quản lý và giải tỏa các mâu thuẫn dân tộc, xung đột xã hội, là điều kiện cơ bản của sự ổn định chính trị bền vững. Thực tiễn đã chứng minh, mâu thuẫn dân tộc thường nổ ra thành “điểm nóng” chính trị - xã hội ở những nơi mà hệ thống chính trị yếu kém, đảng viên, cán bộ, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể mất sức chiến đấu…

Củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị phải được thực hiện song song với tăng cường cảnh giác, ngăn chặn triệt để sự xâm nhập của các lực lượng phản động từ bên ngoài vào trong nước bằng mọi hình thức, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân tộc

Về kinh tế - xã hội: Đổi mới công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Không được dùng đất đang sản xuất nông nghiệp màu mỡ, ở vị trí thuận lợi, có khả năng thâm canh cao làm khu công nghiệp hay cụm dân cư, trong khi nông dân tại địa phương đang thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất. Sớm khắc phục tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát hiện và xử lý các vi phạm; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành hoặc bỏ qua những kiến nghị xác đáng của người dân. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất. Ưu tiên hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.

Về văn hóa - tôn giáo - dân tộc: Nhà nước cần xem xét, bổ sung những chính sách nhằm tăng cường bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần, tinh hoa, bản sắc văn hóa, đảm bảo văn hóa dân tộc Khmer có sức sống lâu dài, trở thành động lực phát triển và có điều kiện đào thải những yếu tố không phù hợp.

Thông qua hệ thống chính trị và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ở các địa phương, tăng cường công tác vận động đồng bào dân tộc, tín đồ, chức sắc… hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, giản đơn trong xử lý vấn đề dân tộc, tôn giáo; không ngừng đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Củng cố và tăng cường vững chắc ý thức về Tổ quốc Việt Nam, ý thức là công dân nước Việt Nam trong đồng bào, sư sãi, chức sắc tôn giáo người dân tộc Khmer.

Về lãnh đạo, quản lý: Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác dân tộc. Nếu không đổi mới sẽ không bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer cho phù hợp với tình hình mới thì quá trình lãnh đạo chính trị và quản lý xã hội sẽ kém hiệu quả, thậm chí khó duy trì được sự ổn định chính trị, khó giải quyết được các vấn đề phức tạp đang tiềm ẩn. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước trong giải quyết các vấn đề dân tộc. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa, trình độ chính trị cho cán bộ và nhân dân vùng dân tộc Khmer. Cán bộ phải thực sự tôn trọng nhau, biết lắng nghe, chia sẻ trách nhiệm và tinh thần cộng đồng trong quản lý và giải tỏa xung đột xã hội; phát huy tinh thần bao dung của tôn giáo và đoàn kết thực sự… Tất cả những yêu cầu đó cần được xem là những phương châm, nguyên tắc không chỉ đối với những người lãnh đạo chính trị mà còn đối với mọi người dân.

ThS. Đặng Phú Thâu

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]