Xóa đói giảm nghèo ở huyện Lắk

02:55 25/11/2014 Lượt xem: 1171 In bài viết

Nhận rõ tầm quan trọng của vốn trong quá trình sản xuất, xóa đói giảm nghèo, trong hơn 3 năm qua, huyện Lắk đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo cơ chế thủ tục cho vay và thu hồi vốn đơn giản, thuận tiện. Đối tượng cho vay được mở rộng, ngoài hộ nghèo còn có: học sinh, sinh viên nghèo, các hộ dân tộc thiểu số sống trong vùng đặc biệt khó khăn, người đi xuất khẩu lao động... Trong 3 năm (2011 - 2013), đã thực hiện giải ngân với tổng nguồn vốn cho vay gần 74,3 tỷ đồng. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay nên các hộ nghèo có điều kiện để ổn định đời sống phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp và hỗ trợ phát triển ngành nghề, giúp hộ nghèo những kiến thức về phát triển kinh tế, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và mùa vụ; kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi coi trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, phòng trừ bệnh hại nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác tập huấn cho người nghèo, Trạm Khuyến nông huyện còn áp dụng biện pháp kết hợp giữa giảng lý thuyết với tổ chức tham quan các mô hình điểm để bà con nông dân từng bước áp dụng và thực hiện. Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức được 233 lớp tập huấn với hơn 5.900 lượt người tham gia, triển khai 28 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở 12 cuộc hội thảo về các loại cây trồng, vật nuôi mới thu hút trên 700 lượt người tham gia. Cách làm này đã giúp cho bà con, nhất là các hộ nghèo có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Tổ chức tuyên truyền cho người dân tại các thôn, buôn sinh sống gần rừng biết, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2011 đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, Ban Quản lý rừng lâm sinh- văn hóa- môi trường Hồ Lắk và Công ty Lâm nghiệp Lắk đã tổ chức gần 650 đợt tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 6.200 lượt người tham gia. Về dạy nghề, đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn và hướng dẫn cách làm ăn cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo với trên 400 lao động.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với các ngành chức năng vận động cán bộ, nhân dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, với số tiền vận động được gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã tổ chức xây dựng được 102 ngôi nhà đại đoàn kết và hỗ trợ xây dựng 65 ngôi nhà cho hộ nghèo tại thị trấn Liên Sơn theo Chương trình 167, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có chỗ ở để ổn định cuộc sống.

Thực hiện nghiêm túc Nghị định 49/2010/NĐ-CP, ngày 14/5/2010 của Chính phủ về quy định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2011 đến 2015 nên đã đạt kết quả khả quan. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách trên, các trung tâm dạy nghề của tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ… đã phối hợp, tổ chức dạy nghề cho gần 400 lao động là thanh niên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2013, Trung tâm dạy nghề huyện Lắk đã mở được 3 lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 105 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 25,33%, không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; đời sống của đại đa số người dân từng bước được nâng lên, đặc biệt là nhóm hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Huyện đã đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đối với công tác giảm nghèo, coi mục tiêu xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát, điều tra chính xác hộ nghèo và nguyên nhân dẫn đến đói nghèo để có chủ trương, kế hoạch và biện pháp, chế độ hỗ trợ phù hợp theo quy định. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo để chủ động trong việc lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn huyện và nâng cao hiệu quả hoạt động giảm nghèo.

Thứ hai, chủ động làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chế độ chính sách đối với người nghèo, cận nghèo, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời giúp người nghèo hiểu được những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo từ đó động viên người nghèo tự vươn lên thoát nghèo .

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và lựa chọn nghề thích hợp theo Đề án 1956 cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tạo việc làm và thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo. Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm là giải pháp căn bản và lâu dài để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Ưu tiên cho người nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu học nghề để chuyển đổi việc làm đáp ứng nhu cầu lao động qua dạy nghề ngắn hạn của các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trang bị kiến thức về nông, lâm, ngư cho hộ nghèo có lao động, có đất nhưng thiếu kiến thức làm ăn, thiếu kiến thức sản xuất, còn ràng buộc bởi tập quán canh tác cũ, lạc hậu, điều kiện sản xuất khó khăn. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn, đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn theo quy định.

Tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất, các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia sản xuất. Hỗ trợ người nghèo nâng cao kiến thức, hướng dẫn cách tổ chức và bố trí sản xuất hợp lý, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; đồng thời giúp họ tiếp cận được với thông tin thị trường để tìm “đầu ra” cho các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả của các hộ nghèo, xã nghèo; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo được thụ hưởng từ mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Duy trì và mở rộng các mô hình có hiệu quả hiện có bằng nguồn lực từ ngân sách và đặc biệt là sự tham gia tích cực từ chính các hộ nghèo.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo. Có làm tốt công tác kiểm tra, giám sát mới nắm chắc tình hình nghèo đói, phát huy nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế tốt, chấn chỉnh kịp thời những khuyết điểm, sai phạm, những nơi vận dụng chính sách không đúng; những chính sách chậm đi vào cuộc sống. Phân công cụ thể các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo theo dõi, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo và có biện pháp đề xuất hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao chính xác, kịp thời.

Thứ năm, thực hiện tốt chính sách khen thưởng, động viên các địa phương có cách làm hay, chủ động sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Mỗi địa phương định kỳ trước ngày 31/12 hoặc trong quý I hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết công tác giảm nghèo. Điểm mấu chốt của hội nghị tổng kết là phải đánh giá, nhận dạng nguyên nhân của đói nghèo, tái nghèo, rút ra những kinh nghiệm bổ ích về xóa đói giảm nghèo để tham khảo nhân ra diện rộng trong toàn huyện.

TS. Nguyễn Thế Tư
Học viện Chính trị Khu vực III (Đà Nẵng)
(Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]