“Sổ thoát nghèo” là một sáng kiến của huyện Xín
Mần-một trong số 62 huyện nghèo nhất nước, bắt đầu làm thử từ năm 2007, với mục
đích chỉ ra căn nguyên nghèo của từng hộ gia đình do chính quyền các xã phát cho
mỗi hộ nghèo. Trong cuốn sổ đó, các hộ kê khai đầy đủ những thông tin về hiện
trạng của gia đình mà chỉ cần giở ra, chính quyền xã sẽ biết được hộ nghèo có
bao nhiêu tài sản, nhân lực, đất sản xuất, trâu, bò, lợn, gà…Có nhu cầu cần hỗ
trợ bằng tiền mặt hay hiện vật (giống, phân bón…) để từ đó áp dụng biện pháp
riêng giúp đỡ với từng hộ.
Nàn Xỉn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, tỷ lệ hộ nghèo của
xã lên tới 80,03% cao nhất huyện. Xã có 8 thôn, bản, 6 dân tộc anh em cùng sinh
sống gồm Tày, Nùng, La Chí, Phù Lá, Mường, Mông. Đa số các hộ dân trong xã không
thiếu đất sản xuất nhưng vẫn thiếu ăn. Năm nay, để giúp bà con xoá nghèo, Đảng
uỷ xã đã phân công 6 đồng chí trong Ban Thường vụ, 15 đồng chí trong Ban chấp
hành Đảng uỷ, Trưởng các đoàn thể, kể cả công an viên, dân quân tự vệ phụ trách
595 hộ trong xã. Cán bộ phụ trách hộ phải giúp bà con rà soát, ghi chép cụ thể
những nội dung vào sổ thoát nghèo. Trên cơ sở đó vừa kết hợp tuyên truyền, phân
tích cho đồng bào thấy trách nhiệm của mình phải tự vươn lên vừa áp dụng biện
pháp hướng dẫn bà con đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng
vật nuôi. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ly Thị Chẳm cho biết: từ khi có sổ thoát
nghèo, các đoàn thể của xã nắm được nguyên nhân đói nghèo để giúp đỡ hội viên
nghèo hiệu quả hơn. Với mẹ con chị Ly Già Chản, hội viên Hội Nông dân xã đã giúp
cấy, cày, thu hoạch cho gia đình lúc mùa vụ và hỗ trợ một cặp dê giống để phát
triển chăn nuôi. Được sự giúp đỡ của chính quyền xã và cộng đồng, đời sống của
mẹ con chị đã được cải thiện. Thóc, ngô cơ bản đủ ăn, đã có trâu để sản xuất khi
mùa vụ. Nhà Ly A Vảng Nở ở thôn Thắng Lợi, Sùng Hòa Pháng ở thôn Péo Suối Ngài
đông con, lại không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được Phó Bí
thư Đảng uỷ xã và cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn trồng 2 vụ ngô, 1 vụ
màu. Từ chỗ thiếu ăn, nay đã có ngô, thóc đầy bồ với lương thực bình quân đầu
người lên tới 600 kg/người/năm.
Đồng chí Lê Văn Xuân-Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nàn Xỉn cho rằng nguyên nhân dẫn đến
đói nghèo của đồng bào chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu kiến
thức làm ăn. Từ khi có sổ thoát nghèo, chính quyền xã áp dụng biện pháp giúp đỡ
linh hoạt hơn. Hộ thiếu vốn thì giúp tiếp cận với nguồn vốn. Hộ thiếu nhân lực
thì bổ sung nhân lực bằng cách huy động sự giúp sức của các tổ chức đoàn thể. Hộ
thiếu đất sản xuất thì vận động thâm canh tăng vụ để tăng năng suất cây trồng,
vật nuôi. Hộ thiếu kiến thức làm ăn thì cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xuống tận
nơi “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn khoa học kỹ thuật… Với xã Nàn Xỉn-xã trọng điểm
nghèo, huyện còn thành lập tổ cán bộ khuyến nông gồm 3 người của huyện tăng
cường xuống chuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phương thức sản xuất
mới cho đồng bào. Ngoài lương, các cán bộ này được hỗ trợ thêm 400.000 đ/tháng.
Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Xín Mần Hà Xuân Bình cho
biết: bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015,
Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo nhằm cụ thể hoá việc làm thí điểm từ năm 2007 là
phát sổ thoát nghèo cho các hộ dân. Đến nay, 100% các xã trong huyện cấp sổ
thoát nghèo tới 7.000 hộ dân. Bằng cách làm này kết hợp với nhiều nguồn lực đầu
tư của Nhà nước, của tỉnh, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của Xín Mần giảm hơn 10% so
với năm trước. Con số cụ thể là 800/7.000 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm
xuống còn 63,6%. Mừng hơn là kết quả giảm nghèo đó sẽ mang tính bền vững bởi đã
đi vào giải quyết nguyên nhân nghèo đói theo đặc thù riêng của từng hộ.
Sổ thoát nghèo - một cách làm thực tiễn ở Xín Mần cho thấy, xoá đói giảm nghèo
có thể nhanh nhờ các yếu tố ngoại lực, nhưng muốn đảm bảo tính bền vững, nhất
thiết cấp uỷ, chính quyền địa phương phải tìm ra cho được căn nguyên nghèo tại
mỗi hộ để có sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực nhất.
Hoàng Phương