Góp sức đổi mới nông thôn

10:02 15/06/2015 Lượt xem: 1025 In bài viết

Sau hơn nửa tiếng trèo đồi để “mục sở thị” vườn quýt của gia đình ông, chân chúng tôi đã mỏi, thời tiết của ngày đông giá lạnh mà mồ hôi túa ra, họng khát khô. Nhận từ bàn tay chai sần của ông Thành những trái quýt vàng, quả quýt vỏ mỏng, các múi đều nhau, tép căng mọng. Ăn những múi quýt, cảm giác mệt mỏi trong chúng tôi dường như tan biến. Vị quýt Mường Khương ngọt đậm có thể ăn no được mà không biết chán.

Đi trong vườn quýt sai trĩu quả, ông Thành kể: Trước kia gia đình tôi có 10 ha đất đồi cằn cỗi, lại dốc và nhiều đá. Đất nhiều, sức người cũng có nhưng gia đình vẫn nghèo. Sau nhiều đêm tôi trăn trở suy nghĩ, cùng sự ham học hỏi và chịu khó lao động, nay gia đình đã được có cơ ngơi khang trang. Có được kết quả như ngày hôm nay còn có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tôi được tham gia học tập nên mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Trong vườn hiện có hơn 13.000 cây quýt đang thời kỳ thu hoạch quả, tôi còn nhân giống bán cho các hộ dân có nhu cầu trồng quýt. Năm nay quýt được mùa, thu hái hết vườn được khoảng 50 tấn quả, bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg như hiện nay, thu về hơn 500 triệu đồng. Quýt chở ra chợ đến đâu, người dân mua hết ngay đến đó.

Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn, luôn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên và bà con lối xóm. Hiện gia đình ông nhận giúp đỡ 04 hộ nghèo với số vốn cho vay là 20 triệu đồng không lấy lãi, trong thời gian 4 năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Dậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhớ lại những thành tích được khen thưởng của gia đình ông Thành, vui vẻ nói: Từ năm 2008 đến nay gia đình ông Thành liên tục đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh; được Ủy ban nhân dân huyện Mường Khương tặng nhiều Giấy khen; năm 2010 được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi giai đoạn 2006-2010”. Năm 2012, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Hộ nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”.

Hiện nay ở một số xã biên giới như Thanh Bình, Nậm Chảy người dân cũng phát triển trồng các loại cây ăn quả có múi với diện tích hơn 60 ha quýt ngọt và hơn 50 ha chanh trái vụ. Trong tương lai, huyện Mường Khương đang có kế hoạch hình thành vùng cây ăn quả có múi tập trung với diện tích lên tới 300 ha để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Thực hiện 5 chương trình, 19 đề án Phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXII, nhiệm kỳ 2010-2015, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện được giao là Cơ quan thường trực. Hội đã bám sát vào các chương trình, đề án của huyện để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện phong trào đến toàn thể bà con nông dân nhằm khơi dậy ý trí tự lực, tự cường, tinh thần lao động sáng tạo của từng gia đình trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời định kỳ tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, tìm ra những mô hình hay, những nhân tố mới để nhân rộng trên địa bàn; tôn vinh những hộ cần cù lao động vươn lên làm giàu bằng khả năng, sức lao động của mình và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Qua đó nhiều hộ nông dân đã không cam chịu đói nghèo, quyết tâm thay đổi tập quán canh tác, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ biết chuyển đổi các sản phẩm nông, lâm nghiệp trở thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Công tác hỗ trợ nông dân được Hội đặc biệt chú trọng. Hội đã giúp các hội viên vay vốn từ nguồn vốn các Ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân đồng thời giúp hội viên tiếp cận với cách làm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng phương thức liên kết “4 nhà”. Hội đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức trên 100 lớp tập huấn cho hơn 30 nghìn lượt hội viên về kỹ thuật trồng ngô lai, lúa lai, chè, đậu tương cao sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; vận động hội viên tham gia các mô hình mới trong trồng trọt, chăn nuôi.

Công tác dạy nghề ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả, đã phối hợp với đơn vị dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề cho nông dân nhằm nâng cao trình độ trong sản xuất và trồng trọt, góp phần tăng năng suất, giảm thiểu chi phí. Các hoạt động tương trợ giúp đỡ lẫn nhau như: phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, hỗ trợ giống cây, con, tạo việc làm tại chỗ... được thực hiện có hiệu quả.

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã từng bước tạo sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân, phù hợp với cơ chế thị trường. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết tương trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu được khơi dậy. Những mô hình làm ăn mới xuất hiện ngày càng nhiều và có hiệu quả, từ đó đã tạo nên phong trào nông dân thi đua vượt khó làm giàu ngày càng sôi nổi, tác động lớn đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, từ phong trào đã góp phần quan trọng để xây dựng Nông thôn mới. Hội đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, làm cho hội viên nhận thức được vai trò chủ thể, quan trọng của mình trong xây dựng Nông thôn mới. Nhiều hội viên đã tích cực tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi như: nhà văn hoá, trường mầm non, đường nông thôn, kênh mương nội đồng... qua đó hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, nhiều tuyến đường đã được rải nhựa, bê tông hoá hoặc đổ cấp phối phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hoá. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" cũng được Hội chú trọng phát triển, hằng năm 70% gia đình hội viên đạt gia đình văn hoá và Hội đã xây dựng mô hình điểm “Không để phân bón, gia súc trong nhà” tại xã Pha Long.

Hiện nay, Hội Nông dân của huyện có 231 chi hội, với 9.577 hội viên. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế có thu nhập hàng trăm triệu đồng năm; trong đó 80% số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là người dân tộc thiểu số, điển hình như: gia đình ông Thào Dìn, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu trồng dứa, chuối; gia đình ông Đỗ Văn Dậu, thôn Tảo Giàng 1, xã Lùng Vai chăn nuôi lợn thịt, lợn giống; gia đình bà Lồ Lài Sửu thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình kinh doanh vận tải, thu mua nông sản; gia đình ông Nguyễn Trọng Hoạt, thôn Na Lin, xã Bản Xen trồng rừng, kinh doanh vật liệu xây dựng tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động.

Chia tay vợ chồng ông Làn Mậu Thành và Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Khương Nguyễn Xuân Dậu khi sắc xuân đang đến gần với niềm vui được mùa, sự no ấm hiện hữu trên các khuôn mặt của người dân nơi đây. Quả thật nếu không đến tận nơi, chắc chúng tôi đã không thể tin rằng ở nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt này, bằng bàn tay lao động và ý chí con người đã bắt đá núi phải nhường chỗ cho vườn cây trĩu quả. Trong tương lai, mảnh đất vùng cao biên giới Mường Khương sẽ trở thành một vùng đất giàu mạnh nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc.

Đỗ Thương
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)

[NNL: DH]