Kinh nghiệm thực hiện công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa

10:41 25/03/2013 Lượt xem: 893 In bài viết

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Từ sự chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy và sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh nên ngay từ những ngày đầu của năm 2011, toàn thể các cấp, các ngành trong tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của công tác dân tộc đề ra, lập thành tích cao nhất chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Cơ quan công tác dân tộc Thanh Hóa (4/4/1947). Từ phong trào thi đua, các huyện miền núi đã có nhiều sáng kiến phát động đồng bào các dân tộc thi đua lao động, sản xuất, huy động sức người, sức của tập trung vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Kết quả thi đua của các cấp, các ngành, trong đó Ban Dân tộc Thanh Hóa là nòng cốt đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ năm 2011. Nhìn tổng quát từ công tác quản lý, chỉ đạo đến thực thi các chương tình, dự án, chính sách cho thấy kết quả rất khả quan, 100% các chỉ tiêu kế hoạc đều hoàn thành. Chương trình 135, tiếp tục triển khai xây dựng 15 công tình kết dư của năm 2010 trên địa bàn 8 huyện đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng và Dự án Đào tạo cán bộ đã mở 19 lớp với 1.347 học viên là Bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm các thôn bản, người có uy tín tham gia học tập. Dự án Trung tâm cụm xã tiếp tục thực hiện 35 hạng mục công trình của 13 Trung tâm cụm xã, đã hoàn thành 27 công trình, các công trình còn lại do thiếu vốn nên tiến độ thi công chậm. Chương trình 134 đã hoàn thành 24 công trình nước sinh hoạt tập trung và 2.382 công trình phân tán với tổng kinh phí 26 tỷ đồng. Dự án định canh định cư đã thực hiện 02 công trình thủy lợi, 02 công trình nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Mông ở xã Phú Sơn và xã Trung Thành (huyện Quan Hóa). Các chính sách hỗ trợ người dân (Quyết định 102), cho hộ nghèo vay vốn (Quyết định 32) đều triển khai thực hiện đạt 100% kế hoạch. Nhìn chung, công tác dân tộc năm 2011 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nên tất cả các nội dung công tác dân tộc và các chương trình dự án, chính sách dân tộc đều được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị vùng dân tộc và miền núi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục ngay: Dự án ổn định đời sống sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Mông huyện Mường Lát thực hiện không đạt tiến độ, nhiều công trình thi công kéo dài, có những công trình đến cuối năm 2011 thực hiện chưa được khởi công; Dự án Trung tâm cụm xã kết dư chuyển sang năm 2011 thực hiện chỉ đạt 77,1% kế hoạch. Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ chủ yếu là do thiếu vốn, thủ tục rườm rà, sự chỉ đạo điều hành của chủ dự án chưa sâu sát.

Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc ở Thanh Hóa, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm đó là phải gần dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân và gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, vận đồng đồng bào tin tưởng vào chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi đồng bào đã tin tưởng thì mọi công việc sẽ thành công. Bài học này đã được kiểm chứng qua 64 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 41 (4/4/1947) thành lập Ủy ban Hành chính Thượng du (tiền thân Ban Dân tộc Thanh Hóa) cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác dân tộc ở Thanh Hóa đã hình thành hệ thống từ tỉnh đến huyện và xã. Đây là mô hình tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc hoàn hảo để thực thi nhiệm vụ ở vùng khó khăn, phức tạp nhất của đất nước. Có bộ máy, có con người, có mục tiệu, nhiệm vụ cụ thể cho cả trước mắt và lâu dài nên công tác dân tộc ở Thanh Hóa luôn giữ được thế ổn định và phát triển liên tục trong suốt 64 năm qua. Do giữ được tính kế thừa và ổn định nên khi gặp khó khăn, phức tạp đã chủ động đề ra giải pháp giải quyết. Đó cũng là bài học trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở vùng dân tộc, miền núi. Bởi vì thực trạng ở những vùng dân tộc và miền núi phần lớn là việc khó, dân trí không cao, tiềm lực tài chính khó huy động, vì thế rất cần sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân để giúp đồng bào vượt qua khó khăn nghèo đói. Chính thực trạng này là nguyên nhân phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào các dân tộc vào sự đầu tư của Nhà nước. Những người làm công tác dân tộc hơn ai hết phải thấy rõ được cái “ngưỡng” đồng bào chưa vượt qua để vận động đồng bào vượt lên hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thực tế đã có nhiều tấm gương vượt khó làm giàu trở thành những điển hình tiên tiến. Đó là những nhân tố có sức lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc; đó chính là nội lực trong đồng bào đã được khơi dậy cần phát triển nhân rộng để nhân tố mới trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc triển khai thực hiện công tác dân tộc ở Thanh Hóa là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành trong tỉnh, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu liên tục được kiện toàn, tăng cường về tổ chức, bộ máy và con người, tạo thành hệ thống ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc. Đó có thể coi là bài học kinh nghiệm để các địa phương tham khảo, học tập.

Lê Vui