Một số kinh nghiệm thực hiện công tác dân tộc ở Gia Lai

03:21 25/11/2014 Lượt xem: 1744 In bài viết

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; đường giao thông đến thôn, buôn một số nơi được cứng hóa; 100% thôn, buôn, làng có điện lưới, trên 85% hộ đồng bào được sử dụng điện; trên 70% hộ đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh; nhiều nơi được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có trạm y tế... Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp: xoá nhà dột nát, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách... đã giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi với những dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin... Hiện nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; số hộ nghèo hàng năm giảm nhanh; 95% số trẻ trong độ tuổi đến trường được huy động vào lớp 1, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 23%, trên 90% phụ nữ mang thai được chăm sóc sức khỏe sinh sản; các loại sách, báo, tạp chí chuyên đề về dân tộc được cấp đến các trường mầm non, trường phổ thông dân tộc bán trú và nội trú; đã phủ sóng phát thanh, truyền hình các vùng trong tỉnh; Báo Gia Lai xuất bản bằng 2 thứ tiếng (Gia Rai, Ba Na) phát hành đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Thông qua các chính sách dân tộc, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được bổ sung về số lượng, chuẩn hoá trình độ, nhận thức, bản lĩnh chính trị được nâng lên một bước, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng bào các dân tộc nhận thức sâu sắc chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; bản thân đã có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Những chủ trương, chính sách mang tính căn bản, kịp thời của Đảng, Nhà nước đã tạo nền tảng hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ở Gia Lai có một số đặc thù: tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,5% dân số toàn tỉnh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số rất cao (gần 83%); chênh lệch mức sống giữa người Kinh với vùng dân tộc thiểu số, giữa vùng thuận lợi và khó khăn có xu hướng ngày càng gia tăng; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống yếu và thiếu, nhất là đường giao thông liên thôn, liên xã, hệ thống thuỷ lợi, cơ sở giáo dục mầm non ở các xã vùng sâu, vùng xa; chất lượng giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế phục vụ đồng bào còn nhiều hạn chế do thiếu bác sỹ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bọn phản động FULRO lưu vong, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đói nghèo luôn tìm cách lôi kéo, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Do nhiều nguyên nhân, một số người dân thiếu đất sản xuất, không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hẹp đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sản xuất và sinh hoạt. Tình hình di cư tự do làm tăng gánh nặng cho địa phương do phải đầu tư để ổn định đời sống nhân dân vùng di cư. Một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, chưa đủ sức giải quyết vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở...

Để thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc do Chính phủ ban hành; Nghị quyết của Tỉnh uỷ Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định: tập trung đầu tư, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành trong tỉnh. Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh đã xây dựng và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng dân tộc, biên giới của tỉnh nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu là các chính sách: tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp nhau trong phát triển kinh tế thông qua sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp để có năng suất, giá trị kinh tế cao, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng... Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn; từng bước tạo điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, trước hết là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nghèo, huyện nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, giữa thành thị và nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về công tác cán bộ, căn cứ tình hình thực tế, tỉnh áp dụng nhiều hình thức: cử đi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại chỗ để bố trí vào bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở; ưu tiên xét tuyển, thi tuyển, bố trí sử dụng đối với người dân tộc thiểu số; bố trí sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào lớp cán bộ dự nguồn để từng bước thay thế các vị trí chủ chốt cấp xã, trong đó đặc biệt quan tâm cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số...

Bước đột phá của địa phương chính là công tác tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Gia Lai là một trong những địa phương được Ban Tổ chức Trung ương đánh giá thực hiện tốt việc củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số trên các ngành, lĩnh vực công tác.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, tỉnh đúc kết được một số kinh nghiệm:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền cơ sở về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, chú trọng tạo nguồn để bổ sung vào bộ máy cấp uỷ, chính quyền cơ sở, kịp thời thay thế những cán bộ lớn tuổi, hạn chế về trình độ, bản lĩnh chính trị.

Thứ hai, trong công tác tuyển dụng công chức ở cơ sở phải căn cứ vào nhu cầu, công việc cụ thể và thực tế địa phương để xác định yêu cầu về trình độ, phẩm chất khi tuyển dụng. Đây cũng là căn cứ để có quy định xét tuyển, cụ thể hoá chế độ ưu tiên tuyển dụng một cách thiết thực, có tính khả thi cao đối với người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, trẻ, người tại chỗ.

Thứ ba, có kế hoạch luân chuyển, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về những xã yếu kém, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khi luân chuyển, tăng cường cán bộ về các vùng này phải xác định nhiệm vụ cụ thể trong việc tạo nguồn cán bộ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính khi luân chuyển, tăng cường cán bộ.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở gắn với tạo nguồn cán bộ để bổ sung, thay thế từ nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó cần đặc biệt chú trọng con em người dân tộc thiểu số ở địa phương. Lựa chọn nguồn cán bộ để đào tạo phải đảm bảo công minh, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo kế hoạch đã xây dựng. Có phương án cụ thể bố trí, sử dụng sau đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục tình trạng đào tạo xong thì không bố trí. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có chế độ ưu đãi khi đưa cán bộ là người dân tộc thiểu số đi học để động viên họ yên tâm học tập nâng cao trình độ. Ngoài việc đưa đi đào tạo ở các trường do Trung ương mở, tỉnh có chủ trương cho phép các huyện liên kết với các trường trong và ngoài tỉnh mở các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học cho cán bộ đi học tại địa phương. Do vậy chất lượng cán bộ trẻ, cán bộ tại chỗ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền cơ sở trong thời kỳ mới.

Thứ năm, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ các cấp. Hằng năm, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, thực hiện nghiêm tỷ lệ cán bộ trong xây dựng và chuẩn bị nhân sự cấp uỷ, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, mạnh dạn cho số cán bộ công chức không đạt chuẩn do trình độ, bản lĩnh chính trị hạn chế, tuổi cao, sức yếu nghỉ công tác và thực hiện tuyển dụng, sử dụng cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo cơ bản đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo ở cấp xã.

Hà Sơn Nhin
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai
 (Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]