Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn Phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo

09:56 04/11/2014 Lượt xem: 1342 In bài viết

Việc phát huy các yếu tố nội lực để vượt khó, không chịu bó tay trước hoàn cảnh khó khăn, quyết chí vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo của đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn được thể hiện ở các yếu tố sau:

 Phát huy điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc trồng và phát triển các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao:

Nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, khí hậu của huyện Buôn Đôn có hai mùa rõ rệt. Cà phê là loại cây công nghiệp rất phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở vùng này, nên diện tích và sản lượng cà phê trong những năm qua tăng mạnh. Năm 2012 - 2013, diện tích cà phê đạt trên 3.600 ha, sản lượng gần 8.000 tấn/năm. Ở một số vùng, năng suất cà phê bình quân đạt 35 đến 40 tạ/ha. Bên cạnh đó, những năm gần đây, giá hạt tiêu trên thị trường khá cao và ổn định, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã làm giàu nhờ loại cây này. Năm 2013, sản lượng hạt tiêu đạt trên 900 tấn, tăng 128 tấn so với năm 2012. Cùng với việc trồng cà phê, hạt tiêu thì cây điều với đặc tính không kén đất cũng được trồng xen trong vườn tạp theo hướng tận dụng đất đai, không gian, lao động và tăng thu nhập. Đặc biệt cây điều phù hợp với nông dân nghèo, đồng bào dân tộc ít vốn, đầu tư ít, nên phát triển trồng cây điều còn có ý nghĩa lớn trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng, biết sử dụng đúng các nguồn lực để "góp gió thành bão":

Với việc kết hợp chính sách của Nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của người khá dành cho người nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện quan điểm đó, trong những năm qua đồng bào các dân tộc của huyện đã tranh thủ được sự hỗ trợ về vốn, đất sản xuất của Nhà nước và sự ủng hộ của cộng đồng trong việc phát triển kinh tế. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ cho người nghèo về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 10,1 tỷ đồng; trong đó thanh toán tiền khai hoang gần 290 triệu đồng; giải quyết cấp phát kinh phí mua bò thay thế đất sản xuất cho 325 hộ với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, các hộ đồng bào DTTS nghèo đã có đất sản xuất, có nhà ở và nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn. Chương trình đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn có các chương trình hỗ trợ khác như 102, 1592… nên đã trực tiếp hỗ trợ cho hộ nghèo có vốn, tư liệu phục vụ sản xuất, cải thiện, ổn định cuộc sống.

Sự cần cù, chịu khó trong lao động; biết tính toán làm ăn để có cân đối thu chi trong ngân sách gia đình:

Đây là yếu tố được xem là chủ đạo cho công cuộc thoát nghèo bền vững, bởi nếu không chịu khó, tính toán thì dù có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cũng như sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước hay cộng đồng thì cũng rất khó để đồng bào thoát nghèo bền vững. Trên thực tế đã có rất nhiều hộ đồng bào khi được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước đã thoát nghèo, nhưng sau đó lại tái nghèo. Khi nghiên cứu về vấn đề giảm nghèo tại các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổ chức Oxfam nhận được sự phản hồi của chính người dân rằng, “Nhà nước còn cho hộ nghèo như thế này, cả tiền, bò, gạo, thì người dân còn trông chờ, hộ nghèo còn nhiều… Nên khuyến khích, ví dụ ai đi khai hoang làm ruộng nhiều thì nghiệm thu cho tiền, người ta mới chịu khó làm… Nếu ai cũng chịu khó là thoát nghèo hết thôi”. Vì vậy, sự cần cù chịu khó trong lao động, biết tính toán làm ăn, ý thức tự lực, tự cường, không chịu bó tay trước hoàn cảnh khó khăn là nhân tố hết sức quan trọng để đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn nói riêng, cả nước nói chung vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo bền vững.

Với việc phát huy các yếu tố nội lực, vươn lên thoát nghèo nên trong những năm qua thu nhập bình quân đầu người theo giá cố định năm 2006 là 7,4 triệu đồng, đến năm 2012 tăng lên 14 triệu đồng… Tỷ lệ đói nghèo giảm rõ rệt, số hộ khá, hộ giàu ngày một tăng, góp phần làm giảm mạnh tình trạng di cư tự do; đồng bào yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ gia đình khá trong huyện còn thấp, trong khi số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao và chủ yếu tập trung vào các dân tộc như Ê Đê, Gia Rai... Do đó, để phát huy các yếu tố nội lực, giúp đồng bào các dân tộc ở huyện Buôn Đôn vươn lên thoát nghèo bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Rà soát, bổ sung và đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách trợ giúp xã hội như hỗ trợ đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận được các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội cho đồng bào trên địa bàn huyện; tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp. Cần xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện làm căn cứ xác định đối tượng thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

- Phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong việc mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao (cà phê, hạt tiêu…). Đồng thời chuyển giao các loại giống mới và áp dụng khoa học vào sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, bằng cách đào tạo các nghề có thế mạnh và truyền thống của địa phương, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài...

- Nhân rộng mô hình giảm nghèo “là một kênh quan trọng để nhân rộng các phương pháp, cách làm ăn mới và hiệu quả về giảm nghèo trong thời gian tới”.

- Bên cạnh việc phát huy thế mạnh các tiềm năng sẵn có thì cần tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong việc vượt khó, quyết chí vươn lên để tự thoát đói nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt vấn đề này trước hết phải ưu tiên đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài. Đây là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, nhưng hiệu quả sẽ mang lại thiết thực và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi khi được đào tạo bài bản, có ý chí vươn lên làm giàu, cùng với ý thức tự tôn dân tộc sẽ là đòn bẩy giúp cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.

TS. GIANG KHẮC BÌNH Trường Cán bộ Dân tộc - Ủy ban Dân tộc