Giữ màu xanh rừng đầu nguồn nơi biên cương tổ quốc

10:07 15/06/2015 Lượt xem: 1452 In bài viết

Mục tiêu phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn luôn được tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn quan tâm hàng đầu bởi sứ mệnh điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cải thiện môi trường, phát triển kinh tế- xã hội không chỉ trên địa bàn mà còn rộng lớn hơn là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đến với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn, chúng tôi mới thấy hết được sự vất vả của những người “làm rừng” nơi đây. Khó khăn do khí hậu thời tiết khắc nghiệt, bà con địa phương vẫn giữ phong tục tập quán làm nương rẫy từ lâu đời… đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về pháp luật quản lý và bảo vệ rừng.

Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng” , khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện về đất rừng và rừng nên việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động rất lớn đến an ninh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Qua 3 năm triển khai thực hiện đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích rừng được nâng lên đáng kể, các vụ cháy rừng, phá rừng ở một số xã, bản đã hạn chế, độ che phủ rừng qua các năm không ngừng tăng, năm 2013 đạt 42,54%.

Ông Bùi Ngọc Hoằng - Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện cho biết: từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức được 21 hội nghị tuyên truyền cấp xã cho trên 500 lượt cán bộ xã; gần 190 cuộc họp thôn bản cho hơn 4.500 lượt hộ dân. Ngoài ra, huyện đã xây dựng được 39 biển tuyên truyền khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng ở các khu rừng các xã, thị trấn; phát tờ tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các bản, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc tuần tra, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi gây hại đến rừng. Trong tháng 12/2014, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn đã ký Quy chế phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với phòng Giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong bảo vệ và phát triển rừng.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại hiệu quả thiết thực, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ nhận giao khoán về công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc tuần tra, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi gây hại đến rừng.

Nhiều năm qua, nguồn thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ rừng đã giúp cho cuộc sống của bà con DTTS ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu ngày một khấm khá hơn. Người dân được hưởng lợi từ rừng nên ngày càng gắn bó với rừng. Toàn huyện có hơn 4.100 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, số tiền một hộ hưởng lợi trung bình trong 2 năm 2012 - 2013 là gần 8.8 triệu đồng. Hộ được hưởng lợi cao nhất là 47,5 triệu tại xã Hua Bum. Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tăng thu nhập của người dân, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo; nhiều hộ nông dân đã có tiền mua lương thực dự trữ lúc giáp hạt, mua sắm được những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, phát triển chăn nuôi đại gia súc và có phần tích lũy cho con em đi học ở các trường chuyên nghiệp.

Ông Chá A Thứ - Chủ tịch xã Pú Đao chia sẻ: “Là một xã vùng cao, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 52%, thu nhập bình quân của bà con từ ngô, sắn trung bình chỉ đạt mức 10 triệu/năm thì nguồn thu từ dịch vụ rừng là một khoản tiền khá lớn đối với bà con. Vì thế, 100% các hộ dân trong xã ký cam kết bảo vệ rừng. Đều đặn hàng tháng, 4 tổ đội xung kích (mỗi tổ có từ 10-12 người) của 4 bản tổ chức đi tuần tra rừng, phát dọn cỏ dại, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi gây hại đến rừng. Nhờ đó mà diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt”.

Anh Mùa A Tính, bản Pa Mu, xã Hua Bum cho biết, để diện tích rừng mà xã, bản nhận giao khoán luôn phát triển tốt anh và các hộ khác trong bản thường xuyên có mặt tại khu vực rừng để kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp xâm hại. Đặc biệt, khi vào mùa khô, xã, bản cũng bố trí lực lượng đi kiểm tra rừng nhiều hơn, quyết không để tình trạng cháy rừng diễn ra trên diện tích bản nhận bảo vệ. Với trên 11.700 ha rừng phòng hộ và trên 2.200 ha rừng sản xuất, hàng năm các hộ gia đình của xã đều được nhận hàng chục triệu đồng, gia đình anh được nhận 36 triệu đồng. Số tiền này đã giúp cho gia đình anh cũng như các hộ khác trên địa bàn vượt qua những khó khăn, có thêm vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo. Đây là những kết quả bước đầu khả quan, là tiền đề cho người dân Nậm Nhùn tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Với thế mạnh có di tích Đền thờ Lê Lợi, rừng nguyên sinh và tương lai là Thủy điện Lai Châu hoàn thành đưa vào sử dụng, với ý thức giữ rừng và lòng hiếu khách của người dân, mỗi dịp Xuân về, Nậm Nhùn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong ngoài nước.

Uyên Linh
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)

[NNL: DH]