Chung tay xây dựng nông thôn
10:39 15/06/2015 Lượt xem: 54146 In bài viếtHiệp Hòa là huyện trung du của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 30 km. Năm 2013, huyện được Nhà nước công nhận và được hưởng chế độ các xã thuộc xã an toàn khu. Huyện chủ yếu phát triển kinh tế bằng việc sản xuất lương thực, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn để phát triển thương mại nhưng chỉ được một số địa bàn thuận tiện, gần đường giao thông và gần với Hà Nội, còn các xã khác của huyện thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các xã nằm trong diện xã ATK của huyện.
Năm 2014, huyện được Nhà nước cấp kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hệ thống đường nông thôn được bê tông hóa thay thế cho các con đường đất lầy lội, hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, giúp cho đồng bào có điều kiện tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế. Trạm y tế và trường học được chú trọng xây mới, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở những khu vực xa xôi được kịp thời, 100% con em của đồng bào đều được đến trường theo đúng độ tuổi. Các công trình hiệu quả là: gần 3 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp đường tuyến 2 Đồng Trung 3 liên thôn, liên xã Mai Trung – Xuân Cẩm; hơn 2,7 tỷ đồng cứng hóa đường giao thông nông thôn ngã tư Mai Thượng đi Thắng Lợi, xã Mai Định; trên 2 tỷ đồng kiên cố hóa kênh mương đoạn từ Đại Thắng đến thôn Hoàng An, xã Hoàng Lương; gần 2,9 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học xã Thanh Vân; gần 2,3 tỷ xây dựng trạm y tế xã Thái Sơn…
Tuy nhiên, việc kinh phí đầu tư của Nhà nước đối với Hiệp Hòa cho các xã thuộc diện ATK còn nhiều hạn hẹp. Nguồn vốn và kinh phí thấp nên việc đầu tư và xây dựng hạ tầng cơ sở không được tập trung, một số con đường phục vụ cho việc đi lại của đồng bào ở những xã xa trung tâm, chỉ đủ cho một chiều dài nhất định. Các công trình phục vụ cho bà con vẫn còn thiếu nhiều, chính vì vậy rất cần sự đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức và doanh nghiệp đối với Hiệp Hòa.
Là huyện có nhiều di tích lịch sử, di tích kháng chiến nhưng việc đầu tư để tôn tạo và xây dựng nhằm gìn giữ giá trị văn hóa, giá trị lịch sử cho các thế hệ sau vẫn chưa thực sự được quan tâm.
Mặc dù năm 2014 các xã thuộc ATK của huyện mới được cấp kinh phí, nhưng cũng đã đem lại một luồng gió mới, giúp đồng bào sản xuất, vươn lên khá giầu; đoàn kết, chung tay xây dựng huyện ngày thêm giàu đẹp.
Văn Nhất
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]