Kinh nghiệm thực hiện công tác dân tộc ở Lào Cai

04:24 16/06/2014 Lượt xem: 1180 In bài viết

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc ở Lào Cai như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135, định canh, định cư, trợ giá trợ cước, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất; các nguồn vốn nước ngoài như: ODA (WB, ADB, AFD…) và NGO. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIV đã ban hành 7 chương trình, 27 đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2015 và hàng năm dành khoảng 65-70% vốn từ ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc); cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu để từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập từ nông lâm nghiệp là chính nên cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án, tỉnh coi trọng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở, nòng cốt là cơ quan Khuyến nông các cấp đã tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi, cung ứng các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, chỉ dẫn cách bón phân, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm thay đổi tập quán canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đa số người dân đã sử dụng giống lúa, ngô lai có năng suất, chất lượng cao, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân vi sinh thay phân hóa học cho năng suất cao, bảo vệ môi trường.

Để giúp đồng bào có vốn sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, các ngân hàng trong tỉnh đã cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay hàng nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy đã mở ra nhiều hướng làm ăn có hiệu quả.

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai đã phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vươn lên, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ. Đã hình thành nhiều mô hình làm ăn mới, nhiều vùng sản xuất hàng hoá được hình thành như: Lúa, ngô, chè, chuối, dứa... ở các xã miền núi, vùng cao.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa có bước chuyển đáng kể, hầu hết các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; 01 thành phố và 8 huyện có trường Phổ thông Dân tộc nội trú; chế độ, chính sách về giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đầy đủ. Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Tỉnh đã dành nhiều kinh phí đầu tư trang thiết bị cho hệ thống dạy nghề, mỗi năm, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc. Qua đó, đã chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương từ nông - lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được quan tâm thực hiện. Hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đầu tư, phát triển. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh có trạm y tế; 95,6% thôn, bản có nhân viên y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Thông qua việc tiếp cận các dịch vụ y tế và thực hiện chính sách khám chữa bệnh miễn phí đã từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao sức khoẻ cho đồng bào.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt; các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vùng dân tộc diễn ra sôi nổi.

Qua thực hiện các chương trình, dự án, đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% số xã có đường cho xe cơ giới đến các thôn, bản; 69% các công trình thuỷ lợi đã được bê tông hoá, đảm bảo tưới tiêu cho 85% diện tích ruộng; 83% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống trường học, trạm xá, nhà văn hóa xã, thôn, điểm bưu điện văn hóa, điện sinh hoạt, chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường nông thôn... được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Thực hiện lồng ghép các chương trình về đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản, đào tạo nghề cho thanh niên, các chương trình hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Từ đó góp phần giúp kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm hàng năm bình quân trên 5%, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, thể hiện sự vận dụng có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực to lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đại bộ phận đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn: Tốc độ phát triển kinh tế chậm; nhiều nơi lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động lạc hậu; kinh tế lâm nghiệp tuy đã có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng chưa bảo đảm cho số đông đồng bào sống và gắn bó với nghề rừng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu; kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nơi khác trong tỉnh còn cao; một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chưa được bài trừ triệt để, bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số đang dần mai một, nhất là tiếng nói và trang phục; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc mặc dù được quan tâm thực hiện, nhưng kết quả còn hạn chế; hoạt động của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở một số địa bàn chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thiếu cán bộ có trình độ, năng lực (nhất là cán bộ địa phương là người dân tộc thiểu số)...

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện về công tác dân tộc trong tình hình mới. Việc triển khai, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân tộc còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào chưa được tập trung đúng mức, có lúc chưa kịp thời.

Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là: Tiếp tục triển khai 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, gắn với việc rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh giai đoạn 2011- 2015; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tổ chức tốt việc triển khai thực hiện quy hoạch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm đến năm 2020 cho phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Tiếp tục tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới… để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn về công nghiệp, thủy điện, thương mại, dịch vụ và các dự án kết cấu hạ tầng: đô thị thành phố Lào Cai, Sa Pa và các huyện, khu kinh tế cửa khẩu, giao thông… quy hoạch thêm các cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh và huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng nhằm thu hút các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện các giải pháp kiểm soát giá cả và kiềm chế lạm phát; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, củng cố và hoàn thiện mạng lưới phân phối để đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng với giá cả hợp lý, đặc biệt là các hàng hóa đầu vào của sản xuất, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, trong đó quan tâm nhiều hơn đến vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Hai là: Thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ các lĩnh vực này. Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; đào tạo nghề, đặc biệt là lao động nông thôn, vùng tái định cư để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện thí điểm việc xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, vùng thiên tai, chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện giảm nghèo bền vững. Giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc; tình trạng di cư tự do, và các tệ nạn xã hội khác. Ứng cứu, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai gây ra. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các trung tâm đô thị, khu du lịch, khu vực cửa khẩu, biên giới… để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút du lịch.

Ba là: Tiếp tục tập trung xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và các chính sách dân tộc của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 18/QĐ-TTg, Quyết định số 56/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng dân tộc. Chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II; xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin rằng thời gian tới, công tác dân tộc của tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực; các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc tiếp tục được thực hiện ngày càng tốt hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.

Doãn Văn Hưởng

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]