Xanh thẳm rừng vùng cao
10:05 15/06/2015 Lượt xem: 1235 In bài viếtĐến huyện Mường Khương (Lào Cai) vào những ngày cuối tháng 12, đúng dịp ở đây đang nắng ấm, cây mận, cây đào nảy mầm, trổ hoa khoe sắc; đứng trên đồi cao phóng tầm mắt ra xa, tôi cảm nhận được sự trù phú của những cánh rừng trập trùng, ngút ngàn với màu xanh của mùa xuân đầy sức sống ở huyện vùng cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Rừng là tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho huyện Mường Khương. Ngoài tác dụng đa dạng như cung cấp gỗ, lâm sản, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn… rừng còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái...
Ông Lục Thượng Đại - Trưởng Ban Quản lí (BQL) Rừng phòng hộ huyện Mường Khương cho biết: Những năm qua thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, diện tích rừng trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể. Để mở rộng việc phát triển trồng rừng, năm 2014, Ban Quản lý đã gieo ươm hơn 1 nghìn giống cây Sa mộc có bầu và gần 6 nghìn kg hạt giống trẩu. Bên cạnh đó còn trồng 200 ha rừng phòng hộ và 200 ha rừng sản xuất. Nhằm động viên các hộ tham gia trồng rừng yên tâm làm tốt công tác trồng, giữ rừng BQL đã hỗ trợ 32,2 tấn gạo cho 69 hộ với tổng kinh phí 525 triệu đồng.
Để đảm bảo hiệu quả hơn trong công tác phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng, BQL đã thực hiện việc giao khoán trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng cho một số hộ gia đình và được hưởng chính sách ưu đãi. Với các chính sách chăm lo cho người giữ rừng, qua nhiều lần điều chỉnh, từ mức 50.000đ/ha/năm (1993) thì đến năm 2013, hộ giữ rừng được nhận bình quân 1.156.000đ/ha/năm. Đời sống của người dân giữ rừng ngày càng được ổn định và nâng cao. Bà con yên tâm bám rừng, bảo vệ rừng như là tài sản của mình. Việc thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ tài nguyên rừng cho các hộ không những góp phần lớn trong việc bảo vệ rừng mà còn thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng sự quan tâm, chăm lo cho cuộc sống các hộ giữ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mường Khương mà nhiều hộ giữ rừng rất phấn khởi vì đời sống không ngừng được nâng lên, con cái có điều kiện học hành phát triển.
Gặp tôi, ông Lù Văn Páo vui mừng nói: “Gia đình mình được nhận khoán bảo vệ rừng, được tham gia các lớp tập huấn: bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu… qua đó đã nâng cao được hiểu biết về rừng và còn được hưởng nhiều chính sách từ rừng. Nhờ đó mà kinh tế gia đình tốt hơn, con cái được học hành. Mình không tâm huyết, gắn bó với rừng thì không bảo vệ được rừng. Bà con nơi đây cũng đã hiểu giữ rừng cũng chính là giữ sự sống của mình”.
Thể hiện tình cảm sau nhiều năm gắn bó với rừng, ông Lù Văn Hủa tâm sự: “Từ khi nhận giữ rừng tôi thấy rừng đã mang lại sự sống cho con người. Để bảo vệ rừng tốt, phải bảo vệ từng động vật, sinh vật sống trong rừng dù là nhỏ bé. Rừng đã bảo vệ cuộc sống cho mình thì mình phải bảo vệ nó.
Muốn hoàn thành tốt việc bảo vệ rừng, từng hộ giữ rừng phải tuân thủ nghiêm quy chế và những quy định bảo vệ rừng. Ngoài những khó khăn, thiếu thốn về nước sinh hoạt, giao thông đi lại cách trở, hộ giữ rừng phải mưu trí xử trí các tình huống khi gặp lâm tặc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì nếu không ngăn chặn được lâm tặc khai thác trái phép tài nguyên rừng thì xem như nhiệm vụ không hoàn thành với BQL và cũng không được phân công giữ rừng, cuộc sống của gia đình lại tiếp tục khó khăn” - ông Lù Văn Hủa cho biết thêm.
Rừng có được như ngày hôm nay, là sự đóng góp lớn của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Khương. Trong những năm qua tập thể cán bộ, nhân viên của Ban đã vượt lên những khó khăn, thách thức, nỗ lực làm tốt công tác tổ chức quản lý và bảo vệ rừng. Mặc dù phải quản lý diện tích rừng lớn, địa bàn hoạt động rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; đất trồng rừng chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt… bên cạnh đó, đồng bào vẫn còn tập quán chăn thả rông trâu bò, ảnh hướng không nhỏ đến công tác giữ rừng và nguy cơ mất rừng luôn hiện hữu… Song với tinh thần trách nhiệm cao, BQL luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, đổi mới phương pháp, chủ động đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân đã biến nhiều khu đất trống cằn cỗi trở thành những cánh rừng bạt ngàn, xanh tươi, tạo cảnh quan đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động thực vật phát triển, xứng đáng là “lá phổi xanh” của huyện và các vùng lân cận.
Màu xanh bạt ngàn của rừng Mường Khương báo hiệu một mùa xuân mới đến, khẳng định ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, của Ban Quản lý Rừng phòng hộ và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc nói chung và hộ giữ rừng nói riêng đã và đang nỗ lực ngày đêm quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển của huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Kim Nhung
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]