Chế định quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trong các bản Hiến pháp

04:23 07/05/2015 Lượt xem: 1682 In bài viết

Với xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Ngoài những chế định chung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các bản Hiến pháp Việt Nam còn có những chế định riêng về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đặt ra những chế định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số thì cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước phải có nghĩa vụ trong việc đảm bảo cho đồng bào thực hiện quyền của mình cả trên phương diện pháp lý cũng như trên thực tế.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc, bắt tay xây dựng chế độ xã hội mới. Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội khoá I thông qua ngày 9/11/1946 gồm 7 chương, 70 điều, trong đó Điều 8, 15, 24, 66 là những chế định riêng về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiến pháp năm 1946 đã nêu lên sự bình đẳng về quyền lợi giữa đồng bào thiểu số với đồng bào cả nước. Bình đẳng về quyền lợi ở đây được hiểu là bình đẳng trước pháp luật và trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá. Trong đó về chính trị là “được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Về sử dụng ngôn ngữ trong giáo dục và trong tư pháp, Hiến pháp quy định “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình” (Điều 15) và “Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án” (Điều 66). Hiến pháp cũng quy định rõ việc số nghị viên của những đô thị lớn và những địa phương có quốc dân thiểu số sẽ do luật định (Điều 24). Ngoài ra, Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “đồng bào thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8).

Những chế định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số được ghi nhận vào bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tới đồng bào. Tuy không được công bố song những tư tưởng của Hiến pháp năm 1946 về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số đã được thể hiện trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã thành lập Nha Dân tộc thiểu số để thực hiện việc chăm lo đời sống vì sự phát triển của đồng bào. Nhờ những chính sách đúng đắn đó đã huy động được sức người, sức của to lớn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã có sự đóng góp rất lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hoá và Tây Bắc.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước. Trong giai đoạn cách mạng mới, đứng trước nhiệm vụ to lớn và nặng nề, Hiến pháp năm 1959 được Quốc hội khoá I thông qua ngày 31/12/1959. Trong đó có 8 điều (Điều 3, 82, 92, 93, 94, 95, 96 và 102) có liên quan trực tiếp về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nếu như ở Hiến pháp năm 1946 quyền của đồng bào dân tộc thiểu số được quy định rải rác tại các điều thì Hiến pháp năm 1959 cơ bản đã đưa chúng về một điều (Điều 3) càng thể hiện tầm quan trọng của chế định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.

 Cụ thể hoá hơn nữa quy định: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” trong Điều 8 Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã ghi rõ chủ thể có trách nhiệm giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số là Nhà nước. Điều 3 Hiến pháp năm 1959 ghi: “Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hoá chung”. Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Hội đồng nhân dân có trách nhiệm trong việc “bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc” ở địa phương. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm...

Hiến pháp năm 1959 bổ sung việc quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước Toà án (Điều 102) thay vì chỉ có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án theo như quy định tại Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội khoá VI thông qua ngày 18/12/1980 gồm có 12 chương, 147 điều. Trong đó có 5 điều (Điều 5, 91, 93, 115, 134) quy định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng như Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 đã giành riêng một điều (Điều 5) để quy định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và có kế hoạch xoá bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển kinh tế và văn hoá.
Điểm mới của Hiến pháp năm 1980 là ở chỗ, nó đã đưa ra quy định về một thiết chế mới trong việc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước những vấn đề dân tộc; giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát việc thi hành chính sách dân tộc là Hội đồng dân tộc. Chủ tịch Hội đồng dân tộc có quyền tham dự các phiên họp của Hội đồng Nhà nước (Điều 91).

Hội đồng dân tộc có quyền yêu cầu các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và những nhân viên hữu quan khác trình bày hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Những người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó (Điều 93). Hiến pháp cũng quy định Hội đồng nhân dân có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc (Điều 115).

Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội) gồm 12 chương, 147 điều, trong đó có 6 điều (Điều 5, 36, 39, 94, 96, 133) quy định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số và trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào.

Hiến pháp cũng quy định tại Điều 5 về chính sách dân tộc của Nhà nước là Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn thiết chế làm công tác nghiên cứu chính sách dân tộc thuộc Quốc hội là Hội đồng dân tộc và mở rộng thẩm quyền của cơ quan này ở chỗ, Hội đồng dân tộc không chỉ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội những vấn đề về dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc mà còn có quyền giám sát việc thi hành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Hiến pháp cũng quy định việc trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 28/11/2013 gồm 11 chương, 120 điều. Trong đó có 5 điều (Điều 5, 58, 61, 75, 77) quy định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc cũng như thiết chế làm chính sách dân tộc.

Hiến pháp cũng giành Điều 5 quy định quan điểm về xây dựng chính sách dân tộc cơ bản và lâu dài của Nhà nước là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình, và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển vùng đồng bào dân tộc. Trước thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về việc Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số và ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 58 và Điều 61).

Điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản hiến pháp trước đây là ở chỗ, Hiến pháp năm 2013 không chỉ đưa ra quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, mà quan trọng hơn là Nhà nước tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước (TG nhấn mạnh). Đây là tư duy mới ghi nhận và khẳng định sự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số chứ không phải chỉ là trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Trách nhiệm quan trọng của Nhà nước là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi để đồng bào phát huy nội lực của mình vươn lên phát triển toàn diện. Đó là điều căn cơ, lâu dài, bởi chỉ khi nào đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ cuộc sống của mình thì mới có bình đẳng thực sự. Như vậy, qua các bản Hiến pháp Việt Nam, tư tưởng lập hiến đã tiệm cận với sự bình đẳng trên thực tế giữa các dân tộc ở Việt Nam, dần thoát khỏi tư tưởng trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, là điều kiện để từng bước xoá bỏ sự kỳ thị dân tộc.

ThS. Nguyễn Đức Hòa
Học viện Cảnh sát Nhân dân - Bộ Công An

(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]