Kế thừa và phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam
02:53 25/11/2014 Lượt xem: 5562 In bài viếtTrong các hình thức tín ngưỡng dân gian của nhân dân ta, thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng tồn tại phổ biến và lâu bền nhất. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, thờ cúng tổ tiên vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam; là nét đẹp văn hóa truyền thống, thấm đượm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là sự tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nhắc con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi sinh thời và thờ phụng lúc “về với tiên tổ”. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, đã và đang có ảnh hưởng tích cực tới việc củng cố khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Hiện nay, thờ cúng tổ tiên, lễ hội diễn ra phổ biến ở các địa phương - một hoạt động góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, gần đây, ở một số nơi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có chiều hướng gây tác động tiêu cực: kích thích mê tín dị đoan dẫn đến tốn kém, lãng phí về thời gian, tiền bạc, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của nhân dân. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về thờ cúng tổ tiên để tìm ra những giá trị tích cực cần giữ gìn và phát huy, hạn chế tác động tiêu cực là vấn đề mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm góp phần lành mạnh hóa các hoạt động tín ngưỡng, hướng vào các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, xây dựng đất nước phát triển ngày càng bền vững.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có vai trò to lớn trong việc kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, nhằm duy trì không gian thiêng liêng, môi trường văn hóa truyền thống. Tại nơi thờ cúng tổ tiên chứa đựng bao giá trị văn hóa truyền thống quý báu, vô hình về tấm gương lao động quên mình, công lao dẹp giặc, tính cách cao đẹp của tiền nhân được cụ thể trong gia phả, tộc phả, có ý nghĩa giáo dục rất lớn với con cháu. Mỗi khi thắp nhang, sự thiêng liêng cao cả dồn đến bao quanh, thể hiện giá trị tâm linh mà thờ cúng tổ tiên có được để mãi mãi tồn tại bền vững. Vào những ngày lễ tại gia đình, hội làng, con cháu tổ chức rước kiệu tưởng nhớ Thành Hoàng làng, các vị tổ sư, tổ nghề, các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc đã có công với làng, nước. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội tiêu biểu nhất, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên là tấm lòng
thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng cuộc sống
cho hậu thế, thể hiện niềm tin linh hồn người đã khuất vẫn về thăm, phù hộ cho
con cháu ăn nên làm ra, tránh gặp tai họa. Trên thực tế, thờ cúng tổ tiên là một
phong tục truyền thống của dân tộc, cho dù không phải là bắt buộc song là luật
bất thành văn trong đời sống tâm linh của mỗi người, mỗi nhà. Qua bao nhiêu thế
hệ và biến cố của lịch sử, đạo lý thờ cúng tổ tiên vẫn tồn tại và phát triển.
Trong mỗi gia đình, bàn thờ được đặt ở vị trí trang trọng nhất, là nơi con cháu
thể hiện lòng biết ơn và mong muốn được gia tiên phù hộ.
Chịu sự chi phối của quan niệm vừa mong nhận được phúc âm của tổ tiên, vừa lo
trách nhiệm để phúc lộc cho con cháu, người Việt Nam thể hiện tình cảm không chỉ
đối với người đang sống mà cả với những người đã mất. Khi cúng lễ tổ tiên, một
mặt con cháu hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại, một mặt chuẩn bị hành
trang đạo lý cho thế hệ tương lai nối tiếp và phát triển.
Thờ cúng tổ tiên khơi dậy và giáo dục lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Sự kính hiếu với cha mẹ là giá trị tinh thần, là nội dung đạo đức trong gia đình truyền thống, ăn sâu trong nếp nghĩ, trở thành lẽ sống với mỗi người, không chỉ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của đạo làm con. Công cha, nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn kể sao cho xiết, bởi thế phải hiếu thảo với cha mẹ lúc sinh thời; thành kính, biết ơn, thương tiếc khi cha mẹ khuất núi về với tổ tiên.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong giáo dục đạo đức, được thể hiện ở đạo lý làm người, nết ăn ở, cách cư xử có trên, có dưới. Đó là nét đẹp của văn hóa gia đình, dân tộc, mặt khác, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, từ đó tạo nên truyền thống tốt đẹp lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đất nước đang vươn tới văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Gia đình là tế bào của xã hội và việc thờ cúng tổ tiên chiếm vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi gia đình nói riêng, cộng đồng người Việt Nam nói chung.
Dương Thị Hồng Duyên
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên
(Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]