Đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

03:05 26/08/2015 Lượt xem: 54487 In bài viết

PV: Đồng chí có thể khái quát những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương?

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc: Thuận lợi lớn nhất là huyện nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kịp thời của Trung ương và tỉnh Lào Cai; sự hỗ trợ của các sở, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngày 11/11/2014, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 22 “Về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020” nhằm tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020, huyện Si Ma Cai đạt mức phát triển trung bình của tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết, tỉnh sẽ hỗ trợ Si Ma Cai phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc là chủ yếu. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái…

Về khó khăn: Si Ma Cai là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, là huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh. Huyện có 13 xã thì cả 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hiện cả huyện có gần 50% hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 mức bình quân chung của tỉnh (9,6 triệu/người/năm).

PV: Trong điều kiện khó khăn như vậy, Si Ma Cai đã đạt được những kết quả như thế nào về xây dựng nông thôn mới?

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc: Năm 2014, huyện đã đầu tư nâng cấp gần 100 km đường bê tông, trên 50 km đường cấp phối, mở mới 91 km đường liên thôn. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm, tất cả các thôn có công trình thủy lợi, trên 80% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, trên 65% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn người dân sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao. Triển khai thực hiện các dự án: phát triển đàn lợn đen bản địa; đàn ngựa bạch; đàn vịt Sín Chéng; nuôi nhốt bò và xây dựng thương hiệu bò Mông...

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm và phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 13/13 xã. 100% xã có trường lớp kiên cố và bán kiên cố. 17/47 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 04 trường mầm non; 11 trường tiểu học; 02 trường trung học cơ sở.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, cơ sở vật chất trang thiết bị về y tế được đầu tư cho các trạm y tế xã. Có 3/13 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia.
Thông qua tuyên truyền, vận động có 696 hộ/1.300 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh; 477 chuồng nuôi nhốt gia súc; 1.121 hố rác thải. Các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường được khắc phục. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện các biện pháp xử lý giảm ô nhiễm môi trường.

Đến thời điểm này, có 9 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, đó là: Sín Chéng (đạt 9 tiêu chí), Si Ma Cai (đạt 8 tiêu chí), Bản Mế (đạt 7 tiêu chí), Cán Cấu, Mản Thẩn (đạt 6 tiêu chí), Quan Thần Sán, Thào Chư Phìn, Lử Thẩn, Nàn Sín (đạt 5 tiêu chí). 4 xã gồm: Lùng Sui, Cán Hồ, Sán Chải, Nàn Sán đạt 4 tiêu chí.

PV: Từ kết quả đáng khích lệ đó,nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng nông thôn mới trong năm của huyện 2015 như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc: Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2014, năm 2015, huyện tập trung vào các nhiệm vụ: tích cực chỉ đạo và đôn đốc các xã tăng cường tham gia vào việc làm đường giao thông nông thôn, huy động sức dân trong việc làm đường giao thông nông thôn; cung ứng kịp thời vật liệu để đổ bê tông cứng hóa đường giao thông nông thôn với giá thành thấp nhất. Tiếp tục triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo về thực hiện các nội dung của tiêu chí môi trường nông thôn. Tập trung chủ yếu vào việc chỉ đạo, hướng dẫn vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, thu gom xử lý rác thải... Đối với các tiêu chí về kinh tế sẽ chú trọng hướng dẫn nhân dân tiếp tục chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chọn những mô hình sản xuất có hiệu quả cao để nhân rộng; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển ngành nghề truyền thống, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư và liên kết với nông dân trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, để giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương.

Phấn đấu mỗi xã hoàn thành ít nhất 02 tiêu chí, đối với xã điểm hoàn thành ít nhất 3 tiêu chí. Riêng 2 xã Sín Chéng và Mản Thẩn hoàn thành 19/19 tiêu chí.

PV: Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Si Ma Cai có được những kinh nghiệm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc: Tôi cho rằng quan trọng nhất trong xây dựng NTM là phải tạo được sự đồng thuận. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát từ khi xây dựng đề án đến cả quá trình thực hiện. Muốn vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân. Phải thực hiện công khai, minh bạch để tạo niềm tin trong nhân dân. Thứ hai là phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, đặc biệt là việc tiếp cận với các doanh nghiệp để có thêm nguồn lực đầu tư. Thứ ba là phải cố gắng vươn lên bằng nội lực, phát triển sản xuất, tăng thu nhập để người dân có điều kiện góp của, góp công trong quá trình thực hiện chương trình. Thứ tư là phải có sự phân công, phân cấp cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát và đối thoại với nhân dân.

Là huyện nghèo, nên Si Ma Cai rất coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Năm 2014, huyện đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên Đài phát thanh - Truyền hình huyện, tổ chức xe cổ động, chiếu phim lưu động, treo pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 100 cán bộ của 13 xã trực tiếp triển khai thực hiện chương trình.

Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự đồng thuận, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc địa phương, tin rằng công cuộc xây dựng NTM ở Si Ma Cai sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
 

Thương Huyền (thực hiện)
(Tạp chí Dân tộc số 170, tháng 02/2015)
[NNL: DH]