“Khoác áo mới” cho Nậm Nhùn
10:08 15/06/2015 Lượt xem: 1476 In bài viếtLà huyện mới được thành lập, Nậm Nhùn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo song song với công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật, di dân tái định cư (TĐC). Điều này đòi hỏi cho Ban Lãnh đạo huyện phải có những hoạch định cụ thể, những bước đi vững chắc, những cách làm sáng tạo mang tính đột phá.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện, sau gần 2 năm thành lập, Nậm Nhùn đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Các chương trình, dự án như TĐC, Chương trình cây cao su, xây dựng Nông thôn mới… đã phát huy hiệu quả thiết thực, huyện miền núi của tỉnh Lai Châu như được khoác thêm chiếc áo mới. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm trước; tổng diện tích gieo trồng cây lượng thực có hạt đạt hơn 3.600 ha, đạt 102,3% kế hoạch; sản lượng gần 9.600 tấn, tăng 665,7 tấn so với cùng kỳ năm trước; trồng rừng mới 5 ha cây sơn tra tại xã Nậm Pì, đạt 100% kế hoạch. Cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được đầu tư đồng bộ. Công tác huy động học sinh ra lớp ở các ngành học, bậc học tiếp tục được nâng cao; triển khai thực hiện nghiêm túc các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: tiêm vắc xin sởi - rubella cho 8.532/8.776 trẻ em, phun tẩm hóa chất diệt muỗi, phòng chống sốt rét trên địa bàn 11/11 xã, thị trấn. Tổ chức tốt công tác tuyển quân; huấn luyện dân quân tự vệ 14/14 đầu mối, kết quả đạt khá; tổ chức diễn tập chiến đấu trị an tại xã Nậm Hàng, kết quả đạt loại giỏi.
“Để có được một Nậm Nhùn đổi mới như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lai Châu, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở, phải kể đến sự nỗ lực, ý chí vươn lên của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đồng bào đã ý thức được phải thoát nghèo, phải làm giàu từ đất, từ rừng. Đồng bào các dân tộc ở Nậm Nhùn đã biết sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, để làm giàu, điển hình như hộ gia đình ông Tào A Toi, người dân tộc Mảng ở bản Nậm Nó 1, gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”- ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn chia sẻ với phóng viên Tạp chí Dân tộc.
Huyện Nậm Nhùn phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống, do tập quán lâu đời, trình độ dân trí chưa cao, nên nhiều vùng còn tồn tại những hủ tục ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để xoá bỏ hủ tục, vận động bà con áp dụng những mô hình mới vào sản xuất… cần phải có những người có uy tín, được bà con tin tưởng, kính trọng làm công tác vận động, tuyên truyền. Nậm Nhùn luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ đó tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cải thiện điều kiện sản xuất, hỗ trợ giống - vốn để sản xuất, hướng dẫn sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho vay để trồng cây ngắn ngày, phát triển chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thu nhập. Song song đó là lồng ghép và gắn việc giảm nghèo với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương, củng cố mạng lưới khuyến nông, tăng cường bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các tổ tự quản của người nghèo, các tổ hỗ trợ hộ nghèo vượt khó.
Theo gợi ý của Chủ tịch huyện Phạm Đức Minh, chúng tôi đến Bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn. Bản có 242 hộ, 786 nhân khẩu với trên 80% dân tộc Thái. Phần lớn diện tích đất canh tác của bà con trong bản đã nhường cho việc xây dựng các hạng mục công trình nhà máy Thủy điện Lai Châu và phát triển diện tích cao su. Vì vậy cả bản Nậm Nhùn chỉ còn 6ha diện tích lúa nước, 60ha diện tích đất nương. Thiếu đất sản xuất nên việc canh tác, phát triển kinh tế hộ của bà con trong bản gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, Chi bộ bản kết hợp với các chi hội, đoàn thể bản vận động bà con tham gia chăm sóc cao su, làm công nhân tại công trường nhà máy Thủy điện Lai Châu. Bên cạnh đó tập trung phát triển chăn nuôi hộ gia đình, trồng rau xanh. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, các đảng viên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, đăng ký cho con em đi làm công nhân trồng cao su và làm công nhân ở công trường thủy điện Lai Châu. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau màu cho bà con, đặc biệt đối với các hộ nghèo… Đến nay cả bản đã có 3ha đất trồng rau xanh các loại, 300 con trâu, 80 con bò, hàng nghìn con lợn, gà, vịt. Sản phẩm thu về không những đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình mà còn cung ứng cho công trường xây dựng thủy điện Lai Châu… tăng thêm thu nhập.
Ông Mào Văn Siêng, Trưởng bản Nậm Nhùn cho biết: “Để những hộ nghèo trong bản sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, Chi bộ bản đã phối hợp với các chi hội thành lập nhóm nhận giúp đỡ một hộ nghèo. Từ đó, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp. Theo đó, nhà nào có lao động thì được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất, nhà nào thiếu lao động, thiếu đất sản xuất thì mọi người trong bản cùng nhau giúp sức khai hoang thêm ruộng, cho mượn trâu, bò để cày cấy. Vận động các hộ nghèo tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, mô hình trồng trọt, chăn nuôi do xã, thị trấn tổ chức. Giám sát, giúp đỡ các hộ nghèo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn, phát triển kinh tế gia đình”.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc chủ động khơi dậy nguồn lực sẵn có, phát huy thế mạnh của địa phương trong lao động, sản xuất, Nậm Nhùn rất cần thêm nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh Lai Châu đối với tất cả các lĩnh vực để thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Một mùa xuân mới đang về trên mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc, chúc cho công cuộc xây dựng và phát triển của Nậm Nhùn thành công, tiếp tục chăm lo tốt đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thanh Uyên
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]