Vai trò giáo dục của gia đình đến lối sống thanh niên

03:08 25/11/2014 Lượt xem: 6391 In bài viết

Thế giới đang diễn ra những biến động to lớn, những tác động nhiều chiều của xu thế toàn cầu hóa, quá trình giao lưu văn hóa thời hiện đại đang đặt thanh niên trước những đòi hỏi, thách thức mới. Lối sống của thanh niên Việt Nam có nhiều biểu hiện tiêu cực như buông thả bản thân, ích kỷ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hành xử bạo lực…Xu hướng gia tăng giới trẻ sa vào các tệ nạn xã hội và phạm tội, trong đó nghiêm trọng nhất là đại vấn nạn HIV/AIDS, nạn nghiện chất ma túy, nạn mãi dâm, nạn bị lệ thuộc vào “thế giới ảo”.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, trong đó, gia đình và giáo dục gia đình là một trong những yếu tố tác động quan trọng nhất đối với quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng đầu tiên, là môi trường xã hội gần gũi, quan trọng nhất, nơi các tương tác xã hội hằng ngày của thanh niên diễn ra thường xuyên nhất. Với tư cách là “tế bào”, là thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình là nơi nuôi dưỡng con người về thể chất và tinh thần. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì, gìn giữ và trao truyền các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc và động viên các thành viên của mình phấn đấu theo đúng chuẩn mực của xã hội. Đồng thời, gia đình vừa là màng lọc mà thông qua đó thanh niên tiếp nhận một cách có chọn lọc những tác động văn hóa từ bên ngoài, vừa như tấm lá chắn bảo vệ họ khỏi những tác động tiêu cực của xã hội. Gia đình chính là một trong những “yếu tố bảo vệ” quan trọng nhất đối với thanh niên Việt Nam. Vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển nhân cách và lối sống của thanh niên càng được khẳng định khi gia đình là nơi tin cậy để họ tham vấn các vấn đề quan yếu trong cuộc sống như sức khỏe, công việc, hôn nhân, tình yêu, tín ngưỡng tôn giáo…

Theo SAVY (Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003), đa số thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 14 đến 25 đang sống trong gia đình cùng với cả cha và mẹ. Trong số hơn 7.800 thanh niên được hỏi có tới 82,7% ở nhóm tuổi 22-25 và 90,9% đang sống tại gia đình có đủ cả cha lẫn mẹ. Chỉ có 2,6% trong số đó cho biết có cha, mẹ ly dị (con số này ở khu vực thành thị là 4,7%, nông thôn là 2%). Có tới 95% số thanh niên được hỏi cho biết họ có mối quan hệ gắn bó với gia đình và cảm thấy mình có ý nghĩa đối với gia đình. Như vậy, đa số thanh niên Việt Nam hiện nay đã từng được sống cùng với gia đình mình và được thụ hưởng giáo dục gia đình trong độ tuổi trẻ em - độ tuổi bắt đầu hình thành và định hướng về phát triển nhân cách và lối sống trong đời người. Sống trong môi trường giáo dục gia đình “dân chủ” sẽ hoàn toàn khác với sống trong môi trường giáo dục “không quan tâm, bỏ mặc” hay “gia trưởng, độc đoán”. Cho dù trong xu hướng phát triển chung của xã hội hiện đại thì tỷ lệ thanh niên sống trong gia đình và lượng thời gian thanh niên sống cùng gia đình cũng như số lượng thế hệ sống trong gia đình ngày một giảm đi, song gia đình vẫn là nơi phần lớn các tương tác xã hội quan trọng nhất diễn ra và tác động tới quá trình hình thành, phát triển nhân cách, định hướng giá trị và lối sống của con người trong độ tuổi trẻ em và thanh niên.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó gia đình và giáo dục gia đình cũng có những tác động tiêu cực đến lối sống của thanh niên. Theo kết quả điều tra của Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì có tới 45,9% số thanh niên nghiện ma túy cho biết họ không nhận được sự quan tâm của gia đình và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ không kiềm chế được bản thân, dẫn đến nghiện hoặc tái nghiện ma túy. Theo đó, có tới 39,5% số thanh niên nghiện ma túy cho biết cha mẹ và người thân trong gia đình không muốn biết họ đi đâu và làm gì vào buổi tối, 25,3% cho biết bố mẹ chỉ hỏi qua loa. Trong khi đó, có tới 58% số thanh niên này cho biết lý do nghiện ma túy của những người mà họ biết là do được gia đình quá nuông chiều, hoặc quan tâm không đúng cách. Có tới 50% số thanh niên nghiện ma túy cho rằng do thiếu việc làm, phải đi làm ăn xa nhà, thiếu sự quan tâm của gia đình nên đã bị vướng vào ma túy và một số tệ nạn khác. Phần lớn số nữ thanh niên bị sa vào tệ nạn mại dâm khi đang ở trong độ tuổi thanh niên là do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình. Hầu hết các gia đình của gái mại dâm đều có vấn đề, nhất là những gia đình có người thân liên quan đến gái mại dâm, gia đình có người nghiện ma túy, gia đình có người có tiền án, tiền sự và một số gia đình có thành viên liên quan đến các loại tệ nạn xã hội khác. Phân tích về nguyên nhân khiến số thanh thiếu niên phạm tội có xu hướng tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: “Kết quả điều tra những năm gần đây cho thấy 38,8% người chưa thành niên vi phạm pháp luật xuất thân từ những gia đình có cha mẹ làm nghề buôn bán; trong đó số trẻ em được trực tiếp phỏng vấn có 52,4% là đang sống với cha mẹ, được cha mẹ nuôi dưỡng, số còn lại là sống trong hoàn cảnh gia đình không bình thường: 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, 9,03% sống với người khác. Trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật có tới 17% là những kẻ lang thang, vô gia cư; 71,37% số trẻ thành niên vi phạm pháp luật trả lời không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình”. Theo báo cáo khác của Bộ Tư pháp, thanh thiếu niên phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp. Số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cho thấy, tỉ lệ người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%... Như vậy, phần lớn thanh niên sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội hoặc lựa chọn các xu hướng lối sống tiêu cực, sa đọa như buông thả bản thân, nghiện game online, ích kỷ, thờ ơ vô cảm, hành xử bạo lực… đều do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình; có thể chia thành những trường hợp sau:

1. Gia đình của thanh niên đã bị “hỏng từ gốc”, tức chính ông bà, cha mẹ của họ đã phạm tội hoặc sa vào tệ nạn. Thanh niên xuất thân từ những gia đình này dễ bị sa vào tội phạm, tệ nạn và lựa chọn các lối sống tiêu cực như một sự tiếp nối tự nhiên “truyền thống” gia đình.

2. Gia đình bỏ mặc, không quan tâm đến con. Có những gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên bố mẹ không thể nuôi dạy, quan tâm đến con. Ngược lại, có những gia đình khá sung túc, nhưng bố mẹ do mải làm ăn, kiếm tiền nên không quan tâm đến con.

3. Cách giáo dục gia đình không đúng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách, định hướng lối sống của thanh niên. Có những thanh niên vốn được coi là ngoan, hiền, nhưng đột nhiên “dạt nhà”, “đi bụi”, phạm tội, thậm chí tự tử chỉ vì những xung đột nhỏ trong gia đình, như bị cha mẹ mắng mỏ, hoặc cho là bị cha mẹ, người thân coi thường, đối xử không công bằng… Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ rằng bố mẹ và gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa.

Gia đình và giáo dục gia đình là yếu tố tác động quan trọng nhất trong quá trình vận động xây dựng lối sống tích cực, hiện đại và lành mạnh, ngăn ngừa các xu hướng lối sống tiêu cực, lạc hậu trong thanh niên nước ta hiện nay. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tạo những điều kiện cần thiết để gia đình và giáo dục gia đình đóng góp nhiều hơn vào việc giáo dục và định hướng lối sống cho giới trẻ hiện nay. Để xây dựng môi trường giáo dục trong gia đình, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Cha mẹ ý thức được trách nhiệm của mình; Xác định mục tiêu giáo dục con; Thống nhất trong giáo dục; Làm gương; Tổ chức lối sống gia đình lành mạnh; Tôn trọng con, hiểu con để có phương pháp giáo dục đúng.


ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Lý luận Chính trị
Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
(Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]