Tỉnh Lai Châu: tái cơ cấu nông nghiệp vì sự phát triển bền vững
10:06 15/06/2015 Lượt xem: 1416 In bài viếtLai Châu là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tiềm năng về đất đai với diện tích tự nhiên 906.878 ha, trong đó mới có 93.000 ha diện tích đất đang trồng cây nông nghiệp. Toàn tỉnh còn khoảng trên 300.000 ha đất trống, đồi núi trọc có thể khai thác để phát triển sản xuất nông nghiệp như: Trồng chè, cao su, mắc ca, cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp. Chỉ tính sau 10 năm, sản lượng cây có hạt của tỉnh đã tăng từ 110.000 tấn (năm 2004) lên 187.000 tấn (năm 2014), đảm bảo được an ninh lương thực và có một phần sản lượng hàng hóa bán ra ngoài tỉnh. Không chỉ vậy, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sản xuất lại ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác kinh doanh. Nhờ đó đã khôi phục và phát triển được vùng nguyên liệu chè tập trung, đưa diện tích lên 3.400 ha, sản lượng chè búp tươi lên 20.600 tấn vào năm 2014. Hiện nay cây chè đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Cùng với đó là triển khai thí điểm trồng cây mắc ca với kết quả khả quan, từ đó làm cơ sở thực tiễn cho việc quy hoạch phát triển cây mắc ca, mở ra triển vọng cho một cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nâng độ che phủ rừng từ 35% năm 2004 nên 43,8% vào năm 2013, trở thành tỉnh đi đầu trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và có tốc độ che phủ rừng tăng nhanh, bình quân 1%/năm (bình quân cả nước tăng 0,4%/năm). Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là nông thôn vùng chè, vùng cao su, vùng có nhiều rừng tự nhiên và các vùng tập trung thâm canh, tăng vụ lúa, ngô. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,7% năm 2004 xuống còn 27,2% vào năm 2013.
Về lĩnh vực chăn nuôi, các cấp, các ngành đã kiên trì vận động và có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc có hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cũng đã bước đầu hình thành được một số cơ sở nuôi cá nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là cơ sở nuôi cá nước lạnh của Công ty cổ phần thuỷ điện Chu Va đã áp dụng thành công qui trình kỹ thuật nuôi cá tầm đẻ trứng để sản xuất con giống và đưa cá tầm ra nuôi thử nghiệm trong lồng trên hồ thủy điện Bản Chát, đây là tiền đề mở ra hướng đi mới trong việc phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ thủy điện để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng nền nông nghiệp của Lai Châu vẫn còn lạc hậu và mang tính tự cung tự cấp, quảng canh, năng suất, hiệu quả thấp. Sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành sản xuất chính trực tiếp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, song vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây sẽ là bước để chuyển nền nông nghiệp từ quảng canh, tự cung, tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa; Nâng cao giá trị sản suất, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp; Đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh…
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: để đạt mục tiêu đề ra, địa phương rà soát toàn bộ quy hoạch cây, con giống, trên cơ sở liên kết 4 nhà để tạo chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị. Các nguồn lực cần tập trung để đầu tư phát triển nhóm cây có lợi thế cạnh tranh, khả năng nâng cao giá trị như lúa, ngô, chè, cao su; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Khi nền nông nghiệp của tỉnh vẫn được coi là thế mạnh trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là thực sự cần thiết. Tỉnh xác định phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực, tạo được bước đột phá, thoát khỏi yếu kém dai dẳng, khai thác được tiềm năng thế mạnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó phải phát triển theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực lâm nghiệp. Ông Hà Văn Um nhấn mạnh: triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Lai Châu ưu tiên mỗi địa phương sẽ chọn từ 1 đến 2 sản phẩm và tập trung làm, sẽ có dự án để triển khai thực hiện. Một mặt coi như đó là hình thức giới thiệu sản phẩm, một mặt để thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm là phát triển hàng hóa với quy mô lớn, các cây trồng, vật nuôi khác vẫn phải phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Để mục tiêu của Đề án sớm trở thành hiện thực, thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020, rất cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có như thế Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới thực sự đạt hiệu quả bền vững.
Thanh Thủy
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]